Multimedia Đọc Báo in

Vấn đề phát triển con người trong văn kiện Đại hội XIII

07:00, 18/08/2021

Quan điểm con người là trung tâm của sự phát triển đã trở thành một định hướng chiến lược, một triết lý hành động xuyên suốt quá trình phát triển của đất nước ta.

Trong bài viết: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Xã hội xã hội chủ nghĩa là xã hội hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, dựa trên nền tảng lợi ích chung của toàn xã hội hài hòa với lợi ích chính đáng của con người… Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người. Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội”. Có thể khẳng định, trong mọi đường lối, chiến lược phát triển của Đảng ta đều xuất phát từ vấn đề con người, lấy con người làm trung tâm để hướng tới xây dựng một xã hội mới với sự phát triển toàn diện của con người và tiến bộ xã hội.

Có thể nói, trải qua các thời kỳ khác nhau, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đưa ra nhiều quan điểm và giải pháp phát huy nhân tố con người, nhằm khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo, lòng tự tôn tự hào dân tộc, nhân cách cao đẹp của con người Việt Nam để xây dựng và phát triển đất nước. Nghị quyết các kỳ đại hội của Đảng đều khẳng định: Con người là vốn quý nhất, chăm lo hạnh phúc con người là mục tiêu phấn đấu cao nhất của chế độ ta… 

Để làm được điều đó, phải đẩy mạnh hơn nữa sự nghiệp giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ là quốc sách hàng đầu để phát huy nhân tố con người - động lực trực tiếp của sự phát triển. Chiến lược con người phải nằm ở vị trí trung tâm của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Bởi vậy, mọi chủ trương, chính sách nhằm phát huy nhân tố con người đều xuất phát từ quan điểm cho rằng nhân dân là người sáng tạo ra lịch sử, là chủ nhân thực sự của xã hội, là chủ thể của mọi hành động kinh tế, văn hóa xã hội và mục tiêu của toàn bộ sự nghiệp cách mạng là phục vụ nhân dân.

Kế thừa, bổ sung và phát triển những quan điểm các kỳ đại hội trước, Đại hội Đảng lần thứ XIII bổ sung mối quan hệ giữa lấy con người làm trung tâm - bảo đảm quyền con người - phát triển con người toàn diện gắn bó khăng khít với mối quan hệ giữa thực hành dân chủ, pháp quyền nhằm giữ gìn pháp chế, kỷ cương xã hội và khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Minh Tấn tặng quà tuyên dương đội viên tiêu biểu toàn tỉnh. Ảnh: Vân Anh

Văn kiện Đại hội XIII khẳng định: “Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc”; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu. Thắt chặt mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng; củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa". Có thể nói, xuyên suốt toàn bộ quan điểm chỉ đạo, nhiệm vụ trọng tâm và chiến lược phát triển, Đảng đều đặt con người, quần chúng nhân dân ở trung tâm của sự phát triển.

Cùng với đó, Văn kiện Đại hội XIII nhấn mạnh: “Khơi dậy tinh thần và ý chí, quyết tâm phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; dân tộc cường thịnh, trường tồn; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tập trung khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, niềm tự hào, ý chí tự cường, lòng nhân ái, tinh thần đoàn kết, đồng thuận xã hội và khát vọng phát triển đất nước của toàn dân tộc. Xây dựng các cơ chế, chính sách phát huy tinh thần cống hiến vì đất nước của mọi người dân Việt Nam. Phát huy tối đa nhân tố con người; con người là trung tâm, chủ thể, là nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát triển. Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại. Phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, môi trường văn hóa, đời sống văn hóa phong phú, đa dạng, văn minh, lành mạnh; vừa phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc, vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần, nguồn lực nội sinh và động lực đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế”.

Với những quan điểm, đường lối đúng đắn của Đảng, trải qua những thời kỳ khác nhau, mỗi người dân Việt Nam đã phát huy cao độ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường để cùng nhau xây dựng đất nước. Đặc biệt, với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau” trong đại dịch toàn cầu hiện nay, Đảng, Chính phủ Việt Nam đã khẳng định tính ưu việt của chế độ, luôn coi sinh mạng, sức khỏe và cuộc sống của nhân dân lên trên hết.

Đề cao vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của con người trong chiến lược phát triển đất nước thể hiện rõ nét trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại… Đây chính là bước hoàn thiện lý luận đổi mới của Đảng ta về mục tiêu lấy con người – quần chúng nhân dân là mục tiêu, nguồn lực, là chủ thể và trung tâm của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng.

Cẩm Trang


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.