Bảo vệ “vùng lãnh thổ” đặc biệt (Kỳ 1)
Không gian mạng được ví như một “vùng lãnh thổ” đặc biệt và tác động ngày càng sâu rộng đến thực tiễn cuộc sống. Việc xây dựng thế trận trên "vùng lãnh thổ" đặc biệt này để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam trở nên vô cùng cần thiết.
Kỳ 1: “Khoảng trống” không gian mạng
Trong xu hướng phát triển toàn cầu, những năm gần đây, không gian mạng dần trở thành “ngôi nhà chung” của toàn nhân loại. Bên cạnh những thông tin tích cực, thế giới mạng còn có rất nhiều thông tin sai lệch, thậm chí là hoàn toàn sai sự thật, với mục đích lôi kéo, dụ dỗ, hoặc gây chia rẽ trong xã hội, nếu người dùng không tỉnh táo, sáng suốt chắt lọc thông tin thì rất dễ lọt vào những “chiếc bẫy” được cài sẵn...
Không gian... ảo
Theo báo cáo của Công ty nghiên cứu thị trường DataReportal, nước ta nằm trong top 10 quốc gia có lượng người dùng Tiktok, Facebook và Youtube nhiều nhất thế giới. Bên cạnh kết nối, lan tỏa những điều tốt đẹp, thông tin tích cực, thì khi thiếu kiểm soát không gian mạng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, độc xấu như một “ma trận”.
Lướt mạng, không khó để bắt gặp những màn "bóc phốt", khoe thân, những hình ảnh ăn mặc phản cảm; những câu chuyện xâm phạm đời tư được các trang cá nhân, trang fanpage rầm rộ chia sẻ, thu hút đông đảo lượt người xem. Không kiểm chứng, cũng chẳng chờ kiểm duyệt, nhiều người dùng vô tư chia sẻ, xin link dẫn đến các thông tin độc, xấu xuất hiện thêm dày đặc. Cũng không hiếm những “thử thách”, trào lưu mạng vô bổ, lệch lạc lối sống khiến nhiều người rùng mình, như ăn xà phòng, uống nước rửa chén, bóp cổ…
Tăng cường các hoạt động ngoại khóa tạo sân chơi lành mạnh là một trong những giải pháp giúp thanh thiếu nhi phòng, chống ảnh hưởng xấu từ không gian mạng. |
Trung tá Nguyễn Huy Nam, Trưởng Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh cho biết, theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có khoảng 70% người dùng mạng xã hội. Với lợi thế phát triển nhanh, tương tác cao, người dùng mạng Internet chỉ mất vài phút đăng thông tin là cả thế giới có thể cập nhật. Lợi dụng điều này, nhiều đối tượng đã dùng mạng xã hội để câu view (tăng lượt tiếp cận), câu like (lượt người yêu thích) để được nổi tiếng. Thậm chí, nhiều đối tượng còn biến không gian mạng thành “cái chợ”, buôn bán những mặt hàng trái phép, quảng cáo các loại game bài, mua bán ma túy…
Hậu quả… thật
Những điều tưởng ảo trên không gian mạng đã và đang tác động không ngừng đến cuộc sống con người và đã để lại nhiều hậu quả đáng tiếc. Tuổi đời non trẻ, lại thiếu hiểu biết về pháp luật nên có không ít học sinh nảy sinh mâu thuẫn, tiêu cực trong quá trình sử dụng mạng xã hội.
Còn nhớ cách đây ít năm, hai nhóm nữ sinh THPT trên địa bàn huyện Krông Bông xảy ra mâu thuẫn trên mạng Internet nên đã hẹn nhau ra hoa viên để “giải quyết” bằng cự cãi và ẩu đả. Thấy vậy, em M.L. đã tới can ngăn và bị một nữ sinh đâm liên tiếp hai nhát vào người buộc nhập viện cấp cứu. Hay như vào tháng 3/2021, cũng vì lời qua tiếng lại trên mạng xã hội, hai nhóm học sinh trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột đã hẹn ra quán nước, rồi lao vào ẩu đả nhau. Vụ việc khiến một số học sinh bị thương, một số em bỏ trốn khỏi địa phương, gây xót xa cho gia đình, dư luận.
