Multimedia Đọc Báo in

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV:

Hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển và quản lý chặt chẽ thị trường bất động sản

18:56, 23/06/2023

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 5, chiều 23/6 Quốc hội xem xét, biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi).

Kết quả, có 470 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 95,14%).

Tiếp đó, Quốc hội tiến hành thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).

Phát biểu thảo luận tại phiên họp, đại biểu bày tỏ thống nhất với nhiều nội dung của dự thảo Luật và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế. Đại biểu cho rằng, tại Kỳ họp thứ 5 này và Kỳ họp thứ 6, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 3 luật có liên quan mật thiết đến nhau, đó là: Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).

Theo đại biểu, một trong thông tin xuyên suốt 3 dự án luật này là hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu. Đây là thông tin rất quan trọng trong công tác quản lý nhà nước.

Phiên làm việc chiều ngày 23/6. Ảnh: quochoi.vn
Phiên làm việc chiều ngày 23/6. Ảnh: quochoi.vn

Do vậy, dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) cần được rà soát kỹ lưỡng nội dung chương 8 về xây dựng và quản lý dữ liêu thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản nhằm đồng bộ với dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Đại biểu đề nghị lấy hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu trong Luật Đất đai (sửa đổi) làm gốc, làm cơ sở để thiết kết, vận hành quản lý hệ thống thông tin về thị trường bất động sản. Đồng thời cần có quy định, cơ chế phối hợp giữa ngành tài nguyên và môi trường với ngành xây dựng để vận hành 2 hệ thống cơ sở thông tin trên, đảm bảo tính liên thông, minh bạch và hiệu quả.

Bên cạnh đó, vấn đề công khai, minh bạch thông tin về các dự án bất động sản nhận được sự quan tâm của dư luận, do đó, cần phải có sự liên thông, chia sẻ thông tin về các dự án này với các cơ quan quản lý nhà nước.

Đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần tiếp tục rà soát các quy định nhằm đảm bảo thể chế hóa đầy đủ các chủ trương lớn của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết 18 và Nghị quyết 11, để hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển và quản lý chặt chẽ thị trường bất động sản, quyền sử dụng đất, đảm bảo an toàn, ổn định, vận hành thông suốt cho thị trường bất động sản và các thị trường có liên quan như thị trường về tiền tệ, tín dụng.

Đồng thời cơ cấu lại thị trường bất động sản, sử dụng nguồn lực tiết kiệm, hiệu quả, xây dựng hệ thống thông tin thị trường bất động sản gắn với thông tin đất đai, phát triển đô thị, các dự án bất động sản gắn với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hợp lý, khắc phục tình trạng đầu cơ về đất đai, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, tăng cường thực hiện giao dịch không dùng tiền mặt trong giao dịch bất động sản…

Về thời hạn sở hữu công trình xây dựng công trình nhà chung cư theo niên hạn, đại biểu đề nghị gắn với tình hình thực tế. Việc mua bán nhà ở phải gắn liền với không gian với đất. Chủ đầu tư phải làm các thủ tục liên quan đến nhà đất cho người mua, đảm bảo trách nhiệm của các chủ đầu tư. Về sàn giao dịch bất động sản cần đảm bảo chặt chẽ việc hoạt động chuyên nghiệp, an toàn.

Đại biểu tham dự phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn
Đại biểu tham dự phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn

Đối với các quy định về sàn giao dịch bất động sản, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát, cân nhắc kỹ lưỡng quy định về sàn giao dịch bất động sản sau khi thực hiện khảo sát, đánh giá tác động nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức không chỉ thuận lợi trong công việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của sàn giao dịch bất sản mà còn đảm bảo tính chặt chẽ cũng như cơ sở pháp lý cho tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động theo hướng phát triển chuyên nghiệp, an toàn và khi luật được Quốc hội thông qua đảm bảo tính khả thi và hiệu quả.

