Multimedia Đọc Báo in

“Binh chủng” đặc biệt trên mặt trận tư tưởng (Kỳ 2)

08:23, 15/09/2022

Kỳ 2: Mỗi cơ quan báo chí là một “pháo đài” chính trị tư tưởng

Ngày 22/10/2018, Bộ Chính trị khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”. Nghị quyết khẳng định, đây là nhiệm vụ trọng yếu của toàn thể hệ thống chính trị, có ý nghĩa sống còn trong bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Trong đó, báo chí giữ vai trò xung kích, đấu tranh công khai trên mặt trận này.

Sứ mệnh thiêng liêng

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh một trong những nhiệm vụ quan trọng của báo chí trong tình hình mới là: “Kiên quyết đấu tranh, loại bỏ các sản phẩm, thông tin độc hại, xuyên tạc, phản động, ảnh hưởng xấu đến ổn định chính trị - xã hội, thuần phong mỹ tục”.

Đại biểu của tỉnh Đắk Lắk tham quan triển lãm bộ tem đặc biệt chào mừng Đại hội XIII của Đảng tại Trung tâm Báo chí.

Lịch sử của báo chí cách mạng Việt Nam 97 năm qua - kể từ khi ra đời tờ báo “Thanh niên”, chức năng căn bản của báo chí, truyền thông Việt Nam cũng như bất kỳ một quốc gia nào trên thế giới là bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc. Đối với Việt Nam, lợi ích quốc gia, dân tộc hoàn toàn thống nhất với mục đích, mục tiêu, lý tưởng của Đảng, đó là xây dựng nước Việt Nam độc lập, dân chủ, giàu mạnh, xã hội công bằng, văn minh.

 

Mỗi cơ quan báo chí phải là “pháo đài” chính trị tư tưởng vững chắc trong đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục để mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân, thế hệ trẻ có sức đề kháng, sức "miễn dịch" tốt trước các thông tin xấu độc, tự giác tham gia đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch".

 
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định: “Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, hệ thống báo chí, truyền thông nước ta đã phát triển nhanh cả về loại hình, quy mô, phương tiện, kỹ thuật - công nghệ, đội ngũ, trình độ. Báo chí, truyền thông ngày càng có khả năng tác động và ảnh hưởng sâu, rộng tới xã hội, đóng góp xứng đáng vào công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Một trong những sứ mệnh của báo chí cách mạng Việt Nam là bảo vệ Đảng Cộng sản Việt Nam, trong đó, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng - là nhiệm vụ tất yếu khách quan. Báo chí phải góp phần tạo sự thống nhất trong nhận thức, hành động của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, củng cố mối quan hệ bền chặt, máu thịt giữa Đảng với nhân dân, tạo sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.

Tiên phong, tiên tiến và cách mạng

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi báo chí là một bộ phận của sự nghiệp cách mạng, là vũ khí sắc bén trong công cuộc đấu tranh giành độc lập cho dân tộc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân, sự công bằng, tiến bộ, phồn vinh của nhân loại. Kim chỉ nam mà Người đã chỉ ra cho đội ngũ làm báo đó là: “Báo chí của ta thì cần phải phục vụ nhân dân lao động, phục vụ chủ nghĩa xã hội, phục vụ cho đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, cho hòa bình thế giới. Chính vì thế cho nên, tất cả những người làm báo (người viết, người in, người sửa bài, người phát hành, v.v...) phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ...”.

Bối cảnh hội nhập quốc tế, sự phát triển của khoa học - công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mở ra những cơ hội để báo chí cả nước nói chung và hệ thống báo Đảng địa phương nói riêng càng không ngừng đổi mới, sáng tạo, không ngừng phát triển để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của các tầng lớp nhân dân.

Báo chí luôn đồng hành với các sự kiện chính trị trọng đại của đất nước. Trong ảnh: Phóng viên, nhà báo tác nghiệp tại Đại hội XIII của Đảng.

Tính tiên phong, tiên tiến và cách mạng trong báo chí thể hiện ở chỗ mỗi người làm báo luôn phải đi đầu trong việc rèn luyện bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định, tin tưởng vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; có lý tưởng cách mạng, tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, niềm tin khoa học vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Điều đó không phải tự nhiên mà có, nó phải là sự không ngừng học tập, trau dồi, rèn luyện, thử thách trong thực tiễn.

Tính tiên phong, tiên tiến và cách mạng vì vậy không chỉ thể hiện ở tính chính trị, tư tưởng của báo chí mà còn tiên phong, tiên tiến trong nghiên cứu, thử nghiệm, vận dụng, ứng dụng những thành tựu hiện đại của cách mạng công nghệ trong lĩnh vực truyền thông – thông tin.

Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh khẳng định, với đòi hỏi ngày càng cao của công tác đấu tranh tư tưởng trong tình hình mới, nhất là yêu cầu cuộc đấu tranh tư tưởng phải ngày càng đi vào chiều sâu, cơ quan báo chí cần chủ động tìm tòi, nghiên cứu để đa dạng hóa hình thức thông tin tuyên truyền, tạo sức mạnh tổng hợp trong đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; huy động sự tham gia thống nhất, “hiệp đồng tác chiến” của các loại hình báo chí. Coi trọng xây dựng báo chí truyền thông hiện đại, đa phương tiện, bắt kịp xu hướng báo chí hiện đại trong thời đại công nghệ số. Đây vừa là thách thức, vừa là yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra ngày càng cao của ngành báo chí cũng như đối với từng cơ quan, đội ngũ làm báo nước ta.

 

Lê Hương


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.