Multimedia Đọc Báo in

Nữ đảng viên người Hmông nói đi đôi với làm

08:43, 22/06/2023

Gần mười năm ổn định cuộc sống tại xã Cư Kbang (huyện Ea Súp), chị Đào Thị Si (Thôn đội trưởng thôn 15) không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình mà còn nêu cao tinh thần gương mẫu, tích cực hỗ trợ bà con nơi đây vươn lên thoát nghèo, chung tay xây dựng quê hương mới.

Chị Đào Thị Si được kết nạp Đảng vào năm 2010 ở Cao Bằng và từng tham gia công tác Đoàn Thanh niên, chi hội phụ nữ, thôn trưởng… Sau chuyến thăm người thân di cư đến Đắk Lắk vào năm 2014, chị nhận thấy bà con nơi đây dù xa quê, cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng vẫn rất yêu thích các trang phục truyền thống của dân tộc mình nên vợ chồng chị đã bàn bạc và gom góp hết tài sản ở quê để chuyển vào xã Cư Kbang mua đất, mở cơ sở may và bán trang phục truyền thống.

Chị Đào Thị Si cùng những sản phẩm trang phục truyền thống của người H’mông tại xưởng sản xuất của gia đình.

Lập nghiệp ở vùng đất mới, chị đầu tư 1 máy dập ly, 4 máy may công nghiệp, nhập các loại vải, phụ liệu may mặc từ Trung Quốc và TP. Hồ Chí Minh để phục vụ sản xuất. Chị cũng thuê 5 lao động đảm nhiệm các công việc may váy áo, xâu hạt, kết cườm… tạo thêm việc làm và nguồn thu nhập cho phụ nữ thôn 15. Vợ chồng chị cũng tích lũy lợi nhuận từ xưởng may, mở thêm 3 sân bóng mini cỏ nhân tạo với trị giá hơn 1 tỷ đồng để phục vụ nhu cầu tập luyện thể thao của thanh thiếu niên xã Cư Kbang.

Tích cực phát triển kinh tế, chị vẫn không quên làm tròn vai người đảng viên tại Chi bộ thôn 15. Với vai trò là thôn đội trưởng, chị tham gia đầy đủ các hoạt động của chi bộ, tuyên truyền, vận động người dân chấp hành tốt các quy định pháp luật, từ bỏ phong tục lạc hậu, chăm lo làm ăn nâng cao đời sống. Chị cũng sâu sát tình hình, vận động thanh niên chấp hành tốt các lệnh gọi khám tuyển nghĩa vụ quân sự, góp phần vào kết quả thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng của địa phương.

Chị Đào Thị Si (thứ ba từ trái qua) tham gia Hội thi tìm hiểu về chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh tại xã Cư Kbang.

Vốn tham gia công tác xã hội từ sớm, chị ý thức được việc thực hiện kế hoạch hóa gia đình cũng là một trong những yếu tố xây dựng hạnh phúc. Chính vì thế, chị cùng chồng quyết định dừng ở hai con để có điều kiện nuôi dạy con tốt và tập trung phát triển kinh tế gia đình. Năm 2018, có người tìm đến chị Si nhờ chị nuôi giúp con trai của họ do hai vợ chồng đã bỏ nhau, đứa trẻ còn quá nhỏ không ai chăm sóc. Lúc này, con gái út của chị Si đã 12 tuổi, đang học lớp 6. Việc nhận thêm một đứa trẻ khiến vợ chồng chị vô cùng băn khoăn. Thế nhưng, khi biết đứa trẻ mới 7 - 8 tháng tuổi đang trong tình trạng suy kiệt về thể chất và có nguy cơ nguy hiểm đến tính mạng khi không có người chăm sóc, chị Si cùng hai con gái đã thuyết phục chồng nhận thêm con nuôi. Nhờ sự chăm sóc tận tình của cả gia đình, đứa trẻ ấy dần hồi phục. Chị Si cũng làm giấy khai sinh, đặt tên con là Hầu Tiền Phúc và cho con đến trường theo đúng độ tuổi.

Theo Bí thư Đảng ủy xã Cư Kbang Nguyễn Văn Hiếu, bằng những việc làm cụ thể, thiết thực đóng góp xây dựng địa phương, chị Đào Thị Si thật sự là một tấm gương về lòng nhân hậu, về một nữ đảng viên "miệng nói tay làm", có tư tưởng và nhận thức tiến bộ để bà con noi theo.

Đinh Nga


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nâng cao vai trò, tiếng nói của phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Buôn Đôn
Sau 3 năm triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025 đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Buôn Đôn.