Khát vọng hòa bình và mùa xuân lịch sử
Vào năm đất nước bước vào công cuộc đổi mới, Bộ trưởng Bộ Giáo dục, bà Nguyễn Thị Bình lại về thăm quê hương Quảng Trị. Trong chuyến công tác này, khi trò chuyện với thầy trò Trường cấp 3 vừa học vừa làm Tân Lâm, bà đã căn dặn mọi người phải cố gắng xứng đáng với truyền thống quê hương đất nước.
Bà Nguyễn Thị Bình từng là ngoại trưởng trong Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Ngay sau khi ký kết Hiệp định Paris năm 1973 đã hình thành trụ sở Chính phủ tại vùng quê Cam Lộ (Quảng Trị), nơi bà Nguyễn Thị Bình cùng với Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ đã tiếp kiến nhiều đại sứ các quốc gia và các tổ chức trên thế giới đến chào và trình quốc thư khi mặt đất xung quanh còn loang lổ đạn bom, khét nồng thuốc súng. Trụ sở này đã thành di tích quốc gia quan trọng mà người dân địa phương hôm nay vẫn gọi nôm na, ngắn gọn là “Khu Chính phủ”. Mới đây, tuy tuổi đã cao, bà Nguyễn Thị Bình vẫn về Quảng Trị, lên với Cam Lộ như một cuộc hành hương đến với thánh địa hòa bình, bởi cuộc đời bà có quá nhiều kỷ niệm đáng nhớ với mảnh đất này. Chiếc áo dài Việt Nam bà mặc đã từng gây chấn động dư luận thế giới từ Paris (Pháp) cho đến Quảng Trị (Việt Nam).
Thiết tưởng cũng cần nhắc lại quá khứ bi tráng của một quê hương từng dằng dặc gánh hai đầu chia cắt. Nếu chiều dài chiếc cầu được đo bằng đại lượng thời gian thì cầu Hiền Lương thuộc loại dài nhất nhì thế giới, nó xuyên suốt đằng đẵng qua 20 năm mới được chạm tay vào hòa bình - thống nhất, mới bắt đầu cho một cuộc đại đoàn viên. Nhà thơ Thanh Hải từng diễn tả một nghịch lý: “Cách nhau chỉ một mái chèo/Mà đi trăm núi vạn đèo tới đây” hay câu hỏi của nhà thơ Tế Hanh đau như đụng phải lưỡi dao: “Trời vẫn xanh một màu xanh Quảng Trị/Tận chân trời mây núi có chia đâu”. Cũng như sau này nhà thơ Cảnh Trà viết bài thơ “Đưa dâu qua cầu Bến Hải” hoan ca cảnh tượng thái hòa giản dị: một đám cưới đưa dâu qua cầu Hiền Lương. Một chuyện quá đỗi bình thường nếu không có chiến tranh và chia cắt, vậy mà chỉ thành hiện thực khi Hiệp định Paris được ký kết.
Ký kết Hiệp định Paris ngày 27/1/1973. Ảnh tư liệu |
Có một người con kiệt xuất của dân tộc Việt Nam đã gần như đi hết chiều dài lịch sử Việt Nam trong thế kỷ 20, đó là đồng chí Lê Duẩn. Ông là người từng chứng kiến những hạnh phúc vỡ òa của dân tộc và cũng như những nỗi đau tột cùng mà Việt Nam phải gánh chịu, từ Gèneve cho đến Paris và tất nhiên cho đến năm 1975, cả sau này nữa. Trong chuyến tàu cuối cùng tập kết ra Bắc ngày 7/2/1955, đồng chí Lê Duẩn có mặt công khai để rồi ngay sau đó bí mật trở lại Cà Mau hoạt động cách mạng.
Từ lúc ấy, anh Ba Lê Duẩn đã biết dân tộc Việt Nam còn qua lắm đoạn trường dài lâu mới bình yên qua lại cầu Hiền Lương bắc ngang qua Quảng Trị, bắc ngang qua chiều dài lịch sử ngót nghét hai mươi năm có lẻ. Chính ông vào ngày hòa bình lập lại năm 1973 đã cử ngay những cán bộ tâm huyết và có năng lực về Quảng Trị với những lời căn dặn chí tình.
Tổng Bí thư Lê Duẩn nói với ông Lê Mậu Lộ, sau này là giám đốc đầu tiên của Nông trường Tân Lâm (Cam Thành, Cam Lộ): “Về miền Nam xây dựng cho được một nông trường tuy nhỏ mà tốt là quý lắm”. Nông trường Tân Lâm, sau đó là Trường cấp 3 vừa học vừa làm Tân Lâm đã ra đời từ những năm tháng hòa bình đầu tiên trên quê hương Quảng Trị. Bây giờ dẫu nhiều chuyện đã khác trước nhưng không ai có thể phủ nhận vai trò quan trọng của mô hình kinh tế quốc doanh một thời của Nông trường Tân Lâm. Và có những điều trường tồn cùng năm tháng. Những thế hệ gia đình công nhân từ nhiều miền quê khác nhau của Bình Trị Thiên khói lửa và cả những quê khác nữa đã chọn nơi này làm quê hương, để lập nên một làng mới trù phú có tên là Tân Phú.
Cũng nói thêm rằng làng quê này nằm ngay dưới chân cao điểm 241, ngày trước là một mắt xích phòng thủ quan trọng của lực lượng quân sự đối phương. Chính tại đây vào mùa hè đỏ lửa 1972, hai vị chỉ huy Trung đoàn 56 bộ binh của quân đội Sài Gòn là Trung tá Phạm Văn Đính và Trung tá Vĩnh Phong sau nhiều suy nghĩ, cân nhắc đã quyết định dẫn cả trung đoàn về với cách mạng và nhân dân, tránh được một cuộc binh đao “nồi da xáo thịt” của đồng bào nước Việt.
Tinh thần vị tha, hòa hợp hòa giải dân tộc vẫn phải được nhắc lại và đem lại sự gắn kết nhiều hơn nữa. Mới đây, đầu năm 2018, khi đón tiếp và tâm sự với kiều bào nước ta, trong đó có những người quê Quảng Trị, lãnh đạo địa phương đã khẩn thiết kêu gọi đồng bào xa xứ hãy cố gắng vượt qua những khác biệt để chung tay góp sức vì một Mẹ hiền Tổ quốc Việt Nam. Bởi kinh nghiệm lịch sử cho hay nhất thống giang sơn là đại nghiệp vô cùng hệ trọng nhưng nó thực sự có ý nghĩa và phát huy tác dụng khi và chỉ khi thống nhất được lòng người.
Những ai trải qua nỗi đau của chiến tranh mới thấu hiểu được ý nghĩa của hòa bình, đặng hết lòng vun đắp cho chính cuộc đời mỗi người và mọi người, cho chính những ngày mình đang sống hôm nay.
Phạm Xuân Dũng
Ý kiến bạn đọc