“Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”
Ngày 24/11/1946, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. 75 năm đã qua, lời dạy của Người vẫn còn nguyên giá trị lịch sử trong việc khẳng định sức mạnh vị trí, vai trò của văn hóa; việc xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam.
Năm 1946, ngay sau Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất được tổ chức vào ngày 24/11 tại Nhà hát Lớn Thủ đô Hà Nội, với sự tham gia của hơn 200 đại biểu ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam.
Dù bận trăm công nghìn việc nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành thời gian tới dự hội nghị và có bài phát biểu khai mạc, trong đó Người tha thiết mong muốn nền văn hóa mới của nước nhà lấy hạnh phúc của đồng bào, của dân tộc làm cơ sở.
Chính tại diễn đàn này, Người đã khẳng định:“Số phận dân ta là ở trong tay dân ta. Văn hóa soi đường cho quốc dân đi. Tôi mong chúng ta đem văn hóa lãnh đạo quốc dân để thực hiện Độc lập, Tự cường và tự chủ.” (Báo Cứu quốc số 416 ngày 25/11/1946).
Bác Hồ với đoàn ca múa nhân dân. (Ảnh tư liệu) |
Sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, một phong trào kháng chiến hóa văn hóa và văn hóa kháng chiến dưới sự lãnh đạo của Đảng đã trở thành cuộc cách mạng mở rộng. Đảng ta xác định vai trò, nhiệm vụ to lớn của văn hóa lúc này là phục vụ cho công cuộc kháng chiến. Những nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ dùng ngòi bút, tài năng của mình để cho ra đời các tác phẩm tuyên truyền, thông tin về chiến sự, kể những mẩu chuyện kháng chiến cho dễ nghe, dễ hiểu.
Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai được tổ chức tại xã Đào Giã, huyện Thanh Ba - Phú Thọ trong 5 ngày, từ ngày 16 đến 20/7/1948, với hơn 200 đại biểu trí thức toàn quốc. Hội nghị được nhận thư của Hồ Chủ tịch và đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư của Đảng, trình bày bản báo cáo lịch sử chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam. Đây là văn kiện hoàn chỉnh đầu tiên về đường lối văn hóa – văn nghệ của Đảng, cụ thể hóa và phát triển những luận điểm cơ bản của bản Đề cương Văn hóa Cứu quốc năm 1943. Hội nghị đã chính thức thành lập Hội Văn hóa Việt Nam; bầu Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Hội trưởng Danh dự.
Giã gạo bên nhà sàn ở Tây Nguyên. Ảnh: Ngô Minh Phương |
Xuyên suốt trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta không ngừng đổi mới tư duy lý luận và bổ sung phát triển các quan điểm, đường lối lãnh đạo văn hóa phù hợp với điều kiện thực tiễn. Trong tổng thể của nền văn hóa Việt Nam, chúng ta tự hào khi văn hóa - văn nghệ tham gia vào cuộc cách mạng, kháng chiến của dân tộc và công cuộc dựng xây, kiến thiết đất nước gặt hái được nhiều thành công.
Chúng ta tự hào vì Chủ tịch Hồ Chí Minh, không chỉ là Anh hùng Giải phóng dân tộc, mà còn là một Danh nhân Văn hóa được quốc tế tôn vinh, Người đã luôn nêu cao ngọn cờ "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi", bằng chính cuộc đời của Người. Noi gương Người, đội ngũ văn nghệ sĩ, tri thức đã bám sát thời cuộc để cho ra đời những công trình, tác phẩm đặc sắc thuộc mọi loại hình nghệ thuật góp sức vào công cuộc kháng chiến, kiến quốc.
Hôm nay, ngày 24/11/2021 Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc tại thủ đô Hà Nội và trực tuyến trên toàn quốc. Đây là sự kiện văn hóa lớn (được coi như hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ ba) nhằm đánh giá việc thực hiện đường lối, chủ trương, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về công tác văn hóa văn nghệ, thống nhất phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác này trong giai đoạn 2021 - 2026, tầm nhìn đến năm 2045. |
Thúy An
Ý kiến bạn đọc