Multimedia Đọc Báo in

Ký ức tháng ba

06:10, 10/03/2022

Gần nửa thế kỷ đã trôi qua, những người lính trẻ nhất ở huyện Krông Bông ngày ấy bây giờ tóc cũng đã hoa râm, mắt có thể mờ nhưng ký ức về những ngày tháng 3/1975 vẫn vẹn nguyên trong tâm tưởng.

Năm nay ông Y Sing Bkrông (thường gọi Ama Jang), ở buôn Ngô A, xã Hòa Phong (huyện Krông Bông) đã 66 tuổi. Ông là người dân tộc M’nông, sinh ra và lớn lên ở vùng căn cứ cách mạng buôn Ngô A (xã Hòa Phong), là con liệt sĩ H’Dă Bkrông. Tháng 4/1972, khi vừa tròn 16 tuổi, ông nhập ngũ vào Huyện đội H9 và được biên chế vào khẩu đội cối 82.

Ông Y Sing Bkrông kể chuyện tham gia chiến dịch giải phóng Phước An.

Ông Y Sing nhớ lại: Vào tháng 3/1975, sau khi quán triệt nghị quyết của cấp trên, đơn vị ông được điều động mai phục ở khu vực Vụ Bổn (suối Nước Đục) nhằm chặn đường tháo chạy của địch. Trước sự tấn công như vũ bão của quân dân ta, địch đóng quân ở các đồn lẻ hoang mang tháo chạy về chi khu Phước An (lúc đó đóng ở Phước Trạch). Để hậu thuẫn cho lực lượng của ta mai phục, khi chiếc xe chở quân địch tháo chạy đến giữa cầu Vụ Bổn, khẩu đội 82 của ông đã bắn pháo đánh sập cầu, khiến cả xe và người rơi xuống suối… Sau khi Buôn Ma Thuột được giải phóng, địch ở quận Phước An tháo chạy về đồi Chư Cúc, đơn vị của ông tiếp tục truy đuổi. Trên đường truy đuổi, thấy hai trẻ nhỏ khoảng 3 - 4 tuổi lạc cha mẹ đang đứng khóc trong khi súng vẫn nổ rền vang, sợ các cháu bị thương vong, ông Y Sing đã dừng lại bế các cháu bé đến giao cho đơn vị cấp dưỡng cho ăn uống, nhờ vậy mà các cháu được cứu sống…

Còn ông Y Đơi Bkrông (dân tộc M’nông, thường gọi Ama Jrai) vào tháng 3/1975 là Trung đội phó Trung đội 2 thuộc Huyện đội H9, phụ trách súng DKZ. Ông kể, Chiến dịch Tây Nguyên 1975 là kỷ niệm khó quên trong đời người lính. Khi ấy, với nhiệt huyết của tuổi trẻ, khi nhận được lệnh của cấp trên, ông và đồng đội băng rừng, lội suối đi chiến đấu. Đơn vị ông từng tham gia giải phóng ở Nam Ka (huyện Lắk). Sau khi địch ở Nam Ka tan rã, đơn vị ông truy đuổi đến khu vực buôn Tría thì phát hiện địch lẩn trốn, ông đã dùng súng tiêu diệt một tên, sau đó cùng đơn vị bao vây bắt sống 5 tên…

Ông Y Đơi Bkrông kể chuyện vượt đường rừng tham gia giải phóng ở Nam Ka (huyện Lắk).

Vào những ngày năm 1975 lịch sử ấy, ông Y Lơng Niê (thường gọi Ama Nghin, dân tộc Êđê, ở buôn Ngô A, xã Hòa Phong, năm nay đã 72 tuổi) là Trung đội phó Trung đội 2, Ban tham mưu Tỉnh đội Đắk Lắk. Trước ngày chiến dịch nổ ra, đơn vị ông nhận lệnh hành quân từ căn cứ H9 vào trung tâm thị xã Buôn Ma Thuột. Sau khi trinh sát địa hình thì đóng quân xung quanh khu vực Bệnh xá quân y của địch. Vào đêm 10/3/1975, khi các đơn vị của ta đồng loạt nổ súng, địch biết nguy cơ thất thủ nên bỏ chạy tán loạn. Lúc đó đơn vị ông vào tiếp quản mà không tốn viên đạn nào…

Những ngày tháng 3/1975 cũng để lại dấu ấn đặc biệt đối với những người làm công tác xây dựng chính quyền, đoàn thể, ổn định vùng mới giải phóng như bà Nguyễn Thị Phẩm, năm nay 80 tuổi, ở xã Khuê Ngọc Điền. Bà Phẩm nguyên là Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Krông Bông. Bà kể: Ngày ấy, bà được phân công tham gia tiếp quản ở xã Hòa Hiệp (huyện Cư Kuin ngày nay). Đây là vùng đồng bào có đạo, một số tàn quân FULRO lợi dụng những đồi cao dọc theo đường 27 lén lút hoạt động chống phá cách mạng, gây cho ta nhiều khó khăn. Với kinh nghiệm 10 năm làm công tác phụ nữ, bà Phẩm chiếm được lòng tin của quần chúng, vì thế có nhiều chị em dẫn bà đến nơi cất giấu vũ khí của bọn tàn quân để thu nộp về cấp trên…

Mai Viết Tăng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.