Multimedia Đọc Báo in

Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới

06:11, 25/04/2023

Qua mỗi chặng đường phát triển, lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn xác định tầm quan trọng của công tác văn học, nghệ thuật (VHNT).

Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị về "Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật thời kỳ mới" (Nghị quyết 23) đã khẳng định VHNT là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa; là một trong những động lực to lớn, trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam.

Nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân

Sau 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 23, nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của VHNT trong đời sống xã hội ngày càng được nâng cao. Hoạt động VHNT ngày càng được quan tâm đầu tư, có bước phát triển mới.

Hội VHNT tỉnh và các chi hội trực thuộc được quan tâm, kiện toàn; lực lượng hội viên ngày càng đông; đội ngũ văn nghệ sĩ giữ vững được bản lĩnh chính trị trong hoạt động sáng tạo, đóng góp nhiều tác phẩm có giá trị phản ánh về đời sống, lao động của nhân dân; hoạt động phổ biến, tuyên truyền, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật đa dạng, phong phú. Với sự phát triển công nghệ, qua các phương tiện truyền thông hiện đại như Internet, mạng xã hội, VHNT càng có sức lan tỏa rộng rãi, tác động mạnh mẽ đến việc củng cố niềm tin, cổ vũ phong trào hành động cách mạng của quần chúng trong sự nghiệp đổi mới.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung và Chủ tịch HĐND tỉnh Huỳnh Thị Chiến Hòa tặng hoa chúc mừng các đại biểu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ tiêu biểu, có nhiều đóng góp trên các lĩnh vực. Ảnh: Nguyễn Xuân

Những di sản văn hóa truyền thống Đắk Lắk tiếp tục được bảo tồn và phát huy. Trong 15 năm qua, ngành văn hóa của tỉnh đã phối hợp sưu tầm, thống kê, nghiên cứu về văn hóa dân gian, phục dựng nghi lễ, lễ hội của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, nhất là hai dân tộc tại chỗ Êđê và M’nông, xuất bản thành sách, giới thiệu rộng rãi phục vụ công tác học tập và nghiên cứu văn hóa. Sau khi được UNESCO công nhận “Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên” là kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, công tác bảo tồn di sản văn hóa đã được quan tâm hơn. Tỉnh đã xây dựng và ban hành Nghị quyết về bảo tồn, phát huy di sản văn hóa cồng chiêng Đắk Lắk; tổ chức nhiều hoạt động thiết thực nhằm bảo tồn, phát huy di sản.

Các hoạt động văn hóa, văn nghệ phát triển sâu rộng, thu hút ngày càng đông cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tham gia, phục vụ có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Công tác quản lý nhà nước về văn học, nghệ thuật được chú trọng; hệ thống thiết chế văn hóa từ tỉnh đến cơ sở từng bước được đầu tư xây dựng; công tác xã hội hóa các hoạt động VHNT được đẩy mạnh. Chương trình phối hợp giữa Hội VHNT tỉnh với các sở, ban, ngành, địa phương được triển khai bước đầu đạt kết quả tích cực. Phương thức phát hành, trình diễn, quảng bá tác phẩm có những đổi mới. Các văn nghệ sĩ của tỉnh không ngừng nỗ lực sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị, tính chuyên nghiệp cao; góp phần làm phong phú đời sống tinh thần, định hướng tư tưởng, thẩm mỹ trong cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân.

Hoạt động giao lưu và hợp tác quốc tế về VHNT được tăng cường. Các hoạt động đối ngoại, giao lưu, hợp tác trên lĩnh vực văn hóa ngày càng được quan tâm, chú trọng. Phát triển văn hóa gắn liền với phát triển du lịch, quảng bá hình ảnh và con người Đắk Lắk đến với bạn bè trong nước và quốc tế, góp phần bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình giao lưu và hợp tác quốc tế.

Xây dựng chiến lược phát triển văn học, nghệ thuật trong tình hình mới

Sự nghiệp đổi mới đất nước bước vào thời kỳ mới đặt ra cho công tác tư tưởng những nhiệm vụ to lớn và hết sức nặng nề. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vừa làm gia tăng khả năng lan tỏa của các tác phẩm VHNT có giá trị tư tưởng cao, nhưng cũng dễ lan truyền những tư tưởng sai trái, tiêu cực. Để thực hiện đường lối Đại hội XIII của Đảng về “phát huy hơn nữa vai trò của VHNT trên mặt trận tư tưởng”, chấn hưng văn hóa theo tinh thần Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, điều quan trọng là cần tiếp tục nâng cao nhận thức của cấp ủy các cấp về vị trí, vai trò của VHNT. Hoạt động VHNT cần gắn với xây dựng con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; quảng bá, giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra nước ngoài; đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Theo đó, Đảng và Nhà nước xây dựng chiến lược phát triển VHNT, là cơ sở khoa học để các cơ quan, đơn vị, các hội VHNT chuyên ngành Trung ương và của tỉnh có những chính sách, hoạt động phù hợp nhằm phát triển VHNT Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh tổ chức Trại bồi dưỡng sáng tác thiếu nhi Hương rừng, đi thực tế và nghe nghệ nhân kể khan ở bến nước Huyện Cư M'gar. Ảnh: Thúy An

Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng đội ngũ văn nghệ sĩ, nghệ nhân Đắk Lắk một cách toàn diện cả về số lượng và chất lượng; chăm lo phát hiện, bồi dưỡng các tài năng VHNT; khơi dậy mọi nguồn lực sáng tạo của văn nghệ sĩ; phấn đấu sáng tạo nhiều tác phẩm VHNT có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, để vừa có tác dụng định hướng, vừa đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa – tinh thần ngày càng cao của nhân dân.

Đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước về lĩnh vực VHNT. Đào tạo, bồi dưỡng và phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, tham mưu trong lĩnh vực văn hóa, VHNT có phẩm chất, bản lĩnh, năng lực chuyên môn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Xây dựng và thực hiện tốt chính sách thu hút, đãi ngộ để văn nghệ sĩ có những đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển VHNT của tỉnh; quan tâm, chăm lo xây dựng đội ngũ văn nghệ sĩ trẻ, người dân tộc thiểu số.

 Xây dựng quy hoạch và kế hoạch phát triển dài hạn các lĩnh vực VHNT. Thực hiện tốt các quy định của pháp luật về ngăn chặn, xử lý các hoạt động sáng tác, truyền bá những sản phẩm VHNT có nội dung, tư tưởng tiêu cực, không lành mạnh, gây tác động xấu đến đời sống, xã hội. Thực hiện có hiệu quả công tác xã hội hóa các hoạt động VHNT; đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo các công trình văn hóa, nghệ thuật. Tăng cường các hoạt động nghiên cứu, sưu tầm văn hóa, văn nghệ dân gian của các dân tộc. Chú trọng bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể.

Củng cố, đổi mới hoạt động của Hội VHNT tỉnh nhằm nâng cao khả năng tập hợp, động viên phát huy tiềm năng sáng tạo và phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ của hội. Tăng cường các biện pháp xây dựng, phát triển văn nghệ quần chúng, hướng dẫn, khuyến khích quần chúng tham gia sáng tạo, bảo tồn, truyền dạy và phát huy các giá trị văn hóa, văn nghệ truyền thống của dân tộc. Đẩy mạnh các hoạt động sáng tác; đổi mới và nâng cao hiệu quả các hoạt động công bố, giới thiệu, phổ biến tác phẩm, nâng cao chất lượng về nội dung, hình thức, góp phần định hướng tư tưởng, thẩm mỹ và nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân.

Lê Trung


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.