Multimedia Đọc Báo in

Huyền thoại những anh hùng

10:46, 27/07/2023

Thuở còn là trẻ nhỏ, thế hệ chúng tôi ai cũng thuộc lòng bài hát: “Một ông sao sáng, hai ông sáng sao, ông thần nông chăn vịt, ông gác cổng thiên tào, ông sao nào cũng đẹp, ông sao nào cũng xinh.

Ôi trời Trị Thiên trong xanh, có nhiều ngôi sao đẹp: Trần Thị Tâm là một, Phạm Thị Liên là hai, anh hùng Vai là ba, Nguyễn Thị Lài là bốn...” mà lúc ấy chúng tôi chưa ai biết rằng đó là những anh hùng, những ngôi sao sáng trong phong trào chống Mỹ.

Thật may mắn, lớn lên được học tập, rồi vào nghề, tôi có cơ hội tiếp xúc với nhiều hình ảnh, tư liệu kể về các anh, các chị và cơ may nhiều lần được gặp gỡ những anh hùng ấy. Trong đó, câu chuyện về Anh hùng lực lượng vũ trang A Vai - gia đình có tới ba người được phong Anh hùng trong thời kỳ chống Mỹ như trong huyền thoại bước ra.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với các đại biểu Anh hùng dũng sĩ miền Nam ra thăm miền Bắc năm 1965 (Hồ Vai - người đứng bên trái của Bác Hồ). Ảnh tư liệu

A Vai - Hồ Đức Vai thuở nhỏ có tên là Cu The, người dân tộc Pa Cô, quê quán ở xã Hồng Bắc, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên. Bố mất từ khi A Vai chưa lọt lòng, mẹ cũng mất sớm. Nhà có ba anh em thì mỗi người đi ở một nơi để kiếm cơm... Lớn lên giữa núi rừng Trường Sơn nghèo khổ, A Vai được cán bộ miền xuôi dìu dắt, giác ngộ và đã tham gia liên lạc bí mật rồi vào du kích, sau đó trở thành xã đội trưởng. Chỉ trong vòng từ năm 1961 đến 1963, Vai đã trực tiếp đánh 42 trận, tiêu diệt gần 50 tên địch chỉ bằng vũ khí tự tạo thô sơ. Bản làng của Vai cách đồn A Lưới khoảng 2 cây số, nhưng sau bao đợt càn quét, địch không tài nào tìm được đường vào. Xã đội trưởng A Vai đã chỉ huy đội du kích thành công trong việc rào làng chiến đấu. Dưới những vành đai cây xanh là những hầm chông được ngụy trang dày đặc gồm 26 thứ bẫy, gần chục loại chông do chính A Vai sáng chế đã làm kinh hồn bạt vía biết bao tên lính Mỹ hung tàn.

Năm 1965, tại Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua toàn miền Nam lần thứ nhất, A Vai vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Sau đại hội này, Vai cùng một số anh hùng chiến sĩ thi đua, thương binh miền Nam vinh dự được ra thủ đô báo công với Bác Hồ và 5 lần được gặp Bác. Những giây phút được ở bên Bác là niềm hạnh phúc lớn nhất trong cuộc đời của ông A Vai. Bác dặn Vai : “Cháu là thanh niên Pa Cô, cháu phải cố gắng học chữ, học được nhiều tiếng phổ thông để phát âm đúng, đọc thông, viết thạo mới phục vụ tốt công việc của mình”…

Theo gương người chú A Vai, hai chị em Kan Lịch và A Nun cũng đã sớm giác ngộ và đi theo cách mạng, trở thành tấm gương sáng chói, niềm tự hào của bà con dân tộc A Lưới.

Bác Hồ với các anh hùng, dũng sĩ miền Nam (Nữ Anh hùng Kan Lịch đứng hàng sau, bên phải). Ảnh tư liệu

Kan Lịch là một trong những nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân đầu tiên trên dải Trường Sơn. Trong những năm 1960, bà đã lãnh đạo đội du kích Hồng Bắc gồm 160 người trực tiếp đánh 49 trận lớn nhỏ. Đặc biệt, năm 1964, đội du kích Hồng Bắc của bà đã bắn rơi máy bay Mỹ, tiêu diệt 60 lính và một viên đại tá Mỹ đi trên máy bay. Chỉ tính riêng từ năm 1961 - 1965, Kan Lịch đã trực tiếp tiêu diệt 150 lính Mỹ - ngụy. Với những thành tích xuất sắc, Kan Lịch đã được tặng Huân chương Quân công giải phóng hạng Ba và danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vào tháng 7/1967. Sau đó bà được đưa ra miền Bắc an dưỡng, học tập, rồi vinh dự được 7 lần gặp Bác Hồ.

Còn A Nun là người được “ghi vào kỷ lục Guinness” gùi đạn dược, lương thực cho chiến trường. Trong những năm từ 1961 đến 1969, A Nun đã gùi được 179 tấn vũ khí, lương thực (tương đương một đoàn xe chiến lược), có lúc gùi tới 192 kg (gấp 3 lần trọng lượng cơ thể), vượt 30 km đường rừng và được báo chí trong - ngoài nước xướng danh, ngợi ca. Với những chiến công đó, A Nun được phong Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vào năm 1969.

 

Nguyễn Đình Dũng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.