Multimedia Đọc Báo in

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV: Thông qua Luật Viễn thông (sửa đổi) và thảo luận dự án Luật Đường bộ

14:45, 24/11/2023

Sáng 24/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6 với các nội dung quan trọng.

Thông qua Luật Viễn thông (sửa đổi)

Trình bày báo cáo tóm tắt giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, ngày 25/10/2023, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi). Trên cơ sở ý kiến của các ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp chặt chẽ với Cơ quan chủ trì soạn thảo, các cơ quan hữu quan tiếp thu, chỉnh lý, rà soát kỹ lưỡng nội dung và kỹ thuật lập pháp. Ngày 23/11/2023, UBTVQH đã có Báo cáo đầy đủ số 694/BC-UBTVQH15 giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi).

Về dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet (khoản 8 Điều 3 và Điều 28), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, có ý kiến đề nghị làm rõ dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet có phải là một loại hình dịch vụ viễn thông hay không; nếu đúng thì phải đáp ứng tất cả các nghĩa vụ của các dịch vụ viễn thông truyền thống; nếu không phải thì cần định nghĩa lại để tránh sự nhầm lẫn trong cách hiểu, áp dụng và thực thi pháp luật. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp. Ảnh: quochoi.vn
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

Nội dung này cũng đã được UBTVQH báo cáo trước Quốc hội tại phiên họp ngày 25/10/2023. Dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet cung cấp các tính năng tương đương với dịch vụ viễn thông cơ bản (tin nhắn, thoại, hội nghị truyền hình), cung cấp tính năng chính là gửi, truyền, nhận thông tin giữa hai hoặc một nhóm người sử dụng dịch vụ viễn thông trên Internet. Các dịch vụ giống nhau cần được điều chỉnh bởi cùng một Luật, bảo đảm sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống. 

Trên thế giới, nhiều quốc gia đã quy định dịch vụ này là dịch vụ viễn thông và được quản lý theo pháp luật về viễn thông. 

Do đó, dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet là một loại dịch vụ viễn thông, được điều chỉnh trong Luật Viễn thông. Tuy nhiên, dịch vụ này có đặc điểm là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không sở hữu hạ tầng mạng, không được phân bổ tài nguyên viễn thông nên dự thảo Luật đã chỉnh lý theo hướng quy định theo phương thức “quản lý nhẹ” , chỉ phải tuân thủ một số quy định về nghĩa vụ như tại khoản 2 Điều 28 dự thảo Luật. Với phân tích nêu trên, UBTVQH thấy rằng tên gọi “dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet” đã thể hiện được các đặc tính của dịch vụ này. Do vậy, xin giữ tên gọi này như trong dự thảo Luật. 

Về Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích (Điều 31), có ý kiến đề nghị không quy định đối tượng được miễn, giảm đóng góp vào Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam để đảm bảo công bằng và minh bạch giữa các doanh nghiệp viễn thông.

UBTVQH đề nghị được giữ quy định về quản lý hoạt động viễn thông công ích như Điều 32 dự thảo Luật; đồng thời, giao Chính phủ quy định cụ thể việc miễn, giảm đóng góp vào Quỹ để phù hợp với tình hình thực tế (khoản 2 Điều 32).

hủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi). Ảnh: quochoi.vn
hủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi). Ảnh: quochoi.vn

Bởi việc miễn, giảm đóng góp tài chính của doanh nghiệp vào Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam sẽ góp phần tạo điều kiện cho doanh nghiệp tập trung nguồn lực để “khuyến khích doanh nghiệp tư nhân có đủ năng lực tham gia xây dựng hạ tầng viễn thông và các hạ tầng khác cho chuyển đổi số quốc gia” theo chủ trương của Đảng.

Bên cạnh đó, kinh nghiệm quốc tế cho thấy nhiều nước  có quy định miễn đóng góp cho doanh nghiệp viễn thông vào quỹ phổ cập dịch vụ viễn thông công ích trong một số trường hợp.

Giải trình về tài nguyên viễn thông (Chương VI), có ý kiến đề nghị những số thuê bao dịch vụ viễn thông cũng cần được chia ra các nhóm để đánh giá đúng giá trị, giảm thiểu trường hợp bỏ cọc khi đấu giá và giao Bộ Thông tin và Truyền thông quy định chi tiết. Đề nghị giải trình các biện pháp để kiểm soát việc bỏ tiền đặt cọc tham gia đấu giá kho số viễn thông, UBTVQH đề nghị được giữ quy định về đấu giá kho số viễn thông như trong dự thảo Luật.

Lý do là việc đánh giá để phân nhóm theo giá trị các số thuê bao có cấu trúc đặc biệt là khó khả thi vì phụ thuộc vào nhiều yếu tố như quan niệm của người sử dụng, vùng, miền. 

Việc người trúng đấu giá bỏ tiền đặt cọc là một vấn đề đang xảy ra trong việc đấu giá các loại tài sản đấu giá hiện nay như đất đai, biển số xe ô tô...

Luật Đấu giá tài sản năm 2016 quy định người trúng đấu giá có trách nhiệm thanh toán đầy đủ tiền mua tài sản đấu giá theo thỏa thuận trong hợp đồng mua bán tài sản đấu giá (điểm b khoản 2 Điều 48); trường hợp bỏ tiền đặt cọc là vi phạm thỏa thuận trong hợp đồng mua bán tài sản đấu giá và thực hiện theo pháp luật về dân sự. 

Đại biểu bấm nút biểu quyết thông qua Luật Viễn thông (sửa đổi). Ảnh: quochoi.vn
Đại biểu bấm nút biểu quyết thông qua Luật Viễn thông (sửa đổi). Ảnh: quochoi.vn

Về điều khoản thi hành (Chương X), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo rà soát các quy định trong dự thảo Luật về quản lý dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây, dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet và đề nghị thời gian hiệu lực thi hành đối với các dịch vụ này là từ ngày 01/1/2025 để phù hợp với thực tiễn.

Tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo chỉnh lý điều khoản chuyển tiếp trong dự thảo Luật theo hướng không yêu cầu cấp đổi giấy phép…

Sau khi nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi), Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua dự thảo luật này. Kết quả, có 468 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 94,74 %). Như vậy, với đa số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Viễn thông (sửa đổi).

Tăng cường trách nhiệm trong quản lý hoạt động vận tải đường bộ

Thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đường bộ, đại biểu cơ bản đồng tình với Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội. Theo đại biểu, sau 14 năm triển khai thực hiện Luật Giao thông đường bộ năm 2008, đã đạt được những kết quả nhất định, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động GTVT đường bộ, góp phần hình thành ý thức tuân thủ pháp luật của người tham gia giao thông, đảm bảo trật tự giao thông trên toàn quốc.

Tuy nhiên thực tiễn đã xuất hiện một số bất cập và tồn tại các vấn đề mới phát sinh, nhất là trước sự phát triển của hạ tầng giao thông, sự gia tăng nhanh chóng của số lượng phương tiện tại các thành phố lớn, các cửa ngõ ra vào các tỉnh, thành phố thường xuyên xảy ra lưu lượng tham gia giao thông tăng đột biến, gây tắc nghẽn trên diện rộng và tai nạn giao thông vẫn còn diễn ra ở mức độ nghiêm trọng.

Đại biểu tham dự phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn
Đại biểu tham dự phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn

Do đó, Chính phủ đã nghiên cứu Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thành 2 luật là Luật Đường bộ và Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ (TTATGTĐB) để xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 là phù hợp với thực tiễn.

Về áp dụng pháp luật, qua nghiên cứu, đại biểu nhận thấy, vẫn còn khá nhiều trường hợp có nội dung, nội hàm còn chồng chéo, đan xen lẫn nhau về trách nhiệm và thẩm quyền giữa Luật Đường bộ và Luật TTATGTĐB.

Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát thận trọng, tính toán kỹ lưỡng để thể chế hóa thành các quy phạm pháp luật sát với thực tiễn, sát với phát sinh trong đời sống, để giải quyết một cách khoa học, căn cơ và tiến bộ.

Quan tâm đến phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ, đại biểu nhấn mạnh, vận tải đường bộ là lĩnh vực liên quan trực tiếp đến quyền tự do đi lại của người dân và cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và đời sống Nhân dân.

Do đó, cần tiếp tục rà soát kỹ lưỡng để phù hợp với thực tiễn, bảo đảm tính khả thi; tăng cường trách nhiệm trong công tác quản lý hoạt động vận tải đường bộ và kiểm soát kỹ thuật, tải trọng phương tiện, xây dựng và bảo trì công trình đường bộ. Trong mọi hoạt động liên quan đến đường bộ như xây dựng, quản lý, bảo trì, duy tu kết cấu hạ tầng; tổ chức giao thông; quản lý vận tải,... đều phải hướng đến mục tiêu bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Đại biểu đề nghị cần có quy định cụ thể về việc phối hợp giữa các ngành có liên quan trong xây dựng, quản lý, bảo trì, duy tu kết cấu hạ tầng đường bộ để góp phần giải quyết triệt để vấn đề này trong thời gian tới.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng giải trình, làm rõ ý kiến đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận. Ảnh: quochoi.vn
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng giải trình, làm rõ ý kiến đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận. Ảnh: quochoi.vn

Ngoài ra, vấn đề ách tắc, ùn nghẽn giao thông hiện nay tại các tuyến đường chính giờ cao điểm một số thành phố lớn mặc dù đã đưa ra nhiều biện pháp nhưng chưa thực sự giải quyết ổn thỏa thuận. Đại biểu đề nghị bổ sung nội dung ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng gắn với lộ trình hạn chế phương tiện cá nhân tham gia giao thông tại các đô thị lớn.

Về chính sách phát triển đối với hoạt động đường bộ, đại biểu đề nghị ban soạn thảo cần nghiên cứu để đề xuất các thành các chính sách nhằm huy động tối đa mọi nguồn lực để xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn, nhất là các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa như có chính sách ưu tiên đối với các doanh nghiệp thực hiện việc đầu tư xây dựng đối với hạ tầng giao thông tại các khu vực và việc huy động xã hội hóa…

Trường hợp các quy định trong dự thảo luật đã có nội dung liên quan, đại biểu kiến nghị ban soạn thảo giải thích rõ hơn về tác động tích cực của các quy định đối với việc cải thiện điều kiện giao thông ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo, vùng dân tộc thiểu số trong quá trình thi hành luật.

Về sử dụng hành lang an toàn giao thông đường bộ, đại biểu cho rằng cần quy định cụ thể chặt chẽ hơn về cơ chế kiểm soát hoạt động của người sử dụng đất trên phạm vi đất hành lang an toàn đường bộ chưa được Nhà nước thu hồi để tránh phát sinh những vấn đề phức tạp.

Về vận tải hành khách bằng xe ô tô, đại biểu đề nghị có giải pháp và chế tài để gắn chặt chẽ hơn nữa gắn trách nhiệm của doanh nghiệp đối với lái xe bị vi phạm; đồng thời bổ sung quy định về Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế phối hợp lưu trữ những thông tin hồ sơ của những lái xe dương tính với chất ma túy để có thể chia sẻ đối với đến với tất cả các đơn vị chức năng, doanh nghiệp để kiểm tra khi tuyển dụng…

Lan Anh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.