Multimedia Đọc Báo in

Kết hợp giữa “xây” và “chống” trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch

06:31, 01/05/2023

Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” nêu quan điểm mang tính chỉ đạo xuyên suốt là gắn kết chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, “xây” là cơ bản, “chống” phải quyết liệt, hiệu quả.

“Xây” là xây dựng niềm tin khoa học của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân vào hệ tư tưởng của Đảng; nâng cao khả năng tự đề kháng của mỗi cá nhân trước thông tin xấu độc; “chống” là chống các thế lực thù địch cả trong và ngoài nước, chống lại các quan điểm sai trái, thù địch xuyên tạc bản chất khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh…

Thời gian qua, Đắk Lắk đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong xây dựng, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; giữ vững an ninh, quốc phòng; bộ mặt nông thôn và đô thị ngày càng khang trang; đời sống vật chất và tinh thần của người dân, đặc biệt là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa không ngừng được nâng cao; khối đại đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường, bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số được bảo tồn và phát huy. Thành tựu trên là minh chứng khẳng định năng lực lãnh đạo của Đảng, là luận cứ khoa học và thực tiễn bác bỏ mọi luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.

Các cấp ủy Đảng đã chú trọng nâng cao công tác giáo dục chính trị tư tưởng: Việc tổ chức quán triệt các nghị quyết được thực hiện nghiêm túc từ tỉnh đến cơ sở; việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” ngày càng đi vào chiều sâu, gắn với nhiệm vụ của từng địa phương, đơn vị; tạo sức lan tỏa rộng rãi, sự đồng thuận trong nhân dân. Công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII và XIII) được triển khai quyết liệt, góp phần xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, ngăn chặn có hiệu quả biểu hiện "tự diễn biến, tự chuyển hóa" trong một bộ phận cán bộ, đảng viên.

Trong thời kỳ Internet và mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, các thế lực thù địch đã triệt để lợi dụng mạng xã hội để phát tán các thông tin xấu, độc. Mạng xã hội trở thành “mặt trận chính” trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Cấp ủy, chính quyền các cấp đã quan tâm đến việc phát huy ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong việc sử dụng Internet và mạng xã hội, chấp hành Luật An ninh mạng và Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội; qua đó giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân nâng cao sức tự đề kháng trước âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng không gian mạng để chống phá, bước đầu đã hình thành thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân trên không gian mạng. Cùng với các cơ quan báo, đài, trang thông tin điện tử, hệ thống các fanpage góp phần quan trọng trong việc tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, lan tỏa gương người tốt, việc tốt; hình ảnh đẹp về thiên nhiên, con người, bản sắc văn hóa, quảng bá rộng rãi tiềm năng, lợi thế của tỉnh. 

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Minh Tấn trao Giải A cho nhóm tác giả Giải Báo chí về xây dựng Đảng tỉnh Đắk Lắk lần thứ IV năm 2022. Ảnh: Nguyễn Gia

Cùng với công tác “xây” thì nhiệm vụ “chống” cũng được cấp ủy, chính quyền các cấp hết sức coi trọng. Lực lượng đấu tranh phản bác trên địa bàn tỉnh đã viết, chia sẻ hàng nghìn tin, bài vạch rõ bản chất phản động, thủ đoạn xuyên tạc trong từng bài viết của các thế lực thù địch. Các bài viết đã cung cấp một lượng lớn thông tin chính thống giúp dư luận hiểu đúng bản chất các vụ việc “nóng” thu hút sự quan tâm của dư luận, nhất là các vụ khiếu kiện đông người liên quan đến đất đai giữa một số hộ dân với các nông lâm trường.

Từ năm 2020 đến nay, cơ quan chức năng đã mời làm việc hàng trăm trường hợp đăng tải thông tin sai sự thật lên không gian mạng; phát hiện, ngăn chặn, thu giữ hàng trăm tài liệu có nội dung xuyên tạc, chống phá. Chính quyền, đoàn thể thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động, thuyết phục các đối tượng nhẹ dạ, cả tin; đồng thời cương quyết đấu tranh, xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật các cá nhân cố tình vi phạm, thường xuyên đăng tải, chia sẻ các bài viết của các đối tượng phản động trong và ngoài nước, có hoạt động móc nối với các đối tượng xấu, đối tượng tham gia các tổ chức chống phá. Đã có nhiều trường hợp chuyển biến nhận thức, tự nhận ra cái sai của bản thân và tích cực tham gia chia sẻ thông tin tích cực.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thời gian qua một số cấp ủy chưa quán triệt sâu sắc và chưa thực hiện tốt hai trụ cột “xây” và “chống” trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Chưa chú trọng đúng mức đến công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên; việc lan tỏa thông tin tích cực và các bài viết đấu tranh phản bác còn “khoán trắng” cho ngành tuyên giáo và lực lượng vũ trang. Đa số cán bộ, đảng viên đều tham gia mạng xã hội nhưng số lượng tương tác lan tỏa thông tin tích cực, thông tin phục vụ công tác tuyên truyền chưa nhiều; có biểu hiện “thờ ơ” trước các thông tin xuyên tạc.

Trong thời gian tới, để thực hiện tốt việc kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống” trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, cần tập trung một số giải pháp sau:

Thứ nhất, cần tiếp tục quán triệt để cấp ủy, chính quyền các cấp và cả hệ thống chính trị hiểu đầy đủ, sâu sắc quan điểm, yêu cầu kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống” trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng về tư tưởng, đạo đức tổ chức, cán bộ, trong đó tập trung giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin. Tăng cường triển khai thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; kiên quyết xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; nâng cao nhận thức và ý thức “tự phòng vệ” của cán bộ, đảng viên và nhân dân trước thông tin xấu, độc.

Thứ hai, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, làm tốt công tác an sinh xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia, các chủ trương, chính sách, chương trình phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện tốt công tác kết nghĩa giữa các cơ quan, đơn vị với các buôn đồng bào dân tộc thiểu số và phát huy vai trò của người có uy tín trên địa bàn tỉnh, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Thông qua đó, tạo thành thế trận vững chắc chống lại các thủ đoạn xuyên tạc hòng chống phá Đảng, Nhà nước và chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Thứ ba, cấp ủy chính quyền các cấp chú trọng đầu tư đúng mức đối với công tác truyền thông mạng xã hội. Với phương châm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lấy cái tích cực đẩy lùi cái tiêu cực” cần xây dựng các tài khoản mạng xã hội đủ mạnh để phục vụ công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin chính thống rộng rãi đến nhân dân; “phủ xanh thông tin tích cực trên không gian mạng”, qua đó tạo sự đồng thuận cao trong dư luận xã hội, triển khai hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước. Chú trọng công tác giáo dục “văn hóa sử dụng mạng xã hội” cho thanh thiếu niên hướng đến các giá trị “chân, thiện, mỹ”. Thường xuyên tuyên truyền, giáo dục, cảm hóa đối với các cá nhân có những nhận thức chưa đầy đủ, nhẹ dạ, cả tin, bị xúi giục tham gia đăng tải, chia sẻ các thông tin xấu độc; đồng thời, kiên quyết xử lý các đối tượng thường xuyên lợi dụng không gian mạng để đăng tải thông tin chống phá.

   Phạm Minh Tấn

      Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.