Multimedia Đọc Báo in

Thực hiện Đề án 303: Bảo đảm tiến độ, chất lượng công tác biên soạn lịch sử đảng bộ địa phương

08:00, 19/11/2021

Sau 5 năm triển khai thực hiện Đề án nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ xã, phường, thị trấn theo Quyết định số 303-QĐ/TU, ngày 27-7-2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy  (gọi tắt là Đề án 303), cấp ủy, chính quyền các cấp đã xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, nhằm nâng cao nhận thức của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác lịch sử Đảng.

Toàn tỉnh có 62 đơn vị đã biên soạn và xuất bản lịch sử đảng bộ, đạt 67,3% so với kế hoạch của Đề án 303, trong đó có một số đơn vị có thành tích nổi bật trong triển khai thực hiện như Thành ủy Buôn Ma Thuột đạt 100%, Huyện ủy Krông Pắc và Krông Bông đều đạt 50%.

Xác định công tác nghiên cứu, biên soạn, xuất bản lịch sử đảng bộ địa phương và tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng là nhiệm vụ cấp thiết đối với công tác xây dựng Đảng trong tình hình mới, những năm qua, Đảng bộ TP. Buôn Ma Thuột đã tích cực triển khai thực hiện.

Lễ công bố phát hành cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột) giai đoạn 1975 - 2015.

Đồng chí Ngô Trọng Yêm, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy cho biết, để cụ thể hóa việc thực hiện Đề án 303, Ban Tuyên giáo Thành ủy đã chủ động tham mưu cho Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Kế hoạch số 11-KH/TU, ngày 25-7-2016 về "Xây dựng lịch sử các đảng bộ phường, xã”. Kế hoạch nêu rõ lộ trình hoàn thành việc biên soạn lịch sử đảng bộ của từng đơn vị bằng việc phân chia mốc thời gian, nội dung công việc, tổ chức, cá nhân thực hiện một cách cụ thể. Ban Thường vụ Thành ủy cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ thẩm định để chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát và thẩm định nội dung lịch sử đảng bộ của các phường, xã; sao lưu các chỉ thị, nghị quyết, hướng dẫn của Trung ương, của Tỉnh ủy, Thành ủy về công tác lịch sử đảng để các đơn vị bám sát đề cương nghiên cứu và biên soạn. Đến tháng 5-2020, TP. Buôn Ma Thuột là địa phương đầu tiên trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành việc biên soạn lịch sử đảng bộ của 21/21 phường, xã trực thuộc, tỷ lệ đạt 100%.

Theo đánh giá của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Minh Tấn, sau 5 năm triển khai thực hiện Đề án 303, nhận thức của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh về vị trí, vai trò của công tác lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống cách mạng được nâng lên rõ rệt. Quá trình tổ chức, triển khai đảm bảo đúng quy trình, các bước nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ địa phương đã thu hút các nhà khoa học, các nhân chứng lịch sử, cán bộ chủ chốt tham gia. Số lượng và chất lượng các công trình lịch sử đảng bộ địa phương trong tỉnh ngày càng tăng lên.

Các đại biểu tìm hiểu về cuốn Lịch sử Đảng bộ phường Thành Công (TP. Buôn Ma Thuột).

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Đề án 303 hiện vẫn còn những hạn chế, khó khăn nhất định. Đến nay, toàn tỉnh vẫn chưa đạt mục tiêu đến năm 2020 hoàn thành nghiên cứu, biên soạn lịch sử các xã căn cứ cách mạng, xã Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, xã biên giới. Cụ thể, đã triển khai biên soạn và xuất bản được 14/17 đơn vị, đạt 82,3%; trong đó có hai xã biên giới là Ia R'vê và Ia Lốp (huyện Ea Súp) thành lập năm 2006 chưa đủ điều kiện để triển khai biên soạn và xã Đắk Phơi (huyện Lắk) chưa triển khai thực hiện.

Mặt khác, một số cấp ủy đảng chưa thực sự quan tâm đúng mức trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Đề án; chưa tích cực kiểm tra, đôn đốc để công tác nghiên cứu, biên soạn thực hiện đúng kế hoạch, thiếu nguồn tư liệu lịch sử... dẫn đến số công trình hoàn thành, xuất bản còn ít.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án 303, phấn đấu đến năm 2025 đạt và vượt 50% số xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh biên soạn, xuất bản lịch sử; hoàn thành biên soạn lịch sử Đảng bộ xã Đắk Phơi, huyện Lắk (đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân), ngày 18-10-2021 Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có Kết luận số 446-KL/TU đề nghị các cấp ủy, chính quyền địa phương, đơn vị đẩy nhanh tiến độ thực hiện, nhất là các công trình đang triển khai biên soạn; đảm bảo chặt chẽ quy trình sưu tầm nghiên cứu, biên soạn, thẩm định, xuất bản.

Bên cạnh đó, nâng cao hơn nữa chất lượng các ấn phẩm lịch sử theo hướng chú trọng tổng kết kinh nghiệm thực tiễn qua các thời kỳ cách mạng, có sự phân tích lịch sử, phản ánh khách quan, khoa học những thành tựu, đóng góp của đảng bộ và nhân dân địa phương với phong trào cách mạng chung của huyện, tỉnh và đất nước.

Trong thời gian tới, các huyện ủy, thị ủy cũng cần quan tâm đầu tư kinh phí cho công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử xã, phường, thị trấn; kiện toàn đội ngũ cán bộ nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ các cấp, đảm bảo số lượng và chất lượng. Cùng với đó, tăng cường tuyên truyền, giáo dục lịch sử đảng bộ địa phương tới đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.

Hồng Chuyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.