Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV: Có sự chuẩn bị từ sớm, từ xa trong ứng phó với các thảm họa, sự cố
Chiều 24/5, tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội nghe các Báo cáo về tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2%; quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa - kết nối với Lâm Đồng và Ninh Thuận. Đồng thời, dành nhiều thời gian thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng thủ dân sự.
Tham gia phát biểu về một số vấn đề nhằm hoàn thiện dự án Luật Phòng thủ dân sự, đại biểu cho rằng cơ quan soạn thảo, thẩm tra đã tiếp thu nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội, dự thảo luật đã tương đối hoàn thiện.
Cho ý kiến về khái niệm “Đối tượng dễ bị tổn thương” tại khoản 4, Điều 2, đại biểu đề nghị điều chỉnh một trong những đối tượng dễ bị tổn thương là người dân sinh sống ở khu vực đặc biệt khó khăn để có biện pháp, chính sách hỗ trợ kịp thời khi có sự cố, thiên tai, dịch bệnh. Đồng thời đề nghị nghiên cứu nâng độ tuổi phụ nữ nuôi con từ 12 tháng tuổi lên 36 tháng tuổi để mở rộng thêm đối tượng dễ bị tổn thương.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn |
Đại biểu cũng cho rằng, dự thảo Luật có quy định về đối tượng dễ bị tổn thương, cần ưu tiên trong quá trình phòng thủ dân sự, tuy nhiên dự thảo luật chưa thể hiện ưu tiên với các đối tượng này. Đại biểu đề nghị cần bổ sung ý ưu tiên đối tượng dễ bị tổn thương trong dự thảo luật.
Về chế độ chính sách với lực lượng phòng thủ dân sự, khoản 2 Điều 42 có quy định, người được điều động, huy động huấn luyện, diễn tập, làm nhiệm vụ phòng thủ dân sự theo quyết định của cấp có thẩm quyền được hưởng trợ cấp; khi ốm đau, bị tai nạn, chết hoặc bị suy giảm khả năng lao động được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, trợ cấp tiền tuất, tiền mai táng phí, trường hợp chưa tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thì được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật; có thành tích thì được khen thưởng.
Đại biểu đề nghị điều chỉnh theo hướng tách làm hai ý theo hai trường hợp: bị tai nạn thì được hưởng các hình thức trợ cấp, hỗ trợ, còn trường hợp bị chết thì người nhà, thân nhân sẽ hưởng các hình thức trợ cấp, hỗ trợ.
Góp ý cụ thể nội dung về thống kê đánh giá thiệt hại, một số ý kiến cho rằng, dự thảo Luật lần này quy định về cơ quan có trách nhiệm phải thống kê, đánh giá thiệt hại do sự cố thảm họa gây ra, song chưa thấy quy định cách thức tổ chức thực hiện thống kê đánh giá. Để có căn cứ cho việc thực hiện thống kê, đánh giá thiệt hại theo quy định trên, đảm bảo tính đánh giá đầy đủ, chính xác, kịp thời về thiệt hại và đề xuất phương án hỗ trợ, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định về nguyên tắc, thời điểm thống kê, đánh giá và trách nhiệm của cá nhân, tổ chức được giao nhiệm vụ thống kê, đánh giá.
Đại biểu tham dự phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn |
Về nguyên tắc huy động vận động đóng góp tự nguyện và phân bổ nguồn lực cứu trợ, hỗ trợ khi có sự cố, thảm họa tại Điều 31, đại biểu cho rằng để quy định chặt chẽ hơn đảm bảo công tác cứu trợ, hỗ trợ kịp thời, đúng nhu cầu và tránh lãng phí, cần nhấn mạnh trách nhiệm phải phối hợp của chính quyền địa phương và nhất là việc điều phối cứu trợ, hỗ trợ đáp ứng nhu cầu thiết yếu, phải phù hợp với nhu cầu của nơi bị thiệt hại. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung biện pháp quản lý, sử dụng nguồn thu do tổ chức, cá nhân vận động được để phòng ngừa tiêu cực.
