Multimedia Đọc Báo in

Sáp nhập thôn, buôn, tổ dân phố: Chính quyền quyết tâm – lòng dân đồng thuận (kỳ 3)

08:14, 03/08/2022

Kỳ cuối:  Sớm giải quyết thỏa đáng những vấn đề từ thực tiễn

Với những kết quả đạt được trong việc sắp xếp, sáp nhập thôn, buôn (gọi chung là thôn), tổ dân phố (TDP) đã ngày càng khẳng định vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương các cấp, tạo tiền đề tiếp tục lãnh đạo địa phương phát triển toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, đặc biệt là việc sáp nhập cho giai đoạn tiếp theo. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, có nhiều vấn đề đặt ra cần sớm có hướng giải quyết phù hợp.

Cần tạo thuận lợi cho người dân "hậu sáp nhập"

Có thể khẳng định, việc sáp nhập thôn, TDP trên địa bàn tỉnh đã thực hiện theo hướng tinh gọn, đảm bảo hoạt động ổn định, tạo đồng thuận cao trong nhân dân. Tuy nhiên, câu chuyện “hậu sáp nhập” cũng còn nhiều vấn đề đòi hỏi chính quyền địa phương các cấp cần quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. Theo Chủ tịch UBND xã Ea Ô (huyện Ea Kar) Võ Huy Khôi, hệ thống chính trị mới sau sáp nhập có nhiều xáo trộn. Đơn cử như hộ khẩu, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chứng minh nhân dân, thẻ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội… đều phải chỉnh lý theo tên thôn, TDP mới. Bởi sau khi sáp nhập trên hệ thống quản lý nhà nước không còn tên các thôn, TDP cũ, song hầu hết giấy tờ cũ của người dân đều gắn với thôn, TDP trước khi sáp nhập. Do đó, cần tạo điều kiện thuận lợi cho dân cư các thôn mới thành lập trong việc làm lại các loại giấy tờ trên cũng như các giấy tờ khác liên quan đến thủ tục hành chính.

Cán bộ xã Cư Yang (huyện Ea Kar) trao đổi việc sáp nhập với người dân thôn 11.

Ông Y Bình Niê (thị xã Buôn Hồ) cho rằng, để tạo điều kiện cho người dân ở thôn, TDP “hậu sáp nhập”, Nhà nước cần rà soát sửa đổi, bổ sung và ban hành các văn bản hướng dẫn điều chỉnh về hồ sơ, giấy tờ, thủ tục hành chính, chế độ, chính sách bảo đảm thuận lợi nhất cho người dân, tổ chức sau khi sáp nhập thôn, TDP, tránh trường hợp phải đi chỉnh lý nhiều lần, gây phiền hà, mất thời gian.

 

Theo Quyết định số 2930/QĐ-UBND ngày 9/10/2019 của UBND tỉnh, giai đoạn 2019 - 2021, toàn tỉnh có 456 thôn, TDP thực hiện sáp nhập (trong đó 428 đơn vị thuộc diện sáp nhập, 28 đơn vị khuyến khích); 63 thôn, TDP thuộc diện sáp nhập nhưng có yếu tố đặc thù.

Bên cạnh đó, sau khi sáp nhập, quy mô tổ chức đảng và quy mô hộ gia đình tăng, nhưng chế độ phụ cấp cho cán bộ không chuyên trách vẫn giữ nguyên như trước đây là không hợp lý, khó thu hút cán bộ không chuyên trách “bám trụ” với thôn, TDP sau sáp nhập. Bí thư Chi bộ thôn 5 (xã Ea Ô, huyện Ea Kar) Nguyễn Kim Hùng bày tỏ, thôn 5 được sáp nhập từ 3 thôn (5A, 5B và thôn 13), nếu như trước đây bộ máy quản lý của 3 thôn này có khoảng 15 người đảm nhận vị trí chủ chốt thì nay chỉ còn lại 1 bí thư chi bộ, 1 trưởng thôn và 1 trưởng ban công tác Mặt trận. Số người giảm, khối lượng công việc tăng, đặc biệt là quy mô hộ gia đình tăng gấp 3 lần nhưng phụ cấp cho cán bộ không chuyên trách lại không tăng. Trước thực tế này, thôn 5 đã linh động chia thành 3 xóm, bầu 3 xóm trưởng để hỗ trợ Ban tự quản thôn quản lý dân cư. Mỗi xóm trưởng chỉ được hỗ trợ 200.000 đồng/tháng, từ nguồn kinh phí do người dân trong xóm đóng góp. Do đó, ông Hùng cũng mong muốn và kiến nghị HĐND tỉnh cần xem xét và điều chỉnh chế độ phụ cấp đối với cán bộ không chuyên trách ở các thôn, TDP sau sáp nhập, đặc biệt đối với những địa bàn có số dân đông để khuyến khích họ cống hiến và nhiệt huyết với nhiệm vụ được giao.

