Multimedia Đọc Báo in

Thường xuyên đổi mới, nâng cao nhận thức về công tác dân vận

06:16, 29/09/2021

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định các nhiệm vụ về công tác dân vận đó là: Thường xuyên đổi mới công tác dân vận, nâng cao nhận thức, hành động về công tác dân vận của các cấp ủy đảng, hệ thống chính trị.

Theo đó, đổi mới công tác dân vận theo hướng thiết thực với cách làm sáng tạo, hướng đến mục tiêu đồng thuận, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, phát huy sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Tăng cường công tác dân vận của cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp. Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước gắn với việc bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân; thực hiện có hiệu quả các chính sách, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nâng cao đời sống nhân dân. Tăng cường đối thoại, tiếp xúc với nhân dân, sâu sát cơ sở, lắng nghe tâm tư, giải quyết kịp thời nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của nhân dân; sớm khắc phục tình trạng chậm hoặc không nắm được tình hình nhân dân; triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống chiến lược “diễn biến hòa bình” trên các lĩnh vực nhất là liên quan đến dân tộc, tôn giáo tại các địa bàn trọng yếu.

Cùng với đó, thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, xây dựng cơ chế cụ thể, thuận lợi để nhân dân được thông tin, tham gia ý kiến đóng góp, giám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Mở rộng và tạo điều kiện cho các hoạt động tự quản của nhân dân như: ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư cộng đồng, tổ hòa giải cơ sở... Nâng cao chất lượng các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước theo hướng thiết thực; đa dạng hóa các hình thức tập hợp nhân dân, hướng mạnh các hoạt động về cơ sở.

Nhờ làm tốt công tác dân vận, người dân thôn Phú Thành, xã Ea Drơng (huyện Cư M'gar) tích cực góp công, góp của làm đường giao thông nông thôn. Ảnh: Lan Anh

Để triển khai có hiệu quả công tác dân vận của hệ thống chính trị, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã xây dựng chương trình hành động. Trong đó tập trung quán triệt, tuyên truyền nội dung công tác dân vận trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng gắn với thực hiện các văn bản của Đảng về công tác dân vận, nhất là Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 3-6-2013 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới; Quyết định số 23-QĐ/TW, ngày 30-7-2021 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị, góp phần tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan nhà nước và hệ thống chính trị về công tác dân vận, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Trong công tác dân vận, chú trọng các nội dung đề cập trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Đó là: Thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò chủ thể của nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội. Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của nhân dân, trọng tâm là: Thực hiện đúng đắn, hiệu quả dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, đặc biệt là dân chủ ở cơ sở; thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; mọi hoạt động của hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên, công chức phải phục vụ lợi ích của nhân dân. Thắt chặt hơn nữa mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động của các cấp ủy đảng, hệ thống chính trị về công tác dân vận; nêu cao tinh thần trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, nhất là của chính quyền các cấp đối với công tác dân vận.

Tham mưu đổi mới công tác vận động, tuyên truyền đường lối, quan điểm của Đảng về công tác dân vận; nâng cao nhận thức, trách nhiệm, vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên đối với công tác dân vận; củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy và cán bộ trực tiếp làm công tác dân vận.

Cùng với đó, phối hợp tham mưu kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các văn bản của Đảng về công tác dân vận, trọng tâm là kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 3-6-2013 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI), Quyết định số 23-QĐ/TW ngày 30-7-2021 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị; việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng tôn giáo.

Tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” của hệ thống chính trị gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tuyên truyền, biểu dương, nhân rộng các mô hình, điển hình về công tác dân vận, vận động nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước...

Phương Lan

(Ban Dân vận Tỉnh ủy)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.