Multimedia Đọc Báo in

Vững bước vào giai đoạn phát triển mới

10:14, 18/09/2021

Krông Ana từ một vùng đất thuần nông còn nhiều khó khăn đã không ngừng nỗ lực, năng động, sáng tạo tận dụng các nguồn lực tập trung phát triển kinh tế - xã hội, từng bước khẳng định vị thế trong khu vực kinh tế của tỉnh, góp phần đắc lực vào tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Đến hết năm 2020, huyện Krông Ana có tổng giá trị sản xuất (theo giá so sánh năm 2010) đạt trên 4.500 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 9,35%; giá trị sản xuất bình quân đầu người ước đạt 75,72 triệu đồng.

Cầu treo Ea Chai, xã Bình Hòa. Ảnh: Chân Lê

Thế mạnh về nông nghiệp của địa phương tiếp tục được phát huy thông qua việc đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từng bước đổi mới tổ chức, liên kết, xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp an toàn, bền vững và có khả năng cạnh tranh, góp phần nâng cao thu nhập và chất lượng đời sống của người dân. Đến năm 2020, tổng diện tích gieo trồng là 30.599,12 ha (tăng 4.044,12 ha so với năm 2010). Giá trị sản xuất ngành chăn nuôi chiếm tỷ trọng 22% trong tổng giá trị ngành nông nghiệp (tăng 15% so với năm 2011).

Ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp từng bước khẳng định vai trò quan trọng, phục vụ sản xuất và đời sống người dân, góp phần quan trọng trong giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho lao động nông thôn và đóng góp tích cực cho ngân sách của huyện. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng (theo giá so sánh năm 2010) đến năm 2020 đạt 414.984 triệu đồng. Hoạt động thương mại - dịch vụ có sự tăng trưởng nhanh cả về quy mô cũng như chất lượng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân.

Với những thành tích nổi bật đã đạt được trong 40 năm qua, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc huyện Krông Ana đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba năm 1984, Huân chương Lao động hạng Nhì năm 2007, Huân chương Lao động hạng Nhất năm 2011.

Thời gian qua, huyện cũng đã sử dụng hiệu quả các nguồn vốn từ Trung ương, tỉnh, ngân sách huyện và khai thác các nguồn lực trong xã hội để lồng ghép đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng... Đến cuối năm 2020, tỷ lệ nhựa hóa và bê tông hóa đường huyện và nội thị đạt 100%, nhựa hóa và cứng hóa đường xã đạt 100%; có 100% hộ gia đình trong khu dân cư được sử dụng điện; đảm bảo chủ động nước tưới cho 95% diện tích cây trồng. Hiện nay, toàn huyện có 118/133 tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 88,06% (tăng 34 tiêu chí so với năm 2015); có 4 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới; số tiêu chí nông thôn mới nâng cao là 48/140.

Tuyến đường khu trung tâm thị trấn Buôn Trấp. Ảnh: Chân Lê

Đi đôi với phát triển kinh tế, xây dựng kết cấu hạ tầng, huyện Krông Ana cũng luôn chăm lo phát triển văn hóa, giáo dục, y tế. Toàn huyện hiện có 50 cơ sở giáo dục, trong đó có 45 trường công lập và 5 trường tư thục, với 21.574 học sinh; có 27/44 trường đạt chuẩn quốc gia; 100% số xã, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 3 và phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi. Mạng lưới y tế cơ sở từng bước được củng cố, cơ bản đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân. 100% trạm y tế các xã, thị trấn có bác sĩ; 100% các thôn, buôn, tổ dân phố có cộng tác viên y tế.

Các chương trình giảm nghèo bền vững, các chính sách an sinh xã hội cũng được quan tâm. Đến năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo của huyện chỉ còn 5,03% (giảm 3,67% so với năm 2010).

Trải qua 40 năm xây dựng và phát triển, những kết quả đạt được là minh chứng cho sự đồng lòng, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và nhân dân các dân tộc huyện Krông Ana. Bước vào giai đoạn mới với nhiều thời cơ, thách thức mới cũng chính là động lực để cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân huyện nhà phấn đấu vươn lên, tiếp tục đạt được nhiều thành quả và có sự phát triển vững chắc hơn nữa.

Nguyễn Thanh Vũ

(Chủ tịch UBND huyện Krông Ana)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.