Thúc đẩy cải cách hành chính, xây dựng lòng tin
Theo đánh giá của UBND tỉnh, trong 9 tháng đầu năm 2022, công tác cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh tiếp tục đạt được hiệu quả tích cực, với kết quả công bố các chỉ số CCHC năm 2021 của tỉnh đều tăng hạng so với năm 2020.
Tín hiệu vui
Cụ thể, kết quả công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021, tỉnh Đắk Lắk đạt 64,2 điểm, xếp hạng 34/63 tỉnh, thành phố và xếp thứ 3 khu vực Tây Nguyên. So với năm 2020, điểm số PCI của tỉnh tăng 0,98 điểm (từ 63,22 điểm lên 64,2 điểm); về thứ hạng tăng 1 bậc (năm 2020 tỉnh xếp thứ 35/63).
Chỉ số cải cách hành chính (PAR Inder) năm 2021 đạt 86,52 điểm, xếp thứ 36/63 tỉnh, thành phố, đứng thứ 2/5 tỉnh Tây Nguyên, tăng 9 bậc so với năm 2020; về điểm số tăng 3,3 điểm so với năm 2020.
Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2021 của tỉnh đạt 41,52 điểm, xếp thứ 41/63 tỉnh, thành phố, tăng 9 bậc so với năm 2020.
Thành viên Đoàn kiểm tra cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh đối chiếu hồ sơ, thực tế về nội dung ứng dụng công nghệ thông tin trong CCHC tại xã Cư Pơng (huyện Krông Búk). Ảnh: Lan Anh |
Có được kết quả trên, các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác CCHC theo Chương trình tổng thể CCHC nhà nước của Chính phủ và UBND tỉnh. Trong 9 tháng năm 2022, toàn tỉnh tập trung triển khai Chỉ thị số 17-CT/TU ngày 24/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh CCHC giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, Đề án Cải thiện Chỉ số PAR Inder và Chỉ số PAPI cấp tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.
Tỉnh đã phê duyệt và công bố Chỉ số đánh giá năng lực điều hành cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) thuộc tỉnh. Chính quyền số được xây dựng, triển khai mạnh mẽ, với việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động chỉ đạo điều hành, họp và làm việc trực tuyến. Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh tiếp tục duy trì hoạt động có hiệu quả, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động chỉ đạo điều hành của tỉnh và lãnh đạo tỉnh.
Với việc công tác CCHC đạt được nhiều kết quả tích cực đã góp phần làm tăng năng lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đặc biệt, số lượng các nhà đầu tư quan tâm đến tìm hiểu, tìm kiếm cơ hội đầu tư tiếp tục tăng, do môi trường đầu tư của tỉnh ngày càng được cải thiện. Những kết quả khả quan trong thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp, các nhà tài trợ quốc tế… làm tăng thêm lượng vốn đầu tư vào Đắk Lắk.
Điển hình, trong 9 tháng năm 2022, có 100 lượt nhà đầu tư đến tìm hiểu môi trường và cơ hội đầu tư tại tỉnh, trong đó có những nhà đầu tư nhiều tiềm năng như: Tập đoàn Sungroup, Tập đoàn Viettel, Tập đoàn Xuân Thiện, Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T… Tỉnh đã tiếp nhận 85 hồ sơ dự án thực hiện thủ tục đầu tư, trong đó UBND tỉnh đã quyết định chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư/phê duyệt kết quả trúng đấu giá cho 10 dự án đầu tư với tổng số vốn đầu tư 11.198,77 tỷ đồng, tăng 849,8 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021.
Những kết quả khả quan nói trên cho thấy tỉnh, các địa phương, ngành chức năng đã có nhiều nỗ lực trong công tác CCHC, nhất là khắc phục những hạn chế, yếu kém để cải thiện môi trường đầu tư theo hướng lành mạnh, thông thoáng, tạo niềm tin cho nhà đầu tư khi đến với tỉnh.
Phá vỡ những "lực cản" vô hình
Để công tác CCHC ngày càng hoàn thiện, nâng lên tầm cao mới, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, tạo sự hài lòng trong các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp, tỉnh đang tiếp tục rà soát, xem xét các vấn đề hạn chế, yếu kém nhằm đưa ra các giải pháp cần thiết, cải thiện môi trường kinh doanh.
Nhìn vào bảng xếp hạng PCI kể từ năm 2018 thì Đắk Lắk đã có những thăng hạng đáng kể trong “sân chơi” PCI: năm 2018 đạt 62,48 điểm (xếp thứ 40/63 tỉnh thành); năm 2019 đạt 64,81 điểm (xếp thứ 38/63 tỉnh thành); năm 2020 đạt 63,22 điểm (xếp thứ 35/63 tỉnh thành); năm 2021 đạt 64,2 điểm (xếp 34/63 tỉnh thành). |
Vào ngày 18/10 mới đây, UBND tỉnh đã tổ chức Hội thảo cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh – thúc đẩy doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển. Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà đánh giá, trong những năm gần đây, mặc dù đã có những nỗ lực đáng kể trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh thông qua nhiều hoạt động thu hút đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh, nhưng kết quả thu được nhìn chung còn chưa đạt được như kỳ vọng và mục tiêu đề ra, năng lực cạnh tranh của tỉnh được đánh giá chưa có nhiều bứt phá, điểm số và thứ hạng tăng giảm không ổn định.
Rõ ràng, mặc dù tỉnh đã có rất nhiều nỗ lực, nhưng qua việc xếp hạng PCI những năm gần đây cho thấy, môi trường đầu tư, kinh doanh của Đắk Lắk vẫn còn những hạn chế, vướng mắc ở đâu đó mà tỉnh, các ngành chức năng cần phải thấy rõ để khắc phục. Vì vậy, việc tiếp tục điều tra, nghiên cứu, tìm ra những lĩnh vực nào, khâu nào còn những yếu kém, hạn chế nhất để sửa chữa, khắc phục, góp phần cải thiện chỉ số PCI trong những năm tới theo hướng khả quan hơn là vấn đề cần phải được tỉnh đặt ra nghiêm túc. Đặc biệt, tỉnh cần phải có những giải pháp quyết liệt hơn nữa để phá vỡ những “lực cản” vô hình về thủ tục hành chính, tiếp tục tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thật sự trong sạch, thông thoáng, xây dựng lòng tin cho cộng đồng doanh nghiệp, người dân.
Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người - đội ngũ những người thừa hành công vụ hằng ngày. Bởi vì, có một thực tế, tình trạng “trên thoáng dưới chưa thông” hoặc “trên bảo dưới không nghe” vẫn còn diễn ra ở nơi này nơi nọ. Nếu trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức vẫn còn những “con sâu”, có thái độ quan liêu, nhũng nhiễu, vòi vĩnh doanh nghiệp, nhà đầu tư theo kiểu ở trên “trải thảm” còn ở dưới “rải đinh” thì chắc chắn khó mà cải thiện được chỉ số PCI cũng như thúc đẩy mạnh mẽ công tác CCHC.
Mạnh Hùng
Ý kiến bạn đọc