Trả lời kiến nghị của cử tri trước và sau Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV
LTS: Trước và sau Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh đã tổ chức tiếp xúc cử tri, tổng hợp nội dung kiến nghị của cử tri, báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam để báo cáo tại kỳ họp Quốc hội theo quy định; đồng thời chuyển đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét giải quyết. Trên cơ sở nội dung kiến nghị của cử tri do Đoàn ĐBQH tỉnh chuyển đến, các cơ quan Trung ương, UBND các cấp, các sở, ngành liên quan đã xem xét, giải quyết và có văn bản trả lời.
Báo Đắk Lắk xin giới thiệu trích lược nội dung trả lời kiến nghị của cử tri.
I. Các bộ, ban, ngành Trung ương trả lời
1. Cử tri đề nghị quan tâm xem xét điều chỉnh bổ sung dự toán khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) năm 2023 của tỉnh Đắk Lắk nhằm đảm bảo nguồn kinh phí khám chữa bệnh BHYT năm 2023.
Bộ Y tế trả lời: Bộ Y tế đã xây dựng và tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định số 75/2023/NĐ-CP, ngày 19/10/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP, ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT, trong đó đã bãi bỏ quy định về tổng mức thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT, thực hiện thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT theo phương thức thanh toán theo giá dịch vụ được áp dụng từ ngày 1/1/2019.
Khoản 5, Điều 36 Nghị định số 75/2023/NĐ-CP đã quy định việc tạm ứng, thanh toán, quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện hằng quý theo đúng quy định tại Khoản 1 và 2, Điều 32 Luật BHYT. Do vậy, nguồn kinh phí khám chữa bệnh BHYT không bị ảnh hưởng.
2. Cử tri kiến nghị: Hiện nay trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, tỷ lệ hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) còn cao. Khi các xã được công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) thì các hộ đồng bào DTTS không còn được hưởng chế độ BHYT, trong khi rất nhiều hộ gia đình có đời sống còn khó khăn, không có đất canh tác, khi bị đau ốm không có điều kiện khám chữa bệnh vì không có tiền mua BHYT, do đó đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan xem xét tiếp tục có chế độ hỗ trợ BHYT cho đồng bào DTTS.
Bộ Y tế trả lời: Nghị định số 75/2023/NĐ-CP nêu trên đã bổ sung đối tượng người DTTS đang sinh sống tại địa bàn các xã khu vực II, khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2016 - 2020 mà các xã này không còn trong danh sách các xã khu vực II, khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ vào nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ 70% mức đóng trong thời gian 36 tháng kể từ ngày 1/11/2023.
Người dân sử dụng bảo hiểm y tế để đăng ký khám bệnh tại cơ sở y tế tư nhân. |
3. Cử tri đề nghị xem xét, rà soát để phân bổ biên chế viên chức phù hợp với tình hình của từng địa phương, cân nhắc đối với các tỉnh, thành phố là vùng núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào DTTS; nếu thực hiện việc tinh giản biên chế theo lộ trình 2,5% hằng năm (từ năm 2022 - 2025) và 2% hằng năm (từ năm 2026 - 2030) sẽ làm mất cân đối cũng như phát sinh nhiều khó khăn hơn cho địa phương. Cử tri cũng đề nghị Bộ Nội vụ xem xét, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Tổ chức Trung ương, Thủ tướng Chính phủ giảm tỷ lệ tinh giản biên chế đến năm 2030 xuống còn 5% so với số giao năm 2021 hoặc xin cơ chế phù hợp đối với các địa phương có điều kiện kinh tế khó khăn như tỉnh Đắk Lắk.
Bộ Nội vụ trả lời: Tinh giản biên chế gắn với sắp xếp lại tổ chức bộ máy, cơ cấu lại và đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là chủ trương lớn của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, yêu cầu tất cả các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị phải thực hiện, bảo đảm giai đoạn 2022 - 2026 giảm ít nhất 5% biên chế công chức và 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021 (không bao gồm biên chế sự nghiệp hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp) theo Kết luận số 28-KL/TW và Kết luận số 40-KL/TW của Bộ Chính trị; đồng thời Bộ Chính trị đã phê duyệt biên chế công chức và biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước đối với từng địa phương đến năm 2026, trong đó có tỉnh Đắk Lắk (tại Quyết định số 72-QĐ/TW, ngày 18/7/2022 về biên chế các cơ quan đảng, MTTQ, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương và các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy khối trực thuộc Trung ương giai đoạn 2022 - 2026).
Mặt khác, theo Quy định số 70-QĐ/TW, ngày 18/7/2022 của Bộ Chính trị về quản lý biên chế của hệ thống chính trị; Quyết định số 72-QĐ/TW, ngày 18/7/2022 thì Ban Tổ chức Trung ương trực tiếp quản lý biên chế các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy khối trực thuộc Trung ương (bao gồm cả biên chế của chính quyền địa phương); Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy trực tiếp quản lý biên chế được giao, lãnh đạo, chỉ đạo triển khai giao biên chế cho các cơ quan, địa phương, đơn vị bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả, đúng quy định. Do đó, đề nghị cử tri có ý kiến với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk để xin ý kiến Ban Tổ chức Trung ương về việc điều chỉnh tỷ lệ tinh giản biên chế của tỉnh.
Lan Anh (tổng hợp)
(Còn nữa)
Ý kiến bạn đọc