Multimedia Đọc Báo in

Đề cương về Văn hóa Việt Nam: Khẳng định những giá trị bền vững

06:46, 13/03/2023

Ý nghĩa, tầm vóc lịch sử và những giá trị bền vững của Đề cương về Văn hóa Việt Nam – văn kiện đầu tiên của Đảng về văn hóa – tiếp tục được khẳng định, tôn vinh qua chuỗi hoạt động kỷ niệm “80 năm Đề cương về Văn hóa Việt Nam” (1943 - 2023).

Làm sáng tỏ giá trị lý luận và thực tiễn của Đề cương về Văn hóa Việt Nam (Đề cương), các hoạt động cũng mở ra những định hướng, giải pháp nhằm khơi dậy khát vọng cống hiến, tạo động lực chấn hưng văn hóa, phát triển toàn diện con người Việt Nam trong giai đoạn mới.

Kiên định nguyên tắc, giá trị cốt lõi

Tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia "80 năm Đề cương về Văn hóa Việt Nam: Khởi nguồn và động lực phát triển", vấn đề này đã được soi chiếu từ nhiều góc độ của các nhà quản lý, nhà nghiên cứu và người trực tiếp làm công tác văn hóa trên cả nước.

Ðề cương được coi là một văn kiện lịch sử vô giá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với cách mạng Việt Nam và sự phát triển văn hóa của đất nước, khi được ra đời trong bối cảnh đặc biệt. Năm 1943, Đảng ta còn non trẻ, dân tộc ta vẫn chưa giành được độc lập, đất nước ta vẫn chưa có tên trên bản đồ thế giới, nhưng với Đề cương về Văn hóa Việt Nam, lần đầu tiên Ðảng ta đã xác định một cách cơ bản, có hệ thống những tư tưởng chiến lược về phát triển văn hóa trong thời kỳ mới, đặc biệt là đặt văn hóa như một bộ phận quan trọng của cách mạng; sự nghiệp phát triển văn hóa ấy phải đặt dưới sự lãnh đạo của Ðảng.

Lễ kết nghĩa anh em của người M'nông (buôn Jiê Yuk, xã Đắk Phơi, huyện Lắk). Ảnh minh họa: M. Sao

Về mặt lý luận, Ðề cương đã đặt nền móng cho nhiều vấn đề căn cốt của văn hóa Việt Nam như: Quan hệ giữa văn hóa và kinh tế, chính trị; vai trò của văn hóa trong sự nghiệp cách mạng; chức năng của văn hóa nghệ thuật..., từ đó góp phần thống nhất nhận thức, tư tưởng, học thuật cho những người làm văn hóa, văn nghệ. Về mặt thực tiễn, Ðề cương chỉ rõ ba nguyên tắc lớn của vận động văn hóa Việt Nam là dân tộc hóa, đại chúng hóa, khoa học hóa; đồng thời xác định những nhiệm vụ cần kíp, các cách thức, giải pháp để đạt được các mục tiêu đó. Với những nội dung thiết thực và đầy tính chiến đấu như vậy, Ðề cương đã trở thành ngọn cờ tập hợp, đoàn  kết, động viên giới trí thức, khoa học, văn học nghệ thuật hăng hái tham gia cách mạng và xây dựng nền văn hóa mới; thành "kim chỉ nam" cho sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong các giai đoạn cách mạng.

Theo Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, giá trị lớn lao và sức sống bền vững của Đề cương về Văn hóa Việt Nam đã để lại cho chúng ta nhiều bài học quý báu. Một trong những bài học quan trọng hàng đầu là sự kiên định với những vấn đề nền tảng, có tính nguyên tắc; đồng thời không ngừng tìm tòi, đổi mới, sáng tạo để tiếp tục phát triển, hoàn thiện tư duy lý luận, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng đối với lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật.

Vận dụng linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng khẳng định, những nội dung của Đề cương về Văn hóa Việt Nam có giá trị thực tiễn lớn lao trong phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam trong suốt tám thập niên qua. Rõ nhất là xây dựng hành lang pháp lý nhằm phát huy hiệu quả vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và chủ thể sáng tạo của nhân dân, xây dựng con người mới với hệ giá trị mới; tạo chuyển biến tích cực trong kế thừa và phát huy các giá trị truyền thống của văn hóa Việt Nam; gắn kết văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội.

Người dân tham gia giã gạo nhanh tại Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc thiểu số TP. Buôn Ma Thuột lần thứ X, năm 2023.

Điều này cũng được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh trong bài phát biểu tại Lễ kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về Văn hóa Việt Nam: 80 năm qua, như sợi chỉ đỏ xuyên suốt, với ba nguyên tắc: dân tộc, khoa học, đại chúng, Đề cương về Văn hóa Việt Nam tiếp tục được Đảng ta vận dụng linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn Việt Nam để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tư tưởng lý luận của Đề cương được thể hiện xuyên suốt trong các văn kiện của Đảng; đặc biệt là trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII “Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc" và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước”. Trên cơ sở đó, Nhà nước đã cụ thể hóa, ban hành và triển khai hiệu quả nhiều văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách để phát triển văn hóa, phục vụ thiết thực công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.

Bên cạnh đó, Thủ tướng lưu ý, giai đoạn phát triển mới cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức đối với công tác văn hóa. Giải pháp nào để “gạn đục, khơi trong” trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, công nghệ, các nền tảng mạng xã hội phát triển như hiện nay là thách thức và trách nhiệm của mỗi chúng ta.

Về vấn đề này, nhiều nhà quản lý, nhà văn hóa cũng thẳng thắn nhìn nhận, do nhiều nguyên nhân, thực tế đời sống văn hóa vẫn có độ “vênh” với chủ trương của Đảng, văn hóa chưa được quan tâm tương xứng với kinh tế và chính trị, chưa thật sự trở thành nguồn lực, động lực nội sinh của sự phát triển bền vững đất nước... Từ đó, nhiều giải pháp đã được đưa ra nhằm phát huy giá trị của Đề cương về Văn hóa Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Các ý kiến khẳng định, văn hóa phải thực sự được chú trọng thông qua việc triển khai các chiến lược, chương trình với lộ trình phù hợp. Trong đó, đặc biệt tập trung vào triển khai có hiệu quả Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và bài phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Kết luận của Ban Tuyên giáo Trung ương về nghiên cứu xây dựng và thực hiện các hệ giá trị quốc gia tại Hội thảo quốc gia về hệ giá trị và Kết luận của Chủ tịch Quốc hội trong Hội thảo quốc gia về hoàn thiện thể chế, chính sách và nguồn lực cho sự nghiệp văn hóa năm 2022.

Hoa Ngọc


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.