Đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng: Bảo đảm sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện, hiệu quả
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng trong giai đoạn mới là nội dung rất quan trọng trong 10 nhiệm vụ xây dựng Đảng mà Văn kiện Đại hội XIII đã đề ra.
Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 17/11/2022 của Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới” đã thể hiện quyết tâm chính trị cao nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng.
“Gậy chỉ đường” khắc phục tình trạng bao biện, làm thay
Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 30/7/2007 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị đã có nhiều đổi mới nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Chính vì vậy, Đại hội XI đã chỉ rõ “Tập trung rà soát, bổ sung, điều chỉnh, ban hành mới, xây dựng đồng bộ hệ thống các quy chế, quy định, quy trình công tác để tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị. Khắc phục tình trạng Đảng bao biện, làm thay hoặc buông lỏng lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước”. Đến Đại hội XII, phần đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng nêu rõ: “Tiếp tục cụ thể hóa phương thức lãnh đạo của Đảng ở tất cả các cấp bằng quy chế, quy định, quy trình”.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung chủ trì Hội nghị giao ban trực tuyến về công tác xây dựng Đảng tại điểm cầu Đắk Lắk. |
Có thể khẳng định, từ Đại hội XI đến nay, Đảng ta đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng, hoàn thiện các quy chế làm việc, quy định, quy trình công tác, xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân, các mối quan hệ công tác, xem đây là những “gậy chỉ đường” nhằm khắc phục tình trạng bao biện, làm thay hoặc buông lỏng lãnh đạo, quản lý.
“Khuyến khích cán bộ từ chức khi có khuyết điểm; kịp thời thay thế cán bộ bị kỷ luật, cán bộ năng lực hạn chế, uy tín giảm sút mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời gian bổ nhiệm; kiên trì thực hiện “có vào, có ra, có lên, có xuống” trong công tác cán bộ", Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai. |
Để đổi mới phong cách lãnh đạo, phương pháp công tác, lề lối làm việc của các cơ quan lãnh đạo của Đảng từ Trung ương đến cơ sở, Nghị quyết số 28-NQ/TW, khóa XIII khẳng định, cần sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện quy chế làm việc của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, quy định chặt chẽ nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ, quy trình công tác, khắc phục tình trạng bao biện, làm thay, vi phạm nguyên tắc tập trung, dân chủ, áp đặt hoặc buông lỏng vai trò lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng.
Phân tích, làm rõ nội dung này tại Hội nghị toàn quốc học tập, nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương sáu, khóa XIII mới đây, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai nhấn mạnh: Những văn bản mang tính chất chủ trương thì ban hành dưới hình thức nghị quyết, kết luận, chỉ thị, còn những văn bản có thể cụ thể được thì cần ban hành dưới dạng quy chế, quy định, quy trình nhằm tạo sự chuyển biến thực sự, đạt kết quả cao trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng ở các cấp, khắc phục tình trạng bao biện, làm thay.
Tạo chuyển biến mạnh mẽ, thực chất
Với mục tiêu nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ, thực chất trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị, bảo đảm hiệu quả, thiết thực, sát thực tiễn, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo toàn diện của Đảng trong giai đoạn mới, Nghị quyết 28 đề ra 6 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm đổi mới phương thức lãnh đạo cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới. Theo đồng chí Trương Thị Mai, để tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, việc sắp xếp tổ chức bộ máy, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phát huy tính chủ động, sáng tạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, đổi mới công tác cán bộ là nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Cán bộ Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả UBND huyện Ea Kar giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính cho người dân. |
Nghị quyết số 28-NQ/TW đã tập trung làm rõ nội dung này. Cụ thể, cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện mô hình tổng thể tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, vận hành thông suốt cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quan lý, Nhân dân làm chủ”. Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện mô hình tổ chức và hoạt động của đảng đoàn, ban cán sự đảng từ Trung ương đến địa phương đáp ứng yêu cầu lãnh đạo của Đảng, phù hợp với thực tiễn. Xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của các loại hình tổ chức đảng. Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Phân cấp, phân quyền hợp lý, rõ ràng giữa Trung ương và địa phương, giữa cấp trên và cấp dưới, gắn quyền hạn với trách nhiệm.
Đối với công tác cán bộ, Nghị quyết 28 khẳng định: Bảo đảm nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo trực tiếp, toàn diện công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị. Hoàn thiện quy định lựa chọn, phân công, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ của các cấp ủy, tổ chức đảng theo hướng dân chủ, công khai, minh bạch, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện quy định. Thực hiện nghiêm quy định của Đảng về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền. Xây dựng cơ chế, chính sách thu hút, tuyển dụng nhân tài vào làm việc trong hệ thống chính trị; thể chế hóa chủ trương của Đảng về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc