Sức mạnh mềm từ tài nguyên văn hóa
Một trong những nội dung quan trọng của định hướng xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam được Đại hội XIII của Đảng đề ra là “Khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam”.
Khơi dậy và phát huy hiệu quả nguồn tài nguyên văn hóa
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, bên cạnh việc phát huy sức mạnh tổng hợp quốc gia thì nguồn lực văn hóa được coi là một “sức mạnh mềm” quan trọng để quốc gia phát triển nhanh, bền vững và nâng cao vị thế trên trường quốc tế. Chia sẻ tại Hội thảo quốc gia “80 năm Đề cương về Văn hóa Việt Nam – Khởi nguồn và động lực” mới đây, nhiều đại biểu cùng nhìn nhận rằng, ngày nay, trên thế giới, văn hóa không chỉ định hình bản sắc riêng của từng quốc gia - dân tộc mà đã trở thành lợi thế so sánh, cạnh tranh, là “vốn đối ứng” quan trọng cho sự hợp tác quốc tế. Suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, trải qua hàng nghìn năm văn hiến, văn hóa được coi là một sức mạnh nền tảng để xây dựng khối đoàn kết toàn dân tộc trong tiến trình dựng nước và giữ nước. Bản sắc văn hóa là một trong những yếu tố cốt lõi tạo nên bản sắc dân tộc và con người Việt Nam, tạo nên sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh: Với bề dày lịch sử, cùng với vị trí địa lý đặc biệt, Việt Nam có hệ thống di sản văn hóa và tài nguyên thiên nhiên phong phú, nền văn hóa đa dạng, giàu bản sắc và luôn tiếp thu có chọn lọc những giá trị văn hóa chung của nhân loại. Việt Nam đang nỗ lực vận dụng, phát huy nguồn tài nguyên văn hóa phong phú, các thành tố văn hóa giàu sức hấp dẫn, thu hút, thuyết phục để chuyển hóa thành sức mạnh mềm văn hóa. Có thể thấy rõ điều đó qua việc thu hút thế giới đến với Việt Nam thông qua du lịch văn hóa và đưa sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam ra thế giới thông qua quảng bá hình ảnh quốc gia, tăng cường giao lưu văn hóa. Đến nay, Việt Nam có hàng chục di sản văn hóa được UNESCO vinh danh. Trong đó, không ít loại hình nghệ thuật được UNESCO vinh danh là kiệt tác truyền khẩu, là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Các di sản văn hóa này có sức lan tỏa và hấp dẫn lớn đối với người dân nhiều nước trên thế giới, góp phần làm phong phú thêm văn hóa, văn minh nhân loại.
Đoàn nghệ nhân buôn Wiao, thị trấn Krông Năng (huyện Krông Năng) tham gia biểu diễn tại Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023. |
Bộ trưởng cũng lưu ý về những thách thức đặt ra với sự phát triển văn hóa hiện nay, từ đó chỉ ra rằng, để ứng phó linh hoạt, hiệu quả với những thách thức mới, việc khơi dậy và phát huy hiệu quả nguồn tài nguyên văn hóa gắn kết với phát triển kinh tế - xã hội là một yêu cầu cấp thiết, qua đó góp phần gia tăng sức mạnh mềm văn hóa, thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước.
Thay đổi tư duy, nhận thức về văn hóa
Đồng tình với nhìn nhận của người đứng đầu ngành văn hóa, PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng cần phải tạo ra mô hình kết hợp chặt chẽ giữa 3 nhà: Nhà nước - Nhà đầu tư - Nhà sáng tạo để tạo ra sự chuyển đổi về văn hóa trong thực tế. Văn hóa có tính đặc thù, mặc dù văn hóa có tính thị trường nhưng không phải lúc nào cũng đặt tính thị trường đó lên trên mà phải có sự linh hoạt, uyển chuyển gắn với thực tế, do đó văn hóa cần sự đầu tư tương xứng. Ở những lĩnh vực nghệ thuật truyền thống phải được cho cơ chế đặc thù để phát triển, không thể tự chủ hoàn toàn, nếu không chúng ta sẽ mất dần vốn quý trong kho tàng nghệ thuật của dân tộc. Mặt khác cũng phải tư duy văn hóa như một ngành công nghiệp văn hóa, thì mới đưa văn hóa trở thành lĩnh vực mũi nhọn trong phát triển kinh tế.
Với tỉnh Đắk Lắk, việc thay đổi tư duy, nhận thức về văn hóa, tạo ra sự chuyển đổi về văn hóa là vấn đề được quan tâm, thông qua sự chỉ đạo, điều hành của cấp có thẩm quyền và triển khai thực hiện ở cơ sở. Trong định hướng xây dựng Đắk Lắk xứng đáng vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên, Đảng bộ tỉnh đặc biệt quan tâm đến văn hóa, xem văn hóa là một trong những trụ cột trong chiến lược phát triển. Theo đó, đã có nhiều kế hoạch, hoạt động hướng tới sự kết hợp giữa tài nguyên giàu có của văn hóa truyền thống cùng sức sáng tạo nhiệt huyết của thế hệ hôm nay để tạo ra các sản phẩm, hoạt động mang chiều sâu văn hóa và ảnh hưởng rộng rãi. Minh chứng rõ nét nhất là trong Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023, với chuỗi hoạt động văn hóa diễn ra trên diện rộng, huy động sự hưởng ứng tham gia tích cực của cộng đồng các dân tộc tại chỗ đã đem đến cơ hội để kết nối, quảng bá văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên, tiềm năng du lịch đến với bạn bè trong nước và quốc tế. Đồng thời, phát huy giá trị văn hóa, kinh tế về cà phê, nâng tầm thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột, phát huy hiệu quả nguồn tài nguyên văn hóa gắn kết với phát triển kinh tế - xã hội theo đúng định hướng đề ra.
Tiếp tục vận dụng sáng tạo những nội dung của Đề cương về Văn hóa Việt Nam, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra nhiệm vụ: “Quan tâm, ưu tiên nguồn lực để đầu tư phát triển văn hóa; triển khai hiệu quả việc bảo tồn, phát huy văn hóa cồng chiêng; bảo vệ các di sản văn hóa; phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh”. |
Hoa Hồng
Ý kiến bạn đọc