Multimedia Đọc Báo in

Vạch trần luận điệu xuyên tạc “Tây Nguyên là vùng đất cô lập, bị ngăn cách với thế giới”

07:04, 18/10/2023

Tây Nguyên là địa bàn quan trọng, có vị trí chiến lược trọng yếu cả về chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của Việt Nam. Những năm qua, các thế lực thù địch không ngừng gia tăng các hoạt động chống phá, kích động bạo lực trên địa bàn này.

Thời gian gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện các bài viết nhân danh tôn giáo, nhân quyền để xuyên tạc tình hình chính trị, kinh tế, xã hội ở Tây Nguyên, cho rằng Tây Nguyên “bị ngăn cách với thế giới”, “bị cô lập”; đồng thời, bôi đen sự thật khi cho rằng người Thượng bị “ngăn cản”, cấm ra nước ngoài…

Tây Nguyên chưa bao giờ “bị ngăn cách với thế giới”

Theo Tổng cục Thống kê, trước năm 1975, dân số vùng Tây Nguyên chưa đến 1 triệu người, nhưng hiện nay do nhiều đợt di dân nên đã có hơn 5 triệu người (tăng hơn 5 lần trong vòng 40 năm qua). Địa bàn Tây Nguyên hiện có đủ 54 dân tộc anh em cùng sinh sống và là vùng có đông thành phần dân tộc nhất Việt Nam. Cộng đồng đa dạng các dân tộc đã tạo nên những sắc thái cuộc sống đa dạng, bức tranh văn hóa đa màu, sinh động, vừa đa dạng vừa thống nhất... ở vùng đất này. Bên cạnh đó, qua thống kê từ 2019 đến nay, chỉ tính riêng tỉnh Đắk Lắk đã có hơn 62.702 lượt người nước ngoài đến tham quan, làm việc, du lịch, trong đó có 332 Việt kiều là người dân tộc thiểu số sinh sống ở nước ngoài về thăm thân; số công dân được cấp hộ chiếu lên đến 70.337 trường hợp.

Đồng bào Tây Nguyên luôn là một phần “máu thịt” của cộng đồng các dân tộc Việt Nam; từng đồng cam cộng khổ và kiên cường đấu tranh chống lại sự áp bức, bóc lột của phong kiến, thực dân, đế quốc, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đứng lên đấu tranh, cùng với nhân dân cả nước giành lại độc lập, tự do.  

Cuộc sống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên ngày càng được nâng cao (trong ảnh: Một góc trung tâm xã Ea Tul, huyện Cư M''gar). Ảnh: Hoàng Minh

Tây Nguyên đang ngày càng phát triển

Đánh giá đúng vị trí chiến lược và vai trò đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của Tây Nguyên, Đảng và Nhà nước Việt Nam không chỉ quan tâm lãnh đạo, chăm lo đầu tư xây dựng, phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng… của vùng Tây Nguyên mà còn đặc biệt quan tâm phát triển vùng đất này trên tinh thần làm tốt kinh tế, xã hội sẽ góp phần quan trọng vào ổn định chính trị, trật tự xã hội; và ngược lại, ổn định tốt tình hình để yên tâm phát triển kinh tế – xã hội như Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Quan điểm “Xây dựng và phát triển Tây Nguyên kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường gắn chặt với quốc phòng, an ninh và đối ngoại” trong Nghị quyết 23 đã và đang được triển khai. Đó chính là, phát triển hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông, như hệ thống đường bộ toàn vùng kết nối các tỉnh Tây Nguyên, mở rộng cơ hội giao thương với các trung tâm lớn cả nước và các nước trong khu vực, hệ thống giao thông liên cửa khẩu nối liền Tây Nguyên với Campuchia và Lào, qua các cửa khẩu Đắk Ruê (Đắk Lắk), Lệ Thanh (Gia Lai), Bờ Y (Kon Tum). Đường hàng không phát triển với ba sân bay Liên Khương (Lâm Đồng), Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) và Pleiku (Gia Lai); đường Hồ Chí Minh cùng đường hành lang kinh tế Đông - Tây đi qua các tỉnh vùng Tây Nguyên, các dự án đường cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột, cao tốc Đắk Nông – Bình Phước, cao tốc Dầu Giây – Liên Khương đang dần hình thành. Phát triển y tế, giáo dục và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua việc mở rộng hệ thống trường đại học, trường dạy nghề…

Đó là thực hiện các chính sách để nâng cao trình độ dân trí, đời sống vật chất và tinh thần của người dân Tây Nguyên; hình thành nếp sống văn minh, gia đình văn hóa trong đồng bào các dân tộc. Đồng thời, việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo, truyền thống tốt đẹp, các di tích lịch sử, văn hóa tiêu biểu các dân tộc Tây Nguyên gắn liền với việc duy trì, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa tiêu biểu đặc trưng của vùng và di sản văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số để chuyển Tây Nguyên từ trạng thái “ổn định để phát triển” sang “phát triển để ổn định”… như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khẳng định tại Hội nghị triển khai Nghị quyết 23 ngày 20/11/2022 đã cho thấy những nhận định của các đối tượng thù địch là không khách quan, là xuyên tạc sự thật.

Luận điệu cho rằng Tây Nguyên và người Thượng “bị ngăn cách với thế giới”, “bị cô lập”, bị “cấm ra nước ngoài” rõ ràng là âm mưu của các thế lực thù địch nhằm lừa bịp và chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, kích động tư tưởng ly khai và chống phá chính quyền của một số đối tượng cực đoan, nhẹ dạ cả tin trong đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.

Hoa Hướng Dương


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.