Vận dụng đúng đắn, sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh
Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời ngày 3-2-1930, lãnh đạo nhân dân Việt Nam giành thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đại hội VII năm 1991, Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động”.
Chủ nghĩa Mác - Lênin là thế giới quan, phương pháp luận khoa học về các quy luật của tự nhiên và xã hội, về thắng lợi của chủ nghĩa xã hội và xây dựng xã hội cộng sản. Đó là học thuyết duy nhất từ trước đến nay bàn về mục tiêu, điều kiện và phương pháp giải phóng con người khỏi ách áp bức bóc lột, bất công và đói nghèo trên thế giới. Chủ nghĩa Mác - Lênin là một hệ thống mở, có khả năng hấp thụ tinh hoa trí tuệ của nhân loại, gắn bó và phát triển cùng với thực tiễn phong trào cách mạng đã, đang và tiếp tục phát triển.
Sự sụp đổ của Liên Xô không phải là sự sụp đổ chủ nghĩa Mác - Lênin, đó là sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội có nhiều “khuyết tật”. Việt Nam vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin và đã đem lại thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử.
Tư tưởng Hồ Chí Minh là kết quả của sự vận dụng đúng đắn sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam. Điều này thể hiện ở Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng đề cập về vấn đề dân tộc và giai cấp, quốc gia và quốc tế, Đảng Cộng sản Việt Nam là sản phẩm của sự kết hợp chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước...
Đại hội XIII đã khẳng định, Đảng ta tiếp tục kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, không ngừng vận dụng và phát triển sáng tạo phù hợp với thực tiễn Việt Nam trong từng giai đoạn. Ảnh: dangcongsan.vn |
Đảng Cộng sản Việt Nam đã vận dụng, bổ sung, phát triển hết sức sáng tạo lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin như: Gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội; phát triển lý luận về chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; đưa ra mô hình chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam với tám đặc trưng. Trong đó, đặc trưng “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” vừa là đặc trưng đầu tiên vừa là mục đích của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Về kinh tế, Đảng Cộng sản Việt Nam coi kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa như công cụ, phương tiện xây dựng chủ nghĩa xã hội, là mô hình kinh tế tổng quát trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế; các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật; thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động và phân bổ các nguồn lực phát triển; là động lực chủ yếu giải phóng sức sản xuất...
Đảng Cộng sản Việt Nam coi xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân là hình thức tối ưu thực hiện quyền lực của nhân dân. Xuất phát từ thực tiễn Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam coi xây dựng Đảng về đạo đức là một bộ phận cấu thành quan trọng của công tác xây dựng Đảng trong điều kiện mới. Đảng Cộng sản Việt Nam cũng coi phát triển “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, một động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội, đồng thời là một mục tiêu của chủ nghĩa xã hội”. Tất cả những điều này cho thấy Đảng Cộng sản Việt Nam đã thành công trong vận dụng, bổ sung, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện thực tiễn Việt Nam.
Nhờ vận dụng, bổ sung và phát triển đúng đắn, sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh thời kỳ đổi mới, Đại hội XIII của Đảng ta đã khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Điều này chứng tỏ con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội mà Bác Hồ, Đảng và nhân dân ta lựa chọn hoàn toàn đúng đắn cả lý luận và thực tiễn. Đó cũng là minh chứng hùng hồn phản bác lại luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động, rằng: Tư tưởng Hồ Chí Minh không phải là kết quả của sự vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam hay đưa chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam là một sai lầm.
Th.s Ngô Sáu
Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh
Ý kiến bạn đọc