Cùng với đó, cần có những giải pháp phù hợp để xử lý vấn đề dôi dư cán bộ khi tiến hành sắp xếp, tổ chức bộ máy, tinh giản cán bộ. Ngoài ra, quy mô dân số tăng, các thiết chế văn hóa cũ không còn phù hợp, việc tổ chức sinh hoạt cộng đồng gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, rất cần có cơ chế để phát huy hiệu quả cơ sở vật chất của các thôn, TDP sau khi sáp nhập.

Cần cơ chế riêng cho những thôn, TDP không thuộc diện đặc thù

Chỉ trong thời gian ngắn nhưng với quyết tâm cao của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, việc sáp nhập thôn, TDP trên địa bàn tỉnh đã đạt được kết quả tích cực, bảo đảm tiến độ đề ra (giảm 282 thôn, TDP, đạt tỷ lệ 100%). Đây sẽ là tiền đề quan trọng để tỉnh triển khai việc sắp xếp, sáp nhập thôn, TDP ở các địa phương trên địa bàn còn lại; đồng thời, kết quả này cũng rút ra nhiều bài học kinh nghiệm cho cơ quan quản lý nhà nước khi thực hiện công tác này ở giai đoạn tiếp theo. Bởi trên thực tế, có những xã, phường là địa danh lịch sử, truyền thống văn hóa rất quan trọng đối với người dân đã gắn bó, sinh sống lâu đời tại đây hoặc có những xã, phường do vị trí địa lý không thể sắp xếp một cách cơ học...

Một trong những Nhà văn hóa cũ xã Ea Ô không đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân sau khi sáp nhập.

Thực hiện Quyết định số 2930/QĐ-UBND, ngày 9/10/2019 của UBND tỉnh phê duyệt Đề án tổng thể sắp xếp, sáp nhập thôn, TDP trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 - 2021, trong quá trình triển khai thực hiện đã phát sinh một số bất cập, đòi hỏi cơ quan quản lý nhà nước cần có những cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp với tình hình thực tiễn và nguyện vọng của đông đảo người dân. Đơn cử như tại xã Ea Drông (thị xã Buôn Hồ), theo Quyết định số 2930, địa phương có thôn 9 và thôn Ea Kung thuộc diện phải thực hiện sáp nhập và lấy tên thôn mới là thôn 9. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng đề án sáp nhập 2 thôn này lại không đủ điều kiện về số hộ dân (chỉ có 147 hộ); trong khi đó diện tích đã là gần 233 ha, chiều dài từ đầu thôn đến cuối thôn khoảng 5 km. Do đó, quy định buộc địa phương phải sáp nhập 2 thôn này vào một thôn khác là thôn 8 (thôn nằm liền kề). Phương án này không được người dân ủng hộ bởi sự khác biệt truyền thống văn hóa, đời sống sinh hoạt. Cụ thể, thôn 8 đã có diện tích trên 326 ha với 195 hộ dân (185 hộ là đồng bào dân tộc Tày, Nùng) khác biệt với thôn 9 và thôn Ea Kung chủ yếu là người Kinh và người Êđê; đó là chưa nói đến việc sáp nhập sẽ gây khó khăn trong việc quản lý, bởi địa bàn rộng, dân cư đông.

Tương tự, tại xã Cư Yang, huyện Ea Kar, theo đề án địa phương sẽ sáp nhập thôn 12 và thôn 13. Chủ tịch UBND xã Cư Yang Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, 2 thôn sau khi sáp nhập có diện tích tự nhiên lên đến gần 555 ha, song chỉ có 109 hộ dân. Diện tích tự nhiên lớn, dân cư phân bố rải rác theo chân đồi kéo dài khoảng 13km nên 2 thôn này không thể sáp nhập với thôn khác được. Do đó, dù không đủ điều kiện về quy mô số hộ, xã đề nghị huyện và tỉnh có cơ chế riêng để sáp nhập 2 thôn này theo tinh thần nơi nào thuận lợi, hội đủ điều kiện thì có phương án phù hợp với tình hình thực tế của địa phương để thực hiện; nơi nào phức tạp khó khăn hơn thì cần có lộ trình cụ thể, và phải luôn lắng nghe ý kiến từ phía người dân.

Băng Châu


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.