Liên quan đến các hành vi bị cấm, đại biểu đề nghị cần làm rõ nội hàm hành vi “cấm gian lận, lừa dối trong kinh doanh bất động sản”. Đặc biệt cần có chế tài đủ mạnh để ngăn chặn, xử lý những vi phạm, và cần rà soát, sửa đổi bổ sung trong Luật Xử lý vi phạm hành chính và Luật Hình sự.

Phát biểu góp ý dự thảo luật, đại biểu nêu thực tế, thị trường bất động sản lên xuống, luôn rình rập yếu tố rủi ro, nếu chính sách của nhà nước không điều tiết kịp thời, không có giải pháp hữu hiệu có thể ảnh hưởng gây khủng hoảng tài chính, cao hơn nữa là khủng hoảng kinh tế.

Vì vậy, chính sách của Nhà nước đối với thị trường bất động sản rất quan trọng nhưng hiện nay chúng ta chưa điều tiết được thị trường này. Đại biểu mong muốn việc sửa đổi Luật Kinh doanh bất động sản lần này cần xóa bỏ được tư duy “không buôn gì lãi bằng buôn đất”…

Phát biểu giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cảm ơn các đại biểu Quốc hội đã đóng góp nhiều ý kiến trách nhiệm với giá trị thực tiễn cao để hoàn thiện dự thảo luật. Bộ trưởng nêu rõ, ý kiến của các đại biểu Quốc hội sẽ được tổng hợp, tiếp thu đầy đủ để đảm bảo dự thảo luật đạt chất lượng tốt, nhận được sự đồng thuận cao. 

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu giải trình. Ảnh: quochoi.vn
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu giải trình. Ảnh: quochoi.vn

Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, về phạm vi điều chỉnh, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện nội dung dự thảo luật, làm rõ phạm vi, nội dung điều chỉnh của luật theo hướng bảo đảm phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật bao quát được hoạt động kinh doanh bất động sản, phân định rõ hoạt động kinh doanh bất động sản và các giao dịch dân sự không vì mục đích kinh doanh khác. 

Bộ trưởng cũng nêu rõ, cơ quan soạn thảo sẽ nghiên cứu để quy định đồng bộ các nội dung liên quan đến giao dịch nhà ở, giữa các luật có liên quan để đảm bảo việc kinh doanh nhà ở thực hiện theo Luật Kinh doanh bất động sản; chính sách phát phát triển nhà ở, sở hữu nhà ở, các giao dịch nhà ở khác thực hiện theo Luật Nhà ở, đảm bảo thống nhất, không chồng chéo với các luật khác có liên quan.

Về bất động sản đưa vào kinh doanh, Bộ trưởng cho biết, tiếp thu ý kiến của các đại biểu, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện dự thảo luật để đảm bảo bao quát các loại bất động sản được đưa vào dự thảo luật.

Về điều kiện với tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản, Bộ trưởng nhấn mạnh, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục rà soát, bổ sung khoản 1, 2, 3 Điều 10 dự thảo Luật để báo cáo Chính phủ tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu Quốc hội.

Tuy nhiên, cơ quan chủ trì soạn thảo kiến nghị giữ khoản 2 Điều 10 vì cần bảo đảm phạm vi điều chỉnh bao quát đầy đủ các đối tượng kinh doanh bất động sản, trong đó có đối tượng là cá nhân kinh doanh bất động sản.

Ngoài ra, Bộ trưởng cũng đề nghị giữ lại các nội dung chính của khoản 3, Điều 10 dự thảo luật, do đây là nội dung được luật hóa quy định tại Điều 5 Nghị định 02/2022/NĐ-CP trong đó có quy định các trường hợp cơ quan tổ chức bán nhà, công trình xây dựng chuyển nhượng quyền sử dụng đất do phá sản, giải thể, chia tách, còn việc sáp nhập, hợp nhất doanh nghiệp cơ bản không phát sinh mua bán, chuyển nhượng bất động sản…

Lan Anh (tổng hợp)
 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.