Xây dựng đội ngũ cán bộ y tế “sáng y đức, giỏi y thuật”
Xây dựng nền y học Việt Nam vững mạnh, trong đó vấn đề xây dựng đội ngũ cán bộ y tế Việt Nam mẫu mực về y đức, giỏi y lý, y thuật được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm. Tư tưởng Hồ Chí Minh về y đức đã trở thành cốt lõi tư tưởng của mọi hoạt động xây dựng và phát triển của ngành y tế.
Người khẳng định, y đức của người cán bộ y tế là “phải có chí chịu khó, chịu khổ, phải giàu lòng bác ái, hy sinh”. Trong mọi hoàn cảnh, người cán bộ y tế phải đặt quyền lợi, tính mạng của bệnh nhân lên trên hết, trước hết; phải có lòng bao dung, vị tha, hết mực yêu thương người bệnh; không phân biệt đối xử, với cái tâm trong sáng, với bản lĩnh vững vàng trước mọi hoàn cảnh hay trước những tác động tiêu cực từ bên ngoài, để giữ vững lương tâm, y đức; lấy phục vụ, chăm sóc sức khỏe của người bệnh, của nhân dân làm phương châm, lẽ sống; không vi phạm chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp.
Theo đó, y đức của người cán bộ y tế được thể hiện ở ba phương diện:
Với người bệnh: đó là tinh thần làm trách nhiệm cao, tận tụy phục vụ, hết lòng thương yêu, chăm sóc người bệnh. Trong thư gửi Hội nghị Quân y (tháng 3/1948), Bác nhắn nhủ: “Người thầy thuốc chẳng những có nhiệm vụ cứu chữa bệnh tật mà còn phải nâng đỡ tinh thần những người ốm yếu”. Trong Thư gửi Hội nghị cán bộ y tế toàn quốc năm 1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn cán bộ y tế cần phải: “Thương yêu người bệnh như anh em ruột thịt. Cần phải tận tâm, tận lực phụng sự nhân dân. “Lương y phải kiêm từ mẫu””.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Viện Mắt Trung ương. (Ảnh Tư liệuTTXVN) |
Trong Thư gửi Hội nghị cán bộ y tế, ngày 27/2/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi gắm: “Thương yêu người bệnh - Người bệnh phó thác tính mạng nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ gìn sức khỏe cho đồng bào. Đó là nhiệm vụ vẻ vang. Vì vậy, cán bộ y tế phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh, em ruột thịt của mình coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn. “Lương y phải như từ mẫu”, câu nói ấy rất đúng”.
Với đồng nghiệp: Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Trước hết là phải thật thà đoàn kết - Đoàn kết là sức mạnh của chúng ta. Đoàn kết thì vượt được mọi khó khăn, giành được nhiều thành tích. Đoàn kết giữa cán bộ cũ và cán bộ mới. Đoàn kết giữa tất cả những người trong ngành y tế, từ các bộ trưởng, thứ trưởng, bác sĩ, dược sĩ cho đến các anh em giúp việc. Bởi vì công việc và địa vị tuy có khác nhau, nhưng người nào cũng là một bộ phận cần thiết trong ngành y tế, trong việc phục vụ nhân dân”. Rõ ràng, đó là tinh thần đoàn kết, tương trợ, thân ái giúp đỡ nhau hoàn thành nhiệm vụ nhằm mục đích bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Với bản thân: Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắn nhủ: “Đoàn kết chặt chẽ, nêu cao tinh thần tập thể, thi đua học tập và công tác để tiến bộ không ngừng về chính trị, tư tưởng, về chuyên môn kỹ thuật. Luôn luôn ghi nhớ rằng người thầy thuốc giỏi đồng thời phải là người mẹ hiền, hết lòng hết sức cứu chữa và phục vụ thương binh, bệnh binh, tích cực nâng cao sức khỏe của bộ đội, góp phần cùng toàn quân, toàn dân đẩy mạnh sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn”. Bởi vậy, Người nhắc nhở các nhân viên y tế: “Về chuyên môn: Cần thường xuyên học tập nghiên cứu để luôn luôn tiến bộ. Về chính trị: Cần trau dồi tư tưởng và đạo đức của người cán bộ trong chế độ dân chủ: yêu nước, yêu dân, yêu nghề, đoàn kết nội bộ, thi đua học tập, thi đua công tác”.
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh, nhiều năm qua, Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết về công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, trong đó luôn nhấn mạnh vấn đề y đức của đội ngũ cán bộ y tế. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, khóa VII (1993) đã nêu rõ: “Đào tạo một đội ngũ cán bộ có cơ cấu đồng bộ, thích hợp với từng giai đoạn phát triển của hệ thống y tế, giáo dục y đức và tinh thần phục vụ, truyền thống “thầy thuốc như mẹ hiền”, bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng phù hợp với nhiệm vụ được giao”.
Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 25/10/2017 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới nhấn mạnh: “Nghề y là một nghề đặc biệt. Nhân lực y tế phải đáp ứng yêu cầu chuyên môn và y đức; cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt”. Do vậy, phải “xây dựng đội ngũ cán bộ y tế “Thầy thuốc phải như mẹ hiền”, có năng lực chuyên môn vững vàng, tiếp cận trình độ quốc tế”.
Điều 25, Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân năm 1989 quy định rõ trách nhiệm của thầy thuốc: “Thầy thuốc phải có y đức, có tinh thần trách nhiệm, tận tình cứu chữa người bệnh; chấp hành nghiêm chỉnh các quy định chuyên môn nghiệp vụ, kỹ thuật y tế... Nghiêm cấm hành vi vô trách nhiệm trong cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh làm tổn hại đến sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm của người bệnh”.
Ngày 23/3/1996, Bộ Y tế ra Chỉ thị số 04-BYT về vấn đề y đức; Quyết định số 2088/BYT-QĐ, ngày 6/11/1996 về 12 điều về y đức; Thông tư số 07/2014/ TT-BYT, ngày 25/02/2014 quy định về quy tắc ứng xử của công chức, viên chức, người lao động các cơ sở y tế; Quyết định 2151/QĐ-BYT, ngày 4/6/2015 phê duyệt kế hoạch thực hiện “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh”…
Nghề y là một nghề cao quý, được xã hội tôn vinh, chính vì thế, hơn lúc nào hết, đội ngũ cán bộ y tế không ngừng tự tu dưỡng, rèn luyện nâng cao y đức, đảm bảo tốt nhất chất lượng, hiệu quả khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân, xứng đáng với truyền thống tốt đẹp của dân tộc, với lòng tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Cẩm Trang
Ý kiến bạn đọc