Multimedia Đọc Báo in

Phát huy vai trò tiên phong của công tác thông tin đối ngoại

08:09, 24/02/2022

Kế thừa, phát huy kết quả đạt được của công tác thông tin đối ngoại thời gian qua, Đại hội XIII của Đảng đã nêu bật yêu cầu phát huy vai trò tiên phong của công tác thông tin đối ngoại nhằm nâng cao hơn nữa uy tín, vị thế Việt Nam và Đảng Cộng sản Việt Nam trên trường quốc tế.

Thông tin đối ngoại – đi trước mở đường

Thực hiện Kết luận số 16-KL/TW, ngày 14/2/2012 của Bộ Chính trị khóa XI về chiến lược phát triển thông tin đối ngoại giai đoạn 2011 – 2020, các bộ, ban, ngành Trung ương và các địa phương đã thành lập, kiện toàn Ban chỉ đạo, xây dựng, ban hành văn bản, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn tổ chức thực hiện nhằm tạo sự đồng bộ, thống nhất trong phối hợp chỉ đạo, định hướng công tác thông tin đối ngoại.

Nội dung thông tin đối ngoại có nhiều đổi mới, phong phú, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm. Bên cạnh các thông tin về quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các sự kiện quan trọng, thành tựu phát triển đất nước, các hoạt động ngoại giao, đối ngoại song phương, đa phương được cung cấp đậm nét, bài bản, chủ động, thể hiện phương châm “đi trước mở đường”, góp phần giúp dư luận trong và ngoài nước hiểu rõ, đúng về quan điểm, chính sách đối ngoại của Việt Nam.

Lễ hội đường phố trong Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột luôn thu hút nhiều đoàn nghệ thuật của các nước bạn tham gia.

Các bộ, ban, ngành, địa phương đã cung cấp thông tin về tình hình thế giới và khu vực một cách có chọn lọc, phù hợp với quan điểm, đường lối, chính sách đối ngoại của đất nước, văn hóa của dân tộc; kịp thời đấu tranh, ngăn chặn những thông tin độc hại, sai trái từ bên ngoài xâm nhập vào Việt Nam; thông tin kịp thời những vấn đề, vụ việc liên quan đến tôn giáo, dân tộc, dân chủ, nhân quyền, công tác bảo hộ công dân Việt Nam.

Hình thức, phương tiện thông tin cũng ngày càng đa dạng hóa và đổi mới, phát huy hiệu quả công tác thông tin đối ngoại qua kênh đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân. Tùy thời điểm, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã sử dụng phương thức thông tin đối ngoại phù hợp như: phỏng vấn, tổ chức thông báo trực tuyến, diễn đàn, hội nghị xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư, giao lưu đối ngoại văn hóa, thể thao, du lịch, gặp mặt, chúc mừng nhân ngày lễ lớn, triển lãm, tọa đàm, chiếu phim... Các cơ quan thông tấn, báo chí của Trung ương và địa phương đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo về hình thức thông tin, tích cực chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất các chương trình, chuyên trang, chuyên mục, ấn phẩm bằng nhiều thứ tiếng. Công tác thông tin, tuyên truyền trên môi trường Internet, mạng xã hội ngày càng được chú trọng, đổi mới.

Nâng cao hơn nữa uy tín, vị thế của Việt Nam

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định mục tiêu tổng quát và các mục tiêu chiến lược phát triển đất nước cụ thể, đến năm 2030 Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Bối cảnh quốc tế và trong nước đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ mới đối với công tác thông tin đối ngoại, đó là “nâng cao hơn nữa uy tín và vị thế Việt Nam và Đảng Cộng sản Việt Nam trên trường quốc tế phù hợp với các mục tiêu chiến lược Đại hội XIII của Đảng đề ra đến năm 2030, tầm nhìn 2045”.

Lễ hội đường phố trong Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột thu hút đông đảo bạn bè quốc tế tham gia.

Theo Ban Chỉ đạo công tác Thông tin đối ngoại Trung ương, để có thể thực hiện những yêu cầu, nhiệm vụ của công tác thông tin đối ngoại trong giai đoạn mới cần phải đổi mới cả về quan điểm chỉ đạo và các giải pháp triển khai. Trong đó, xác định thông tin đối ngoại có vai trò then chốt trong việc kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, gắn kết chặt chẽ giữa thông tin đối ngoại và thông tin đối nội, triển khai một cách toàn diện, đa chiều dựa trên 3 kênh là đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân. Đồng thời, phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị, huy động sự tham gia rộng khắp của mọi tầng lớp nhân dân, sự ủng hộ của bạn bè quốc tế; xác định văn hóa là nguồn lực quan trọng để gia tăng “sức mạnh mềm” của Việt Nam.

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo công tác Thông tin đối ngoại Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định, thông tin đối ngoại phải thực sự là lực lượng “đi trước mở đường”, tạo thế và lực cho việc triển khai các nhiệm vụ chính trị của đất nước, đấu tranh với các thế lực thù địch, chống phá với tinh thần không né tránh những vấn đề nhạy cảm, nỗ lực giành thế chủ động trên mặt trận dư luận trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, công tác thông tin đối ngoại cần đồng bộ trong việc truyền tải các thông điệp đối ngoại của Đảng, sáng tạo về nội dung, phương thức và hiệu quả trong triển khai thực hiện; đẩy mạnh chuyển đổi số, huy động, phát huy tối đa các nguồn lực thực hiện công tác thông tin đối ngoại. 

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.