Về hoạt động của hoạt động chỉ đạo, điều hành trong phòng thủ dân sự, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nên quy định theo hướng mở, thay vì quy định về việc phân công cán bộ kiểm tra địa bàn bằng việc tổ chức kiểm tra địa bàn có nguy cơ xảy ra sự cố thảm họa.
Góp ý về nội dung quy định về Cơ quan chỉ đạo quốc gia, Cơ quan Chỉ huy phòng thủ dân sự, đại biểu cơ bản tán thành với chủ trương thu gọn đầu mối của các tổ chức phối hợp liên ngành trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, đề nghị cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, xác định cụ thể trong luật sau khi các Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia về ứng phó sự cố thiên tai được hợp nhất thì cơ quan nào là cơ quan chịu trách nhiệm trực tiếp, để tránh chồng chéo, đùn đẩy trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ khi có sự cố xảy ra.
Đại biểu cũng đề nghị các cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát các luật có liên quan như Luật Đê điều, Luật Phòng chống thiên tai để có đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ phù hợp, bảo đảm các luật được thực thi vận hành thông suốt theo cơ chế chỉ đạo điều hành của Cơ quan chỉ đạo quốc gia về phòng thủ dân sự.
Về Quỹ phòng thủ dân sự, đại biểu cho rằng nguyên tắc hoạt động phòng thủ dân sự quy định phòng thủ dân sự phải chuẩn bị từ sớm, từ xa đã nói lên sự cần thiết phải chuẩn bị trước các nguồn lực. Trong đó nguồn lực tài chính là một nguồn lực rất quan trọng để ứng phó kịp thời với những thảm họa, sự cố xảy ra. Tuy nhiên đại biểu cũng lưu ý đến công tác quản lý Quỹ để đảm bảo hiệu quả và không để thất thoát.
Về nguyên tắc hoạt động phòng thủ dân sự quy định tại Điều 3 của dự thảo luật, đại biểu đề nghị bổ sung thêm nguyên tắc hoạt động phòng thủ dân sự là trách nhiệm của toàn dân, để qua đó có thể nâng cao vai trò, tinh thần trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cơ quan tổ chức, đơn vị và toàn thể nhân dân để cùng tham gia vào hoạt động phòng thủ dân sự…
Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội. Ảnh: quochoi.vn |
Tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến của các đại biểu để hoàn thiện dự án Luật đạt chất lượng cao.
Về Quỹ phòng thủ dân sự, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, hồ sơ đã đưa ra 2 phương án, Chính phủ đề xuất thành lập Quỹ ngay trước khi xảy ra các vụ việc, sự cố. Các ý kiến của các đại biểu Quốc hội ở cả 3 miền đã tương đối thống nhất, đồng thuận.
Nêu những dẫn chứng cụ thể trong những tình huống cấp bách khi đối phó với dịch bệnh COVID-19 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, nếu không có lực lượng, nguồn lực dự trữ đặc biệt về vốn, sẽ không thể ứng phó kịp, xử lý tốt, giải quyết nhanh các sự cố xảy đến.
Bộ trưởng nhấn mạnh, việc chuẩn bị từ sớm, từ xa để ứng phó sự cố là rất quan trọng, đề nghị các đại biểu Quốc hội ủng hộ trong vấn đề Quỹ phòng thủ dân sự, đồng thời cũng cho biết sẽ có cách thức phù hợp để không làm phát sinh biên chế, đảm bảo hoạt động hiệu quả, đúng mục đích. Ngoài ra, Bộ trưởng cho rằng cần có các tiêu chí cụ thể để các cấp, các ngành căn cứ vào đó có sự chuẩn bị từ sớm, từ xa trong ứng phó với các thảm họa, sự cố…
Lan Anh (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc