Multimedia Đọc Báo in

“Nhịp cầu” thắt chặt tình hữu nghị

07:17, 25/10/2023

Với vai trò là cầu nối thúc đẩy các hoạt động đối ngoại nhân dân, Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia tỉnh Đắk Lắk đã triển khai thực hiện nhiều hoạt động thiết thực, góp phần thắt chặt mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị và hợp tác giữa hai tỉnh Đắk Lắk - Mondulkiri.

Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia tỉnh Đắk Lắk hiện có 1.785 hội viên, tham gia sinh hoạt ở 3 hội huyện (Cư M’gar, Buôn Đôn, Ea Súp), 1 liên chi hội, 15 hội cấp xã, phường, thị trấn và 1 chi hội xã Ja Lơi (của huyện Ea Súp). Ngay từ đầu năm, Thường trực Tỉnh hội đã xây dựng kế hoạch công tác đối ngoại nhân dân, triển khai đến các cấp hội; phối hợp tổ chức tuyên truyền, quán triệt, triển khai các chỉ thị, kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu quả đối ngoại nhân dân trong tình hình mới.

Bên cạnh đó, Tỉnh hội đã phối hợp với các cấp Hội tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến nhân dân, cán bộ, hội viên về kết quả 20 năm công tác phân giới cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia (1999 - 2019); tình đoàn kết, hữu nghị truyền thống, nghĩa cử nhân văn cao đẹp của Việt Nam nhân dịp kỷ niệm ngày giúp Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng (7/1/1979), lịch sử mối quan hệ và những thành tựu đã đạt được nhân Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Campuchia (24/6/1967). Công tác tuyên truyền và tổ chức hoạt động hưởng ứng Năm Hữu nghị Việt Nam - Campuchia 2022 cũng như việc triển khai thực hiện các hiệp định, hiệp ước, quy chế về biên giới giúp cán bộ, đảng viên, hội viên và nhân dân nắm vững quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác đối nội, đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta.

Cuối tháng 3/2023, Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp với Hội Hữu nghị Campuchia - Việt Nam tỉnh Mondulkiri tổ chức thành công Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Bản Ghi nhớ về hợp tác, phát triển quan hệ hữu nghị nhân dân, giai đoạn 2017 - 2022 giữa hai hội tại trụ sở Ủy ban chính quyền tỉnh Mondulkiri. Trên cơ sở các kết quả đã đạt được, hai bên thống nhất ký kết biên bản hợp tác tiếp tục gia hạn bản ghi nhớ để thực hiện trong giai đoạn 2023 - 2028.

Lễ ký kết Biên bản hợp tác giai đoạn 2023 - 2028 giữa Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia tỉnh Đắk Lắk và Hội Hữu nghị Campuchia - Việt Nam tỉnh Mondulkiri. Ảnh: Đặng Lực

Các cơ sở hội đã phối hợp lồng ghép, tuyên truyền mô hình quần chúng tham gia tự quản biên giới, cột mốc, giữ gìn an ninh trật tự khu vực biên giới; phòng, chống dịch bệnh, tội phạm, ma túy, mua bán người, vượt biên trái phép. Đồng thời, tuyên truyền về quan hệ hữu nghị, truyền thống tốt đẹp giữa hai nước Việt Nam - Campuchia, giữa hai tỉnh Đắk Lắk và Mondulkiri, nhất là những bước phát triển trong quan hệ giữa hai nước, hai tỉnh; trách nhiệm của lực lượng vũ trang hai bên biên giới trong hợp tác xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới; tuyên truyền về tinh thần cảnh giác trước những âm mưu và hành động chống phá của các thế lực thù địch, làm ảnh hưởng đến tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai dân tộc và nhân dân hai nước, nhất là nhân dân khu vực biên giới.

Ông Phạm Quang Hùng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia tỉnh Đắk Lắk cho biết, cùng với công tác tuyên truyền, các cấp hội trong tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm thắt chặt tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Campuchia, giữa hai tỉnh Đắk Lắk và Mondulkiri. Nhân dịp lễ, Tết, Thường trực tỉnh Hội đã tổ chức đoàn thăm, chúc tết 7 đồn biên phòng và Tiểu đoàn huấn luyện cơ động của tỉnh Đắk Lắk cùng 6 đồn thuộc Ty Công an và Tiểu khu Quân sự tỉnh Mondulkiri trên tuyến biên giới Đắk Lắk - Mondulkiri; gửi thư chúc mừng đến Hội Hữu nghị Campuchia - Việt Nam tỉnh Mondulkiri và tổ chức thăm, tặng quà nhân dịp Tết Chol Chnam Thmay; thăm, tặng quà các hộ dân người Việt gốc Campuchia đang sinh sống tại xã Krông Na (huyện Buôn Đôn).

Các đơn vị, cơ quan, chính quyền địa phương tổ chức đoàn phối hợp với các đồn biên phòng gặp gỡ, tặng quà lực lượng bảo vệ biên giới của bạn. Phát huy truyền thống “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, Thường trực Tỉnh hội cũng đã đến thăm, tặng quà cho Mẹ Việt Nam Anh hùng, các gia đình chính sách, người có công là hội viên của hội có đóng góp tích cực trong công tác đối ngoại nhân dân trên địa bàn các cấp hội.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.