Multimedia Đọc Báo in

Nhân “hạt giống đỏ” ở xứ đạo (Kỳ 2)

08:12, 23/08/2023

Kỳ 2: Trăn trở những "khoảng trống"

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực để phát triển cả về số lượng và chất lượng đảng viên là người có đạo, tuy nhiên xét về tổng thể, công tác phát triển đảng viên là người có đạo trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều "khoảng trống".

Còn đó những cái "khó"

Mười năm qua, toàn Đảng bộ xã chưa kết nạp thêm được đảng viên nào là người có đạo, đó là trăn trở của Bí thư Đảng ủy xã Hòa Sơn (huyện Krông Bông) Trương Thị Bích Vân. Hiện nay toàn xã có 350 người theo các tôn giáo: Cao Đài, Phật giáo, Tin lành, nhưng chỉ có một đảng viên có đạo là Bí thư Chi bộ thôn 1 Nguyễn Văn Phước. Nguyên nhân được cho là xuất phát từ thực tế số dân theo các tôn giáo ít (chỉ chiếm gần 3,2%), lại đến từ nhiều địa phương khác nhau nên việc tìm được "tiếng nói chung" là cái khó lớn nhất.

Ít người theo đạo nên khó phát triển đảng viên là người có đạo đã đành; còn ở xã Yang Reh (huyện Krông Bông), trên 62% dân số theo các tôn giáo nhưng tỷ lệ đảng viên có đạo chỉ chiếm 11,3% (18/159 đảng viên). Lý giải về điều này, Bí thư Đảng ủy xã Yang Reh Hoàng Thế Nhân cho rằng, trình độ học vấn thấp, vướng mắc trong xác minh lý lịch và sinh nhiều con là những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến khó khăn trong công tác phát triển đảng viên nói chung và đảng viên là người có đạo nói riêng trên địa bàn xã.

Đồng chí Nguyễn Thanh Huyền, Bí thư Đảng ủy xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin (giữa) trao đổi cùng Mục sư quản nhiệm Chi hội Tin lành buôn Kniết Y Djan Êban về tâm tư, nguyện vọng của tín đồ tôn giáo. Ảnh: H. Chuyên
Đồng chí Nguyễn Thanh Huyền, Bí thư Đảng ủy xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin (giữa) trao đổi cùng Mục sư quản nhiệm Chi hội Tin lành buôn Kniết Y Djan Êban về tâm tư, nguyện vọng của tín đồ tôn giáo. Ảnh: H. Chuyên

Hay như ở phường Bình Tân (thị xã Buôn Hồ), dù có tới 99% dân số là người có đạo, nhưng tỷ lệ đảng viên có đạo chỉ chiếm 38% (35/90 đảng viên). Phần lớn những đảng viên là người có đạo đều tham gia trong hệ thống chính trị. Những người theo đạo không làm “cán bộ” hoặc công tác tại các cơ quan, đơn vị sự nghiệp trên địa bàn lại không có nguyện vọng vào Đảng. Thêm vào đó, việc nâng cao nhận thức, bồi đắp lý tưởng cho đối tượng quần chúng theo các tôn giáo còn nhiều hạn chế. “Đây chính là nỗi trăn trở lớn của cấp ủy địa phương trong công tác phát triển đảng viên trong các tôn giáo”, Bí thư Đảng ủy phường Bình Tân Đoàn Văn Dũng chia sẻ.

Thị xã Buôn Hồ là một trong những địa phương có khá đông người theo các tôn giáo, chiếm tỷ lệ 54,9% dân số. Hiện nay toàn Đảng bộ thị xã có 3.686 đảng viên, trong đó có 148 đảng viên là người có đạo (hơn 4%). Thời gian qua Thị ủy Buôn Hồ đã chỉ đạo các tổ chức cơ sở đảng trên địa bàn tăng cường công tác phát triển đảng viên người có đạo bằng việc thường xuyên xuống cơ sở, nắm bắt tình hình, gần gũi với các chức sắc, chức việc và quần chúng trong các tôn giáo. Tuy nhiên, công tác tạo nguồn phát triển đảng viên là người có đạo vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Thiếu giải pháp, "non" nhận thức

Với tỷ lệ dân số theo các tôn giáo chiếm trên 27%, huyện Krông Búk cũng đang đối mặt với không ít khó khăn trong công tác phát triển đảng viên là người có đạo. Khó khăn nhất mà các cấp ủy cơ sở nơi đây gặp phải đó là số lượng quần chúng là tín đồ tôn giáo trên địa bàn huyện đáp ứng được các điều kiện, tiêu chuẩn kết nạp Đảng theo quy định rất hạn chế. Đặc biệt, trong các tôn giáo không có các tổ chức hội, đoàn thể để quần chúng tham gia sinh hoạt nhằm phát hiện bồi dưỡng kết nạp Đảng.