Hoạt động giáo dục kỹ năng sống tại Nhà văn hóa thanh thiếu nhi tỉnh giúp học sinh nâng cao kiến thức, hiểu biết xã hội. |
Bởi tin tưởng những thông tin thiếu kiểm chứng trên mạng, không ít trường hợp sinh sống trên địa bàn tỉnh phải đánh đổi bằng cả sức khỏe, mạng sống của mình. Cuối tháng 10/2022, vì tin lời người quen qua mạng, thanh niên Đ. (xã Ea Bung, huyện Ea Súp) đã vượt biên qua Campuchia với mong muốn được bán thận giá “hời”. Tuy nhiên, khi qua đến nơi, Đ. biết mình lừa nên tìm mọi cách liên lạc về Việt Nam. May mắn, Đ. được lực lượng chức năng giải cứu thành công khi đang ở một khu vực hẻo lánh, phức tạp về nạn buôn bán người và ma túy của Campuchia, giáp biên giới Thái Lan.
Không chỉ nguy hại đến cá nhân, bất cẩn trong dùng mạng Internet còn ảnh hưởng khôn lường đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, gây chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc. Tháng 3/2022, tài khoản Facebook C.N đã đăng tải bài viết xuyên tạc rằng chính quyền xã Ea Ktur (huyện Cư Kuin) đập phá tài sản, công sức của người dân, trong khi đó video đính kèm theo lại là cảnh lực lượng chức năng đang cưỡng chế nhà xây dựng trái phép. Hoàn toàn sai sự thật, nhưng bài viết có tới 300 nghìn lượt xem, 2.446 lượt chia sẻ, đáng nói có các fanpage phản động KPIR BHANG - ÊA HDIP, Tâm Thức Việt - Anh chia sẻ kèm những bình luận tiêu cực, xuyên tạc bản chất vụ việc.
Mới đây nhất, trên mạng xã hội xuất hiện nhan nhản thông tin sai lệch, thiếu kiểm chứng có liên quan đến vụ việc nhóm khủng bố nổ súng tấn công hai trụ sở UBND xã tại huyện Cư Kuin. Đơn cử như trường hợp N.C.C. (huyện Ea H’leo) vì “ham like, câu view” đã sử dụng tài khoản Tiktok cá nhân đăng video, kèm theo tiêu đề “Cận cảnh Bộ Công an đã điều chiến đấu cơ Su30 đến Đắk Lắk để tiêu diệt bọn khủng bố”, danh sách, danh tính các đối tượng. Hay như trường hợp N.T.T. (huyện Krông Búk) đã dùng Facebook cá nhân đăng tải nhiều nội dung xúc phạm danh dự, uy tín của lực lượng công an liên quan đến vụ việc xảy ra tại huyện Cư Kuin… Đó là chưa kể còn rất nhiều tài khoản đăng tải, bình luận sự việc khi thiếu kiểm chứng để rồi rơi vào “bẫy” luồng thông tin chống phá Đảng, Nhà nước của thế lực thù địch. Chỉ trong ít ngày, từ vụ việc khủng bố đã có hơn 150 trường hợp, tài khoản cá nhân Tiktok, Facebook bị lực lượng chức năng phát hiện, xử lý theo quy định của pháp luật.
Cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh đọc sách, báo, cập nhật thông tin, nâng cao hiểu biết, cảnh giác với thông tin xấu, độc trên không gian mạng. |
Theo Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Huỳnh Chiến Thắng, với sự phát triển như vũ bão của Internet, không gian mạng nói chung và mạng xã hội nói riêng trở thành không gian sống sôi động, thậm chí rộng mở hơn không gian thực. Những hành vi tiêu cực, lệch chuẩn, những thông tin xấu, độc vì vậy có tốc độ lan truyền nhanh, khó kiểm soát. Ở mức độ nhẹ thì gây ra tác động, ảnh hưởng tiêu cực, tạo thành trend (xu hướng, trào lưu), cổ súy cho những hành vi vi phạm pháp luật, nặng hơn thì gây kích động, sử dụng bạo lực, gây rối, bạo loạn, ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, gây hại cho chế độ, Nhà nước và nhân dân.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, trong 6 tháng đầu năm 2023, Facebook đã chặn, gỡ bỏ hơn 2.460 bài viết đăng thông tin sai sự thật, tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước; gỡ bỏ 3 tài khoản giả mạo các cá nhân, tổ chức; khóa 8 tài khoản thường xuyên đăng tải tin giả, thông tin xuyên tạc. Google đã gỡ 5.390 video vi phạm trên YouTube, chặn hai kênh YouTube phản động. Tiktok đã chặn, gỡ bỏ hơn 400 đường link vi phạm, đăng tải thông tin sai sự thật, nội dung tiêu cực, trong đó có 145 tài khoản thường xuyên đăng tải nội dung chống phá Đảng, Nhà nước. |
(Còn nữa)
Kỳ 2: Xây thế trận trên không gian mạng
Nguyễn Xuân - Song Quỳnh - Lê Thành
Ý kiến bạn đọc