Multimedia Đọc Báo in

“Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người”

08:31, 08/03/2024

Hồ Chí Minh là một trong những nhà tư tưởng đầu tiên của Việt Nam đặt vị thế, vai trò của phụ nữ ngang với nam giới. Người cũng là một trong những lãnh tụ tiêu biểu của thế giới đề cao sự nghiệp giải phóng phụ nữ - “một nửa loài người”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nói phụ nữ là nói phân nửa xã hội. Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người. Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ một nửa”.

Vì vậy, Người luôn coi nhiệm vụ giải phóng phụ nữ gắn liền với sự nghiệp cách mạng, với giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Giải phóng phụ nữ là một cơ sở quan trọng để bảo đảm quyền bình đẳng nam nữ được thực hiện trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội.

Giải phóng phụ nữ, hiểu theo nghĩa rộng là phát huy vai trò, năng lực của phụ nữ, nâng cao vị thế của phụ nữ trong mọi mặt đời sống, từ trong gia đình tới xã hội, cả về kinh tế và chính trị. Hồ Chí Minh cho rằng muốn giải phóng phụ nữ thì trước hết là giải phóng họ khỏi sự trói buộc của tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, khỏi sự bất công ngay trong gia đình của mình, tạo điều kiện để phụ nữ phát huy hết khả năng của mình, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Người nhấn mạnh: “Không có phụ nữ, riêng nam giới không thể làm nổi công cuộc cách mạng”. Người lên án mạnh mẽ quan điểm hạ thấp vị thế của người phụ nữ trong gia đình và xã hội. Người nêu những tấm gương của phụ nữ trong lịch sử dân tộc như Bà Trưng, Bà Triệu để chỉ ra rằng “phụ nữ ta chẳng tầm thường”, từ đó khích lệ phụ nữ Việt Nam tích cực hơn nữa tham gia phong trào nữ quyền trên thế giới.

Nhận xét về khả năng làm kinh tế của phụ nữ, Hồ Chí Minh khẳng định: “Phụ nữ là một lực lượng lao động rất quan trọng”. Do đó, Người nhắc nhở phải giải phóng sức lao động của phụ nữ, cần phải lập nhà trẻ, nhà ăn để phụ nữ yên tâm công tác, yên tâm lao động sản xuất. Như vậy phụ nữ mới được giải phóng, nam nữ mới thật là bình quyền.

Ban tổ chức Cuộc thi "Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp, kinh doanh của phụ nữ Đắk Lắk" năm 2023 trao giải cho các dự án khởi nghiệp xuất sắc. Ảnh: Vân Anh

Để được giải phóng, Hồ Chí Minh cho rằng “phụ nữ ta phải xóa bỏ cái tâm lý tự ti và ỷ lại; phải có ý chí tự cường, tự lập; phải nâng cao lên mãi trình độ chính trị, văn hóa, kỹ thuật”. Người khích lệ, động viên, khơi dậy tính tự trọng, khả năng nỗ lực tự vươn lên của phụ nữ, động viên phụ nữ đấu tranh với chính mình để vượt lên, không nên ngồi chờ Chính phủ, chờ Đảng ra chỉ thị giải phóng cho mình mà tự mình phải tự cường, phải đấu tranh. Người nhắc nhở phụ nữ phải chú ý học tập. Vì nếu không có kiến thức, không nhận biết được pháp luật và quyền lợi của giới mình thì sẽ không tự giải phóng và phát huy được quyền của mình trong các hoạt động, cũng như trong cuộc sống.

Phụ nữ Việt Nam đã có những bước trưởng thành và phát triển mạnh mẽ, có những đóng góp to lớn trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, khoa học - công nghệ, xây dựng Đảng, chính quyền và hợp tác quốc tế. Đảng và Nhà nước Việt Nam đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách với những nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, tạo điều kiện để phụ nữ tham gia ngày càng nhiều vào mọi mặt của đời sống xã hội.

Nhiều văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm quyền của phụ nữ được ra đời như Luật Hôn nhân gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình… Hiến pháp năm 2013 xác định Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội. Nghị quyết số 28/NQ-CP của Chính phủ ban hành chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 – 2030 đề ra mục tiêu tổng quát là tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.

Đây chính là sự tiếp nối, phát triển quan điểm của Hồ Chí Minh về vai trò của phụ nữ và công tác phụ nữ. Đồng thời, cũng khẳng định sự quan tâm, trách nhiệm cũng như những nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đặt ra để giải quyết các vấn đề về công tác phụ nữ trong giai đoạn hiện nay.

Lại Thị Ngọc Hạnh


Ý kiến bạn đọc