Multimedia Đọc Báo in

Dựa vào dân để “chống giặc nội xâm”

08:18, 04/08/2022

Phát biểu bế mạc Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 - 2022 và định hướng hoạt động thời gian tới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Phòng, chống tham nhũng là "chống giặc nội xâm", tức là chống những thói hư, tật xấu, nhất là sự suy thoái về phẩm chất, đạo đức, tệ ăn bớt, ăn cắp, ăn chặn của công dưới nhiều hình thức; tiền tài, của cải, vật chất... do người khác "biếu xén", "cho, tặng", hối lộ, với động cơ không trong sáng. Nó thường diễn ra đối với những người có chức, có quyền.

Về định hướng 6 giải pháp thời gian tới, thì trong giải pháp thứ tư, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, phải huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đặc biệt, phát huy mạnh mẽ vai trò, trách nhiệm của cơ quan và đại biểu dân cử, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên; của nhân dân, cơ quan truyền thông và báo chí, doanh nghiệp, doanh nhân trong phòng, chống tham nhũng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc đồng chủ trì hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc đồng chủ trì Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 - 2022.  Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thực tế, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ đã từng nhấn mạnh đến nhóm nhiệm vụ, giải pháp về phát huy vai trò của nhân dân và Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong quá trình triển khai thực hiện nghị quyết. Trong đó, có một nội dung đáng chú ý đó là: xây dựng và thực hiện cơ chế bảo vệ, khuyến khích người dân phản ánh, tố giác và tích cực đấu tranh chống suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"; phát hiện và phản ánh những biến động bất thường về tài sản của cán bộ, đảng viên có chức, có quyền.

Việc khuyến khích người dân phát hiện và phản ánh những biến động bất thường về tài sản của cán bộ, đảng viên có chức, có quyền thực chất cũng không gì ngoài việc là nhằm phát huy vai trò của nhân dân trong việc ngăn chặn tình trạng tham nhũng, tiêu cực hiệu quả nhất.

Có thể nói, lâu nay, điều nhân dân quan tâm, lo lắng, bất bình chính là mức độ tham nhũng ngày càng nghiêm trọng, tính phức tạp và tác hại ngày một lớn. Một thực tế cho thấy, mặc dù Đảng, Nhà nước đã triển khai nhiều chủ trương, biện pháp quyết liệt, nhưng vẫn có không ít vụ tham nhũng lớn liên tiếp xảy ra, báo động tính chất nghiêm trọng của sự thoái hóa, biến chất về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là những người có chức, có quyền, thậm chí cấp rất cao. Vấn đề tham nhũng, tiêu cực hiện nay diễn ra với nhiều thủ đoạn tinh vi, có tính tổ chức chặt chẽ, móc nối chằng chịt trên, dưới, trong, ngoài và thường có “ô dù” che chắn, tạo dựng được thế lực, quyền lực, thao túng, công khai thách thức pháp luật và dư luận. Hậu quả do tham nhũng gây ra không chỉ làm thiệt hại lớn tiền bạc, tài sản của Nhà nước, của nhân dân mà còn làm đảo lộn những giá trị chuẩn mực về đạo đức, làm vẩn đục các mối quan hệ xã hội; làm cho nhân dân mất niềm tin...

Với tính chất nghiêm trọng và đòi hỏi bức xúc của toàn xã hội, Đảng ta đã xác định: Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là một nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng Đảng, nhiệm vụ trực tiếp, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Để cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đạt kết quả cao, hơn lúc nào hết, phải dựa vào quần chúng, phát động quần chúng mạnh dạn tố giác, đấu tranh chống lại tham nhũng, tiêu cực.

Tuy nhiên, để nhân dân tin tưởng, tích cực tham gia vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng một cách hiệu quả thì thực tế về phía Nhà nước cũng phải có những cơ chế, biện pháp, tạo điều kiện cho người dân có thể giám sát, phát huy vai trò của mình.

Muốn vậy, công tác cải cách hành chính phải cần được đẩy mạnh, làm cho bộ máy hành chính Nhà nước tinh gọn, phân định rõ ràng chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Cơ chế xin - cho và các thủ tục hành chính rườm rà, sách nhiễu dân cần phải được xóa bỏ triệt để. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm kê, kiểm soát cần được tăng cường, gắn với việc thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở để phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, nhất là vai trò của Mặt trận, các đoàn thể chính trị, xã hội, các cơ quan thông tin đại chúng vào cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Thực tế cho thấy, trong thời gian qua, khi Đảng, Nhà nước “mạnh tay” xử lý nghiêm minh các vụ việc nổi cộm, có liên quan đến tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, dù người đó là ai, ở cương vị nào đã thực sự tạo lòng tin trong nhân dân. Vì vậy, các tầng lớp nhân dân sẽ luôn sát cánh cùng với Đảng, Nhà nước, mạnh dạn tố giác các biểu hiện suy thoái, đấu tranh chống lại tham nhũng, tiêu cực, thật sự là “tai mắt” hữu hiệu trong cuộc chiến “chống giặc nội xâm” hết sức khó khăn, phức tạp.   

Tường Mạnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.