Multimedia Đọc Báo in

Dấu ấn từ Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc

08:39, 03/07/2023

Qua 20 năm thực hiện Nghị quyết số 04/NQ/ĐCT-MTTW ngày 1/8/2003 của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về việc tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc, Đắk Lắk đưa Ngày hội trở thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, góp phần củng cố, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Ngày hội đại đoàn kết toàn dân được 15 huyện, thị xã, thành phố tổ chức vào trước hoặc đúng ngày truyền thống của Ủy ban MTTQ Việt Nam 18/11 không chỉ là dịp để ôn lại những truyền thống vẻ vang của Mặt trận mà còn trở thành một “diễn đàn” ý nghĩa, gần gũi để nhân dân phát huy dân chủ, gửi gắm, chia sẻ những tâm tư, nguyện vọng, trăn trở với lãnh đạo Đảng, chính quyền ở địa phương, cơ sở và cùng nhau tháo gỡ vướng mắc.

Nhận thức ý nghĩa sâu sắc của Ngày hội, các địa phương đều quan tâm bố trí kinh phí, tạo điều kiện cho 100% khu dân cư, tổ dân phố, thôn, buôn tổ chức Ngày hội một cách trang trọng, tiết kiệm và đạt hiệu quả cao.

Tại các điểm tổ chức, diễn ra ngày hội, không khí phấn khởi rộn ràng vui tươi, đoàn kết giữa các dân tộc anh em cùng sinh sống trên địa bàn hiển hiện cụ thể, sống động, dưới sự chứng kiến, hiện diện chia vui của lãnh đạo địa phương.

Nhân dân các dân tộc thôn Hà Bắc (xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn) vui Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc.

Trong khuôn khổ của Ngày hội, các địa phương ngoài lồng ghép tuyên dương, những tập thể, hộ gia đình, cá nhân tích cực hưởng ứng các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước do Ủy ban MTTQ Việt Nam phát động còn tổ chức các hoạt động ý nghĩa như thăm hỏi, tặng quà hỗ trợ các gia đình khó khăn... thể hiện tinh thần tương thân tương ái, sẻ chia với cộng đồng, góp phần tô thắm tình làng, nghĩa xóm, động viên các gia đình có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Qua 20 lần tổ chức ngày hội, đã có 2.520 nhà Đại đoàn kết được bàn giao, giúp các gia đình, đối tượng chính sách gặp khó khăn về nhà ở an cư, lạc nghiệp. Được trao nhà Đại đoàn kết đúng vào dịp tổ chức Ngày hội năm 2022, bà H’Lắp Byă (buôn Mthar 1, xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn) bày tỏ rằng, nhờ vậy bà đã hiểu, cảm nhận sâu sắc ý nghĩa tên gọi của Ngày hội.

Ngoài ra, quá trình tổ chức Ngày hội, các địa phương kết hợp tuyên truyền ý nghĩa của Quỹ Vì người nghèo và nhận được sự hưởng ứng, chung tay đóng góp nhiệt tình của cán bộ, đảng viên, chiến sĩ lực lượng vũ trang và nhân dân trên toàn tỉnh với tổng kinh phí huy động được trên 280 tỷ đồng để Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh triển khai các mặt công tác an sinh xã hội, chăm lo cho người nghèo trên địa bàn tỉnh. Già làng Y Pru Niê (xã Cư Suê, huyện Cư M’gar) vui mừng cho biết, nhiều hộ đồng bào dân tộc trong buôn đã nhận được hỗ trợ kinh phí xây nhà Đại đoàn kết, hỗ trợ con giống từ Quỹ Vì người nghèo để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống.

Đồng chí Y Thanh Hà Niê Kđăm (thứ ba từ bên phải qua), Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội khóa XV thăm hỏi, động viên đồng bào xã Ea Tul (huyện Cư M'gar) trong Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2019.

Một trong những “điểm nhấn” hết sức ý nghĩa mà 20 năm tổ chức Ngày hội đại đoàn kết đạt được là đã góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của từng dân tộc trên địa bàn. Ngoài những hoạt động văn hóa, thể thao được tổ chức sôi nổi, với các trò chơi dân gian độc đáo, Ngày hội còn là dịp trình diễn trang phục, ẩm thực, giao thoa văn hóa truyền thống của các dân tộc; góp phần vận động nhân dân xóa bỏ hủ tục lạc hậu, khích lệ bà con chung tay xây dựng nếp sống văn minh, gìn giữ, phát huy những quy tắc ứng xử tốt đẹp trong cộng đồng. Tham gia Ngày hội, nhân dân còn hiểu rõ hơn về nhiệm vụ xây dựng, phát triển địa phương, thấy được trách nhiệm của mỗi cá nhân, mỗi gia đình trong xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa.

Có thể khẳng định qua 20 năm tổ chức, Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc đã huy động sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng, toàn quân và nhân dân các dân tộc trên địa bàn để thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội, quốc phòng, an ninh của tỉnh. Chính vì vậy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Y Giang Gry Niê Knơng khẳng định, thời gian đến Mặt trận tỉnh tiếp tục tăng cường chỉ đạo các địa phương nghiên cứu, đổi mới nội dung, hình thức theo hướng đơn giản hóa phần lễ, đa dạng hóa phần hội; thay đổi tư duy trong tổ chức Ngày hội, thống nhất và hài hòa với nhu cầu đời sống nhân dân và yêu cầu nhiệm vụ chính trị mỗi địa phương, đặc biệt là triển khai hình thức tổ chức liên khu dân cư nhằm tạo điều kiện trao đổi, học tập lẫn nhau, tạo sự gắn bó, đoàn kết giữa các khu dân cư…

Đăng Triều


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.