Việt Nam nỗ lực thúc đẩy, bảo vệ, bảo đảm quyền con người
Cách đây 75 năm, vào ngày 10/12/1948, Đại hội đồng Liên hiệp quốc (LHQ) thông qua “Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền” và chọn ngày 10/12 hằng năm là Ngày Nhân quyền thế giới.
Đây là nỗ lực đầu tiên của tất cả các quốc gia thành viên LHQ về việc tập hợp toàn diện trong một tài liệu duy nhất, cam kết bảo vệ các quyền tự do cơ bản của con người với mục đích thiết lập một tiêu chuẩn chung cho tất cả mọi người ở tất cả các quốc gia, có ý nghĩa nhân văn cao cả, đến nay vẫn còn nguyên giá trị, đã và đang là mục tiêu phấn đấu của toàn thể nhân loại.
Bản Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền gồm lời mở đầu và 30 điều khoản, nội dung ngắn gọn, súc tích, có ý nghĩa phổ quát, đặt ra hai phạm trù rộng lớn của các quyền và tự do - quyền dân sự ở cả phương diện chính trị cũng như phương diện về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa. Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền đã chính thức đề cập về quyền sống (hay quyền được sống) là quyền cơ bản và quan trọng nhất của con người, và đây cũng là một trong những nội dung quan trọng của nhân quyền, tại Điều 3: “Mọi người đều có quyền sống, quyền tự do và an toàn cá nhân”. Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền là nền tảng cho hai công ước cơ bản về nhân quyền năm 1966, gồm Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị (ICCPR) và Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (ICESCR), cũng như các văn kiện quốc tế khác về nhân quyền trong nhiều lĩnh vực được thông qua sau này.
Tại Việt Nam, sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh cho ban bố một loạt chính sách để thực thi các quyền tự do, dân chủ đã nêu trong Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Xuyên suốt quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Đảng và Nhà nước ta luôn nhất quán trong tôn trọng và bảo vệ quyền con người. Các nguyên tắc và giá trị về quyền con người, về tự do, dân chủ đã được thể chế hóa qua hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật mà cao nhất là Hiến pháp các năm 1946, 1959, 1980, 1992, 2013. Đặc biệt, Hiến pháp năm 2013 gồm 11 chương (120 điều) dành riêng một chương có số lượng điều luật nhiều nhất là 36 điều (từ Điều 14 đến Điều 49) quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.
Việt Nam đã được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc nhiệm kỳ 2023-2025 (Nguồn: Báo Điện tử Chính phủ) |
Trong công cuộc đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng về quyền dân chủ, quyền con người trên tất cả các lĩnh vực, đạt được những tiến bộ vượt bậc về xóa đói giảm nghèo, phát triển con người và chất lượng cuộc sống. Với những thành tựu về bảo đảm quyền con người, Việt Nam được sự tín nhiệm, đánh giá cao của cộng đồng quốc tế, đã hai lần trúng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ (nhiệm kỳ 2008 - 2009 với số phiếu ủng hộ 183/192 phiếu và nhiệm kỳ 2020 - 2021 với số phiếu cao kỷ lục 192/193 phiếu), và hai lần trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ (nhiệm kỳ 2014 – 2016 với số phiếu 184/193, cao nhất trong số 14 nước trúng cử, và lần thứ hai, nhiệm kỳ 2023 – 2025 với số phiếu 145/189). Cũng ngay trong khóa họp đầu tiên đảm nhận cương vị thành viên Hội đồng nhân quyền, Việt Nam đã để lại dấu ấn nổi bật trong công tác soạn thảo, đề xuất Hội đồng Nhân quyền LHQ đồng thuận thông qua Nghị quyết kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền (UDHR) và 30 năm Tuyên bố và Chương trình hành động Viên (VDPA).
Hiện nay Việt Nam đã tham gia hầu hết các công ước quốc tế về nhân quyền: Công ước về các quyền dân sự và chính trị 1966 (ICCPR), Công ước về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa 1966; Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ; Công ước về quyền trẻ em và hai nghị định thư bổ sung về trẻ em trong xung đột vũ trang; Công ước về quyền của người khuyết tật; Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người. Đồng thời, Việt Nam cũng nỗ lực xây dựng hệ thống pháp luật quốc gia, nội luật hóa các nguyên tắc, tiêu chuẩn của quốc tế về quyền con người để bảo đảm sự hài hòa trong thực thi pháp luật quốc gia với pháp luật quốc tế.
Đất nước ta đã đạt được những kết quả, thành tựu to lớn trên lĩnh vực thúc đẩy, bảo vệ, bảo đảm quyền con người. Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định lấy “Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới…; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu” là những định hướng quan trọng để Việt Nam tiếp tục xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân ngày càng tốt hơn.
Ngô Minh Thuận
Ý kiến bạn đọc