Đổi mới, phát huy hiệu quả công tác tuyên truyền miệng
Chủ động, sáng tạo trong đổi mới phương pháp, hình thức tuyên truyền miệng theo hướng thiết thực, sát với từng đối tượng, địa bàn đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận cao trong triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ở cơ sở.
Nói cho dân hiểu, làm để dân tin
Khi nhìn nhiều đám ruộng ở buôn Trưng (xã Cư Bông, huyện Ea Kar) bị bỏ hoang, bà con chỉ biết trồng lúa rẫy, Ama Như (tên thường gọi của ông Lê Hoàng Lâm, thành viên đội công tác 253 xã Cư Bông) không khỏi xót xa.
Để thay đổi nhận thức của bà con trong buôn, Ama Như đã tự tay trồng lúa nước làm mô hình, rồi chọn một hộ trong buôn để tuyên truyền, hướng dẫn họ làm theo. Ama Như cùng nông dân ra đồng, miệng nói, tay cày đất, hướng dẫn cách gieo sạ, bỏ phân, làm cỏ, chăm sóc cây lúa. Kiên trì với phương châm “nói cho dân hiểu, làm để dân tin”, hiệu quả từ mô hình của Ama Như đã thay đổi được nếp nghĩ, cách làm của bà con.
Bên cạnh đó, Trung tâm Khuyến nông huyện cũng đã hỗ trợ lúa giống, giúp buôn phát triển cây lúa nước. Đến nay, toàn buôn đã trồng được 40 ha lúa nước, năng suất từ 6,5 - 8 tạ/sào, giải quyết được vấn đề lương thực.
Ông Ama Như, thành viên đội công tác 253 xã Cư Bông (huyện Ea Kar) đã tuyên truyền, vận động bà con buôn Trưng phát triển cây lúa nước hai vụ. |
Chia sẻ về cách làm, Ama Như cho biết, để xóa bỏ rào cản về ngôn ngữ, Ama Như đã tự học và giao tiếp thành thạo bằng tiếng Êđê. Nhờ vậy, Ama Như dễ dàng tiếp cận, trò chuyện với già làng, người có uy tín của những địa bàn được phân công phụ trách gồm buôn Trưng, buôn Ea Bô, buôn Ea Găn để nắm tình hình, những khó khăn, vướng mắc của bà con, vì vậy mà thực hiện tốt việc tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương có giải pháp tháo gỡ kịp thời. Nhờ đó, bà con ngày một tin tưởng hơn vào đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tham gia sôi nổi các phong trào thi đua, cùng nhau phát triển kinh tế, xây dựng buôn làng ấm no, hạnh phúc.
Theo Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Ea Kar Lê Văn Hồng, tuyên truyền miệng có nhiều ưu thế như thông tin nhanh, tiếp nhận thông tin đồng thời, lan tỏa rộng. Người truyền đạt thông tin có thể sử dụng cả ngôn ngữ, cử chỉ, điệu bộ, cảm xúc nên tạo được sự gần gũi, tương tác với người nghe... Phương pháp này giúp người dân dễ hiểu, dễ làm theo và tạo được sự đồng thuận, thống nhất trong cộng đồng. Vì vậy, bên cạnh đội ngũ gồm 1 báo cáo viên Tỉnh ủy, 28 báo cáo viên Huyện ủy, huyện Ea Kar đã tập trung xây dựng, củng cố, phát huy vai trò của các tuyên truyền viên cơ sở. Hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên ngày càng đi vào nền nếp, phương thức hoạt động không ngừng đổi mới theo hướng ngắn gọn, dễ hiểu, phù hợp với từng đối tượng, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền trên địa bàn huyện.
Đổi mới nội dung, phương thức
Thực hiện Chỉ thị 17-CT/TW, ngày 15/10/2007 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) về “Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và các đảng bộ trực thuộc tập trung đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ báo cáo viên (BCV), tuyên truyền viên (TTV) trong công tác tuyên truyền miệng.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung (thứ hai từ phải sang) thăm hỏi, động viên người dân yên tâm sinh sống tại khu tái định cư số 2 (xã Cư Bông, huyện Ea Kar). |
Toàn tỉnh hiện có 5 BCV Trung ương, 50 BCV Tỉnh ủy, 486 BCV cấp huyện và tương đương, 109 BCV của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, 3.912 BCV, TTV cấp xã. Chất lượng hoạt động của đội ngũ không ngừng được nâng cao về mọi mặt, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ động đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của đội ngũ BCV, TTV bằng nhiều hình thức như: ứng dụng công nghệ thông tin tổ chức các hội nghị trực tuyến giúp đội ngũ BCV, TTV ở cơ sở được nghe BCV Trung ương, lãnh đạo tỉnh trực tiếp báo cáo nhằm nâng cao nhận thức, chuyên môn, nghiệp vụ; chỉ đạo xây dựng hệ thống email công vụ, kịp thời cung cấp thông tin, tư liệu, chuyên đề cho đội ngũ BCV; biên soạn, in ấn, phát hành tài liệu tuyên truyền dưới dạng song ngữ Việt - Êđê cấp cho đội ngũ BCV, TTV; cung cấp đầy đủ các loại báo, tạp chí của Đảng. Đội ngũ BCV, TTV cũng được trang bị và sử dụng có hiệu quả nhiều loại phương tiện như: máy tính xách tay, máy chiếu, máy ghi âm, máy ảnh kỹ thuật số... góp phần đổi mới phương pháp, hình thức và nâng cao trình độ, kỹ năng tuyên truyền.
Theo đánh giá của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, điểm nổi bật trong công tác tuyên truyền miệng và hoạt động BCV những năm qua là chú trọng đổi mới về phương pháp tuyên truyền, xây dựng nội dung tuyên truyền ngắn gọn, dễ nghe, dễ hiểu, dễ nhớ, phù hợp với từng đối tượng; kết hợp các phương pháp truyền thống như nói chuyện trực tiếp, vận động từng người, từng nhóm người với việc sử dụng và huy động các phương tiện hiện đại để tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân, góp phần giữ vững an ninh chính trị trên địa bàn tỉnh.
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc