Multimedia Đọc Báo in

Ngày 27-10, Quốc hội thảo luận về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển 4 địa phương và vấn đề bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

18:59, 27/10/2021

Ngày 27-10, tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thảo luận trực tuyến đối với Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hải Phòng và các tỉnh: Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên-Huế; Tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH), quản lý và sử dụng Quỹ BHXH năm 2020; Việc quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế năm 2020 và thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân trong 2 năm 2019-2020.

Đại biểu thảo luận về những cơ chế, chính sách trong dự thảo nghị quyết với 4 địa phương nói trên. Cụ thể: tỉnh Thừa Thiên - Huế, tỉnh Nghệ An được vay với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 40% số thu ngân sách tỉnh được hưởng theo phân cấp; với TP. Hải Phòng, tỉnh Thanh Hóa thì mức này không vượt quá 60%.

Đối với TP. Hải Phòng, hằng năm, ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách thành phố không quá 70% số tăng thu ngân sách Trung ương so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao.

Đối với các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Nghệ An, ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho các tỉnh không quá 70% số tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu của hàng hóa xuất, nhập khẩu so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao... 

Ngoài ra Quốc hội còn thảo luận đối với các nội dung: cơ chế đặc thù về thí điểm thực hiện chính sách phí, lệ phí trên địa bàn; quản lý đất đai và quản lý sử dụng rừng; quản lý quy hoạch; thu từ xử lý nhà, đất; hiệu lực thi hành của các dự thảo nghị quyết...

Các đại biểu tham dự phiên thảo luận tại điểm cầu tỉnh Đắk Lắk.
Các đại biểu tham dự phiên thảo luận tại điểm cầu tỉnh Đắk Lắk.

Về tình hình thực hiện chính sách, chế độ BHXH, quản lý và sử dụng Quỹ BHXH năm 2020, theo báo cáo của Chính phủ thì trong năm 2020, Ngân sách nhà nước hỗ trợ cho người tham gia BHXH tự nguyện là hơn 137,6 tỷ đồng (tăng 35% so với năm 2019); cơ quan BHXH đã thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 4 cho tất cả các thủ tục hành chính (27/27 thủ tục), kết nối, tích hợp và cung cấp 15 dịch vụ công trên cổng dịch vụ công quốc gia; đã tiếp nhận và giải quyết trên 85 triệu hồ sơ giao dịch điện tử. Đối với chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH thì đến 31-12-2020 số người tham gia BHXH đạt gần 16,2 triệu người (bằng 33,5% lực lượng lao động); trong năm 2020 có hơn 1,1 triệu người tham gia BHXH tự nguyện (tăng gấp 2 lần so với năm 2019), với tổng số tiền thu đạt gần 4.000 tỷ đồng; số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp khoảng 13,3 triệu người (giảm khoảng 0,4% so với năm 2019), với số tiền thu khoảng gần 18.700 tỷ đồng…

Đối với việc quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế năm 2020 và thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân trong 2 năm 2019-2020, tính đến 31-12-2020, số người tham gia bảo hiểm y tế là 87,96 triệu người đạt tỷ lệ bao phủ 90,85% dân số. Trong đó, ngân sách nhà nước đóng và hỗ trợ mức đóng trên 51 triệu người (chiếm 58%); tổng số chi do ngân sách nhà nước đóng, hỗ trợ mức đóng năm 2020 là gần 40.000 tỷ đồng (bằng 37% tổng số thu tiền đóng bảo hiểm y tế)...

Tại phiên thảo luận đã có 23 ý kiến của các vị ĐBQH tập trung vào các nội dung như: vẫn còn một số chính sách, quy định đã được ban hành nhưng chậm đi vào cuộc sống; cần đánh giá tổng thể hơn về kết quả, nhất là đối với việc thanh tra tại các doanh nghiệp, đơn vị tham gia BHXH để từ đó xác định cụ thể việc chấp hành pháp luật của doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động; cần làm rõ nguyên nhân và rà soát quy định điều kiện hưởng BHXH một lần; việc quản lý, cung cấp thông tin, dữ liệu về bảo hiểm y tế cần bảo đảm liên thông, được đồng bộ và thống nhất quản lý với ngành y tế trong việc triển khai ứng dụng hồ sơ, bệnh án điện tử…

Ngày mai (28-10), buổi sáng Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); Bộ trưởng Bộ Nội vụ giải trình, làm rõ một số vấn đề ĐBQH nêu. Buổi chiều, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi); Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giải trình, làm rõ một số vấn đề ĐBQH nêu.

Duy Tiến


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.