Đại diện Ban Dân vận Huyện ủy Krông Búk (bên trái) trao đổi tình hình sinh hoạt tôn giáo tại chùa Phước Thọ (thị trấn Pơng Drang, huyện Krông Búk). Ảnh: N.Quỳnh
Đại diện Ban Dân vận Huyện ủy Krông Búk (bên trái) trao đổi tình hình sinh hoạt tôn giáo tại chùa Phước Thọ (thị trấn Pơng Drang, huyện Krông Búk). Ảnh: N.Quỳnh

Theo đánh giá của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, thời gian qua vẫn còn một số cấp ủy đảng và người đứng đầu cấp ủy chưa nhận thức đúng về tầm quan trọng, mục đích, ý nghĩa của công tác kết nạp đảng viên là người có đạo nên chưa quan tâm tạo nguồn, bồi dưỡng kết nạp đảng viên là người có đạo. Một số cấp ủy cấp trên cơ sở chưa kiểm tra, đôn đốc thường xuyên nên kết quả thực hiện còn nhiều hạn chế.

 
"Công tác tạo nguồn, bồi dưỡng kết nạp Đảng ở cơ sở còn gặp nhiều khó khăn do nhận thức và trình độ dân trí của đồng bào có đạo ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều mặt hạn chế. Có những quần chúng là người có đạo rất có uy tín, tích cực hoạt động các phong trào ở địa phương nhưng do vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình, quy định về tiêu chuẩn chính trị nên không đủ điều kiện xem xét kết nạp vào Đảng” - Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Lê Nam Cao.
 
 

Bên cạnh đó, công tác quản lý đảng viên tham gia sinh hoạt tôn giáo và khâu bồi dưỡng, giáo dục quần chúng ưu tú là người có đạo để kết nạp vào Đảng nhiều nơi triển khai chưa chặt chẽ, còn lúng túng và chưa có biện pháp xử lý những đảng viên vi phạm quy định về sinh hoạt tôn giáo. Thậm chí có nơi, cấp ủy cơ sở chưa thực hiện đầy đủ phương châm của Đảng về công tác phát triển đảng viên đối với người có đạo theo Quy định số 06-QĐi/TW của Bộ Chính trị và hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương.

Bên cạnh đó, thực tế ở nhiều địa phương cũng cho thấy, một số tổ chức cơ sở đảng chưa có chương trình, kế hoạch, biện pháp cụ thể để lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức đoàn thể quần chúng, các thôn, buôn, tổ dân phố tạo nguồn, bồi dưỡng cảm tình Đảng là người có đạo để giới thiệu xem xét kết nạp vào Đảng, nên công tác phát triển đảng viên là tín đồ tôn giáo chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Mặt trận Tổ quốc và các hội, đoàn thể ở cơ sở chưa phát huy hết vai trò nòng cốt của mình trong việc tập hợp, phát triển đoàn viên, hội viên là người có đạo. Đồng thời chưa tổ chức và phát động được nhiều phong trào thi đua hay đưa ra các hình thức sinh hoạt phù hợp để phát hiện những quần chúng tích cực, ưu tú nhằm giới thiệu cho tổ chức đảng xem xét kết nạp.

Bên cạnh những khó khăn về nguồn, về hoạt động của cấp ủy, hội, đoàn thể trong tổ chức các phong trào, thì nhận thức về việc vào Đảng của một số người theo tôn giáo có lúc, có nơi chưa đầy đủ cũng là nguyên nhân của tỷ lệ đảng viên là người có đạo thấp. Đơn cử như ở huyện Cư Kuin, tuy công tác phát triển đảng viên là người có đạo đạt được nhiều kết quả, nhưng vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn xuất phát từ nguyên nhân này. Theo Ban Tổ chức Huyện ủy Cư Kuin, hiện nay, một bộ phận quần chúng nhân dân là người có đạo ở vùng Công giáo còn băn khoăn khi đứng vào hàng ngũ của Đảng vì e ngại sẽ bị hạn chế hoạt động của tín đồ theo giáo lý, giáo luật.
 

(Còn nữa)

Khả Như - Nguyễn Hồng

Kỳ cuối: Viết tiếp niềm tin



 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.