Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV: Làm rõ vị trí, vai trò của lực lượng Cảnh sát cơ động
Tiếp tục Chương trình làm việc kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, sáng 26/5 Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cảnh sát cơ động, đồng thời tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Cảnh sát cơ động.
Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày Báo cáo Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Luật Cảnh sát cơ động tại hội trường, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật này. Sau kỳ họp, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh chủ trì, phối hợp với Ban soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật; gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội các cơ quan của Quốc hội và cơ quan có liên quan.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, Cảnh sát cơ động là lực lượng thuộc Công an nhân dân, nên dự thảo Luật Chính phủ trình quy định cảnh sát cơ động là “lực lượng vũ trang nhân dân” là phù hợp và thống nhất với một số luật đã ban hành; là căn cứ pháp lý để xác định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, xây dựng chế độ, chính sách, bảo đảm hoạt động, tạo điều kiện để cảnh sát cơ động hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn |
Liên quan đến quy định huy động người, phương tiện, thiết bị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý “tên điều” và nội dung “điều luật” theo hướng chỉ huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho biết, quy định về thẩm quyền huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự nhằm bảo đảm các điều kiện để cảnh sát cơ động hoàn thành nhiệm vụ được giao trong các trường hợp cấp bách, do đó dự thảo Luật chỉ quy định cảnh sát cơ động được huy động khi thực hiện các nhiệm vụ do cảnh sát cơ động chủ trì thực hiện quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 9 dự thảo Luật. Đối với nhiệm vụ tham gia, phối hợp phòng, chống, khắc phục thảm họa, thiên tai, dịch bệnh thì việc huy động người, phương tiện, thiết bị sẽ do lực lượng chủ trì quyết định.
Đối với nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát bảo đảm an ninh, trật tự, trong quá trình tuần tra, kiểm soát, nếu phát hiện trường hợp vi phạm pháp luật nghiêm trọng đe dọa đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội cần có biện pháp ngăn chặn, xử lý, trấn áp kịp thời mà lực lượng tuần tra, kiểm soát không đủ điều kiện xử lý hiệu quả thì được phép huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự để hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ nội dung này như dự thảo Luật trình Quốc hội.
Điều hành phiên họp, Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, dự án Luật Cảnh sát cơ động đã được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 2, với tổng số 299 ý kiến phát biểu.
Trên cơ sở tập hợp đầy đủ, tập trung nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến của đại biểu Quốc hội, nhiều nội dung của dự thảo Luật đã được chỉnh lý, hoàn thiện cụ thể, rõ ràng hơn. Dự thảo Luật trình lần này đã bổ sung 5 Chương, 33 Điều.
Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội phát biểu điều hành phiên thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn |
Để có cơ sở tiếp tục chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Luật, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu tập trung, thảo luận cho ý kiến về các vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau là khái niệm biện pháp vũ trang, nhiệm vụ, quyền hạn của cảnh sát cơ động, việc huy động người, thiết bị dân sự… và các vấn đề khác các đại biểu quan tâm.
Phát biểu góp ý kiến cho dự thảo Luật Cảnh sát cơ động tại hội trường, đa số các đại biểu đều nhất trí cao đối với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật này; cho rằng hồ sơ dự án Luật đã được chuẩn bị công phu; các nội dung đã tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội và chỉnh lý theo hướng khoa học hơn so với dự thảo trình tại Kỳ họp trước.
Một số đại biểu cho rằng, việc quy định trong một số trường hợp đặc biệt, được quy định người, phương tiện, thiết bị dân sự và người đang sử dụng điều khiển thiết bị, phương tiện đó để đảm bảo khả năng hoàn thành nhiệm vụ là cần thiết. Nhưng cần phải cân nhắc, xem xét kỹ để đưa ra các quy định chặt chẽ về phạm vi và thẩm quyền về việc huy động nói trên.
Về thẩm quyền huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự, các đại biểu cho rằng, quy định thẩm quyền như dự thảo Luật là quá rộng, vì có những người phục vụ lâu dài, có những người không phục vụ lâu dài trong lực lượng. Việc huy động ở đây là con người, là phương tiện, thiết bị dân sự, là tài sản của nhân dân, có những tài sản giá trị lớn, rủi ro bị thiệt hại khi huy động là có. Nếu xảy ra trường hợp lạm dụng quyền huy động vì mục đích cá nhân thì việc xử lý hệ lụy sẽ rất phức tạp, do đó đề nghị cần cân nhắc thêm nên quy định chỉ những trường hợp đặc biệt, thật sự cần thiết mới là phạm vi để cảnh sát cơ động có thể huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự và giới hạn người có thẩm quyền huy động khi thực hiện nhiệm vụ độc lập phải là những người phục vụ lâu dài trong lực lượng hoặc giữ cấp bậc, chức vụ nhất định.
Các đại biểu cũng nêu ý kiến cần làm rõ quy định về trường hợp cấp bách được huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự để tránh sự lạm quyền của người thi hành công vụ, tránh làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức. Mặt khác giúp cảnh sát cơ động thuận tiện cho việc thực hiện nhiệm vụ này.
Ngoài ra, một số đại biểu cũng đề nghị cân nhắc bổ sung quy định cảnh sát cơ động được trang bị vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, tàu bay, tàu thuyền, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ ở mức độ như thế nào khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao để đảm bảo cụ thể, khả thi khi thi hành…
Lan Anh (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc