Multimedia Đọc Báo in

Tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành pháp luật

17:04, 03/11/2021

Sáng 3-11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Kết luận số 19-KL/TW, ngày 14-10-2021 của Bộ Chính trị và Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật (XDPL) nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. 

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc đồng chủ trì hội nghị tại điểm cầu Trung ương.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Quochoi.vn

Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Đắk Lắk, về phía đại biểu Trung ương có Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm; Thiếu tướng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Nguyễn Thị Xuân.

Về phía tỉnh Đắk Lắk có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Minh Tấn; Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Y Vinh Tơr; các ĐBQH tỉnh; đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh; đại diện lãnh đạo Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh.

Tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đã quán triệt, chỉ đạo việc triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình XDPL nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Trong đó nhấn mạnh việc xây dựng, ban hành luật phải thận trọng, chắc chắn, đặt yêu cầu cao về chất lượng; lấy quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp và lợi ích quốc gia - dân tộc làm trọng tâm; bám sát và đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Các cơ quan, tổ chức phải xác định rõ trách nhiệm của mình trong công tác XDPL, hoàn thiện thể chế. Chính phủ và các bộ, ngành phải khẩn trương tổ chức nghiên cứu, chuẩn bị; các cơ quan của Quốc hội cần tăng cường theo dõi, đôn đốc, giám sát và phối hợp chặt chẽ trong quá trình thực hiện, bảo đảm chất lượng, tiến độ các dự án luật, nghị quyết trình Quốc hội…

Đại biểu tham dự tại điểm cầu Đắk Lắk.
Đại biểu tham dự tại điểm cầu Đắk Lắk.

Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã nghe báo cáo tổng quan về Định hướng Chương trình XDPL nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và dự kiến Kế hoạch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị; đồng thời thảo luận, đóng góp ý kiến vào định hướng chương trình XDPL nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Phát biểu bế mạc hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị: Để đảm bảo thực hiện tốt Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án định hướng Chương trình XDPL nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV, các cơ quan, tổ chức từ Trung ương đến địa phương cần chú trọng nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa của công tác XDPL, hoàn thiện thể chế. Tiếp tục tìm tòi, đổi mới, cải tiến quy trình, thủ tục để tăng tính hiệu quả trong XDPL; tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan hữu quan đối với công tác lập pháp.

Quá trình đề xuất sửa đổi, bổ sung luật, pháp lệnh... cần siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nhất là làm tốt công tác chuẩn bị hồ sơ, soạn thảo, lấy ý kiến góp ý; đặc biệt quan tâm phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, tránh lợi ích nhóm. Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các vị ĐBQH tỉnh cần nêu cao tinh thần, trách nhiệm của mình trong việc nghiên cứu, tìm tòi, góp ý vào các dự án luật, dự thảo nghị quyết nhằm tăng tính hiệu quả đối với công tác XDPL...

Lan Anh
 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.