Multimedia Đọc Báo in

Hội nghị đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng

17:08, 14/12/2021

Ngày 14/12, tại Hội trường Diên Hồng (Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội), Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương đảng đã tổ chức Hội nghị đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với các điểm cầu trong cả nước.

Đây là hội nghị toàn quốc đầu tiên do Bộ Chính trị, Ban Bí thư trực tiếp chỉ đạo tổ chức để bàn về công tác đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân và của cả hệ thống chính trị.

Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nguyễn Phú Trọng chủ trì và chỉ đạo hội nghị. Tham dự có các đồng chí: Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước; Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Võ Văn Thưởng, Thường trực Ban Bí thư; Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Trung ương Đảng, Đại sứ và Tổng Lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài; cùng các bộ, ban, ngành Trung ương.

v
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo hội nghị. (Ảnh chụp màn hình)

Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Đắk Lắk có các đồng chí: Nguyễn Đình Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Y Vinh Tơr, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; cùng đại diện lãnh đạo các ban, ngành liên quan.

Qua 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện, tích lũy, nâng tầm được cả thế và lực nhất định, uy tín ngày càng gia tăng trên trường quốc tế. Trong tổng thể các thành tựu của đất nước có sự đóng góp không nhỏ của đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 189/193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc; thiết lập được khuôn khổ quan hệ ổn định, lâu dài với 30 đối tác chiến lược, toàn diện; gia nhập và ký kết hơn 80 điều ước quốc tế đa phương; là thành viên của hơn 70 tổ chức, diễn đàn đa phương khu vực và toàn cầu; tham gia hiệu quả vào xây dựng Cộng đồng ASEAN. Việt Nam đã có quan hệ thương mại với 224 thị trường và đối tác; 71 nước đã công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam.

d
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu chính. (Ảnh chụp màn hình)

Các hoạt động đối ngoại cấp cao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước được duy trì thường xuyên, đóng góp vai trò then chốt trong việc tăng cường tin cậy chính trị giữa Việt Nam với các đối tác. Hiện nay, Đảng ta đã thiết lập quan hệ với 247 chính đảng ở 111 quốc gia; Quốc hội Việt Nam có quan hệ với quốc hội, nghị viện của hơn 140 nước; các đoàn thể, tổ chức nhân dân có quan hệ với hàng nghìn tổ chức nhân dân và phi chính phủ nước ngoài.

Trong đại dịch COVID-19, thông qua công tác ngoại giao y tế/vắc xin, Việt Nam đã nhận được 151 triệu liều vắc xin phòng ngừa COVID-19, đạt 100% kế hoạch. Nước ta cũng kịp thời viện trợ vật tư y tế và tài chính cho trên 50 quốc gia và tổ chức quốc tế. Bên cạnh đó, các lĩnh vực công tác đối ngoại như: ngoại giao văn hoá, thông tin đối ngoại, công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, bảo hộ công dân… cũng được triển khai toàn diện, chủ động, tích cực. Qua đó, góp phần quan trọng nâng cao vị thế, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.

Tham luận tại hội nghị, lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; các đồng chí lãnh đạo tỉnh, thành ủy trong cả nước đã tập trung nêu bật lên những thành tựu và đề xuất những phương hướng để thực hiện có hiệu quả về công tác đối ngoại, như: Công tác đối ngoại nhân dân; Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trong hoạt động kinh tế đối ngoại, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Tăng cường đối ngoại quốc phòng, góp phần tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa; Nâng cao hiệu quả công tác thông tin đối ngoại trong bối cảnh mới…

sd
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Đắk Lắk

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Công tác đối ngoại đang là động lực mạnh mẽ để phát triển quốc gia, dân tộc. Đây cũng là dịp các cấp, các ngành, địa phương, đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại cả trong nước, cũng như nước ngoài nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn nữa về tình hình, vị thế của đất nước ta trong khu vực và trên thế giới; vị trí, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác đối ngoại trong tổng thể chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tạo ra khí thế mới, xung lực mới cho toàn hệ thống chính trị và các cấp, ngành trong hoạt động đối ngoại.

Trên cơ sở những kết quả đạt được về công tác đối ngoại, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị các bộ, ban, ngành, các cấp cần thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình để kịp thời đổi mới tư duy, không ngừng sáng tạo trong hoạch định và triển khai chính sách đối ngoại, phù hợp với lợi ích quốc gia - dân tộc và xu thế thời đại. Nỗ lực tìm kiếm đối tác mới, hướng đi mới trên cơ sở kiên định mục tiêu, tiếp tục quán triệt đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển. Đề cao xây dựng đoàn kết, đồng thuận trong nước; kiên quyết bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; phát huy tối đa mọi yếu tố thuận lợi của đất nước để định hình cơ chế đa phương. Mở rộng và nâng cao hoạt động đối ngoại nhất là hợp tác kinh tế, chính trị, quốc phòng - an ninh. Giữ gìn, kế thừa và phát huy bản sắc ngoại giao Việt Nam kết hợp với văn hóa truyền thống của dân tộc, nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh để tiếp tục xây dựng và hoàn thiện khoa học, lý luận ngoại giao Việt Nam. Sắp xếp kiện toàn nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Đối ngoại Trung ương và các địa phương, cơ quan, đơn vị có chức năng làm công tác đối ngoại ở nước ngoài và trong nước theo phương châm hoạt động tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả…

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.