Multimedia Đọc Báo in

Tạo sự chuyển biến căn bản trong từng lĩnh vực giám sát

14:58, 04/11/2021

Sáng 4-11, Ủy Ban thường vụ Quốc hội đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì hội nghị.

Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Y Vinh Tơr chủ trì tại điểm cầu Đắk Lắk.

Trong năm 2022, Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến sẽ tiến hành giám sát 4 chuyên đề: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 – 2021; Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành; Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1-7-2016 đến ngày 1-7-2021 và Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì hội nghị.
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại hội nghị. (Ảnh chụp màn hình)

Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022 được tập trung triển khai nhằm góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội; góp phần tiếp tục đổi mới, tạo dấu ấn, lan tỏa cảm hứng hành động, sáng tạo, chuyên sâu trong hoạt động giám sát; giám sát đúng và trúng, chỉ rõ địa điểm, quy rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân và kiến nghị, đề xuất sửa đổi chính sách, pháp luật nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật của Nhà nước.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các giải pháp tổ chức triển khai hiệu quả chương trình giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Một số ý kiến cho rằng, đối với các chuyên đề giám sát lần này, cần đi sâu, làm rõ việc lựa chọn phương thức giám sát bảo đảm linh hoạt, hiệu quả và thực chất hơn trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 gắn liền với kết quả thực thi văn bản pháp luật trên thực tế; giải pháp huy động có hiệu quả sự tham gia của cơ quan Kiểm toán nhà nước, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị, xã hội và các chuyên gia; cơ chế phối hợp hiệu quả, trách nhiệm cụ thể của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong tổ chức triển khai 4 chuyên đề giám sát của Quốc hội và của Ủy ban Thường vụ Quốc hội…

Đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk.
Đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk.

Đóng góp ý kiến tại hội nghị, thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Y Vinh Tơr đã nêu một số khó khăn, vướng mắc trong việc tổ chức hoạt động giám sát của Đoàn ĐBQH tại địa phương như: Các cuộc giám sát tại địa phương chủ yếu được tổ chức theo hình thức Đoàn giám sát của Đoàn ĐBQH, ít đại biểu có hoạt động giám sát riêng; các ĐBQH trong Đoàn chưa chủ động thực hiện nhiệm vụ giám sát theo quy định. Bên cạnh đó, phạm vi, trách nhiệm của Đoàn ĐBQH trong việc tổ chức giám sát tại địa phương quá rộng, đòi hỏi chuyên môn sâu. Trong khi đó, thời gian hoạt động giám sát, nguồn lực để Đoàn ĐBQH tỉnh thực hiện việc giám sát còn hạn chế. Khối lượng công việc lớn, nhiều việc phát sinh, yêu cầu gấp về tiến độ đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả hoạt động giám sát.

Mặt khác, cơ sở pháp lý, phương pháp tổ chức phối hợp của các cơ quan hữu quan nói chung, Kiểm toán khu vực, Ủy ban MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc tham gia các hoạt động của Đoàn ĐBQH nói chung và hoạt động giám sát nói riêng vẫn còn chung chung, không xác định rõ trách nhiệm; nguồn lực để thực hiện hoạt động giám sát của Đoàn ĐBQH còn hạn chế…

Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Y Vinh Tơr
Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Y Vinh Tơr đóng góp ý kiến tại hội nghị.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Thời gian tới, các đoàn giám sát cần tiếp tục đổi mới, sáng tạo, giám sát đúng và trúng, quy rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân và đề xuất sửa đổi, tạo ra sự chuyển biến căn bản trong từng lĩnh vực giám sát. Để đạt được điều đó cần phải làm đến nơi đến chốn, theo tận cùng từng vấn đề được giám sát; có phương pháp giám sát tổng hợp, chi tiết, khoa học, nhất là trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay; phải huy động tổng lực các cơ quan chức năng tham gia thực hiện giám sát. Việc tổ chức giám sát phải chặt chẽ; cán bộ tham gia giám sát phải bản lĩnh và sẽ có cách để giám sát lại những người đi giám sát, với mục tiêu cao nhất là vì sự phát triển của đất nước.

Về phương thức giám sát, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu tiến hành đồng bộ từ Trung ương đến địa phương và có kiểm tra chéo lẫn nhau; đồng thời cần bám sát đề cương giám sát, tranh thủ ý kiến cơ quan chức năng, MTTQ Việt Nam, lắng nghe ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học, các tầng lớp nhân dân. Trong quá trình triển khai, các đoàn giám sát cần kịp thời báo cáo tiến độ, rà soát vấn đề phát sinh, thường xuyên giao ban nội bộ và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội những vấn đề phát sinh (nếu có)…

Lan Anh
 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.