Multimedia Đọc Báo in

Nữ đảng viên “giữ lửa” văn hóa Mường

07:55, 15/03/2023

Người dân thôn Dhung Knung (xã Cư Pui, huyện Krông Bông) rất quý trọng bà Lộc Thị Vinh (dân tộc Mường), năm nay 73 tuổi, 55 năm tuổi Đảng bởi tấm lòng thiết tha với văn hóa dân tộc.

Quê bà Vinh ở Nam Động, huyện Quan Hóa – địa phương biên giới phía tây của tỉnh Thanh Hóa, mảnh đất giàu truyền thống văn hóa. Ngay từ thuở còn thơ, bà đã mê mẩn những làn điệu dân ca, dân vũ truyền thống của người Mường như: khặp đang, hát xường, hát ru, hát mời trầu, hát ghẹo, hát giao duyên, múa sạp, khua luống… Đến năm 15 tuổi bà Vinh hát thành thạo và biểu diễn làn điệu khặp đang.

Để hát được khặp đang, người hát phải thuộc những câu chuyện về lịch sử truyền thống, văn hóa mang tính giáo dục cao, rồi chắt lọc kể lại câu chuyện đó bằng lời hát giúp người nghe dễ nhớ, dễ thuộc. Tùy vào từng nội dung và chất giọng, người hát khặp đang có thể kể câu chuyện kéo dài cả đêm mà người nghe vẫn thích thú, say mê. Bà Vinh nhớ lại: Ngày trước, khặp đang và múa sạp rất quen thuộc trong đời sống tinh thần của người Mường vùng cao Quan Hóa, ví như “cơm ăn, thức uống” từng ngày. Vào những ngày mùa hay dịp lễ hội, thanh niên nam nữ quây quần bên nhau múa hát rất vui. Những người lớn tuổi thì hát khặp đang; thanh niên đến tuổi cập kê muốn tìm hiểu nhau thì hát ghẹo, hát đối đáp và đã có nhiều đôi trai gái thành vợ, thành chồng cũng nhờ vào những làn điệu dân ca ấy…

Bà Lộc Thị Vinh hát khặp đang.

Khi cộng đồng người Mường di cư vào Đắk Lắk lập nghiệp, do điều kiện kinh tế khó khăn nên một thời gian dài những sinh hoạt văn hóa truyền thống gần như bị lãng quên, những người lớn tuổi am hiểu văn hóa cổ truyền ngày càng ít, thế hệ trẻ kế cận lại chưa mặn mà với văn hóa truyền thống… Là người con xứ Mường, lòng bà Vinh nặng trĩu lo âu, bà cho rằng để con cháu không xa lạ với văn hóa của dân tộc mình thì chính người lớn phải định hướng, truyền dạy…

Là một đảng viên, lại am hiểu khá nhiều về văn hóa Mường, ban đầu để khơi dậy lòng đam mê văn hoá dân tộc cho mọi người, sau những giờ nghỉ giải lao trên nương rẫy, trong những cuộc họp chi bộ hay những ngày lễ lớn trong thôn, bà Vinh thường hát cho mọi người nghe những câu chuyện truyền thuyết của người Mường. “Mưa dầm thấm lâu”, người lớn tuổi thấy vui khi được nghe lại làn điệu dân ca truyền thống, còn lớp trẻ cũng dần yêu thích học hát theo. Không chỉ hát kể những câu chuyện cổ, bà còn đưa khặp đang vào đời sống hiện tại bằng những câu chuyện về cuộc sống mới. Xúc động nhất là câu chuyện về cuộc đời sự nghiệp của Bác Hồ kính yêu và những nhiệm vụ trong phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, chung tay xây dựng nông thôn mới… được bà thể hiện bằng lời ca qua điệu hát khặp đang thấm sâu vào tâm trí mọi người.

Anh Đinh Công Thoa (36 tuổi, người dân thôn Dhung Knung) chia sẻ: “Mỗi khi nghe các cụ cao niên cất lên tiếng hát, trong tôi lại trào dâng niềm tự hào về văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Nghe cụ Lộc Thị Vinh hát và học theo, đến nay tôi đã hát thành thạo khặp đang, hát ghẹo, khua luống, biết nhảy sạp…”.

Ông Len Viết Chí, Trưởng thôn Dhung Knung cho biết: "Tuy không có chữ viết riêng, nhưng người Mường Quan Hóa có kho tàng văn hóa dân gian rất đặc sắc, những sử thi, truyền thuyết… chủ yếu được truyền miệng từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nhưng tình yêu và sự say mê không tự nhiên mà có, nó phải được “tiếp lửa” bằng nhiều cách thức và bà Lộc Thị Vinh là một trong những người “giữ lửa” và “tiếp lửa” ấy".

Mai Viết Tăng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.