Hướng về cội nguồn
Giỗ Tổ Hùng Vương vào ngày 10/3 âm lịch hằng năm là ngày hội để nhân dân cả nước tỏ lòng tôn kính với tổ tiên, hướng về cội nguồn.
Nhưng do điều kiện làm ăn sinh sống ở phương xa, ngăn sông cách núi không về được, người Việt nghĩ cách lập đền thờ vọng. Đền thờ vọng cũng được phỏng theo các nghi thức cổ truyền ở Đền Hùng nơi đất Tổ nhằm để con cháu Vua Hùng bày tỏ lòng tri ân tổ tiên.
Lịch sử khẩn hoang ở Tây Nguyên và Nam Bộ cho thấy việc hình thành làng xã, các vùng dân cư muộn hơn Bắc bộ, nên đình, đền, chùa, miếu cũng được tạo lập muộn hơn. Nhưng tấm lòng đối với tổ tiên thì không bao giờ muộn màng. Do vậy, tín ngưỡng thờ cúng vua Hùng Vương cũng có ở hầu hết ở các tỉnh Tây Nguyên và phía Nam.
Chưa có khảo sát cụ thể nhưng được biết hiện nay ở rất nhiều tỉnh thành đều có đền thờ vọng Hùng Vương. Điển hình như Đền thờ Vua Hùng ở Thảo Cầm Viên (TP. Hồ Chí Minh); Đền thờ Lạc Long Quân ở Vũng Tàu…, chưa kể rất nhiều công trình văn hóa, giáo dục ở nhiều nơi mang tên Hùng Vương để tưởng nhớ tổ tiên. Người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài cũng lập đền thờ Hùng Vương. Có người về nước trang trọng “thỉnh” chân hương ở Đền thờ Vua Hùng ở đất Tổ Phú Thọ mang sang thờ để gần hơn với cội nguồn.
Đền thờ Vua Hùng tại Công viên Đồng Xanh, thành phố Pleiku (tỉnh Gia Lai). |
Đền thờ Vua Hùng do chính quyền, người dân lập nên với tấm lòng thành kính, tri ân công đức tổ tiên.
Ở Tây Nguyên, ấn tượng nhất phải kể đến Đền thờ Vua Hùng ở Công viên Đồng Xanh, TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) được xây dựng từ đầu năm 2010, với kiến trúc truyền thống, mái nhà rông cách điệu cao đến 18 m.
Trong điện thờ là tượng Quốc tổ Hùng Vương uy nghiêm tạc bằng gỗ cao khoảng 6 m, sơn son thếp vàng; trước điện thờ là tượng 18 Vua Hùng uy nghi.
Các bức tượng được đúc bằng bê tông cốt thép, sơn nhũ vàng, mỗi bức cao hơn 3 m, đặt trên bệ cao, tượng trưng cho 18 đời Vua Hùng, xếp thành hai hàng dọc, mỗi hàng chín vị, với dáng mạo uy dũng, đầu đội mũ lông chim, áo bằng vỏ và lá cây rừng, đeo vòng trên cổ, chân, tay…
Điều khá thú vị là dưới bệ của các bức tượng Vua Hùng ở Công viên Đồng Xanh còn có khắc đầy đủ tên, đời thứ mấy, tuổi thọ và số con cái của từng vị. Có vị thọ lâu nhất là gần 700 năm tuổi, có đến vài trăm người con; vị thọ ít nhất cũng phải hai, ba trăm năm và có vài chục người con.
Nhiều người không khỏi ngạc nhiên khi đọc về những số liệu như vậy vì ai mà có thể sống thọ và có nhiều con cái đến vậy được.
Tuy nhiên, thực tế đây cũng do xuất phát từ lòng tự hào dân tộc, với khẳng định về cội nguồn, sự trường tồn của dân tộc, đất nước Việt Nam. Quốc tổ Hùng Vương luôn có một vị trí hết sức thiêng liêng, ý nghĩa đối với đất nước, dân tộc Việt Nam.
Cùng với cả nước, đúng vào ngày 10/3 âm lịch hằng năm, tùy theo điều kiện, Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương luôn được các địa phương ở các tỉnh Tây Nguyên tổ chức trọng thể.
Việc tổ chức giỗ vọng Quốc tổ Hùng Vương là cơ hội để những người con đất Việt nếu không có điều kiện về đất Tổ Phú Thọ thì có thể tham dự lễ giỗ ngay tại chính mảnh đất mình đang sinh sống.
Vì vậy, vào dịp Giỗ Tổ hằng năm, đông đảo người dân trong vùng thường tụ hội về các đền thờ vọng làm lễ dâng hương, dâng lễ vật để tưởng nhớ đến Quốc tổ Hùng Vương, hướng về cội nguồn dân tộc.
Giỗ Tổ Hùng Vương không chỉ là dịp để tôn vinh văn hóa, khẳng định vị trí và ý nghĩa lịch sử to lớn ngày quốc lễ mà còn giáo dục truyền thống đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam.
Hướng về Quốc tổ Hùng Vương, thành kính dâng nén hương thơm, những người dân đất Việt nói chung, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói riêng luôn mong muốn thể hiện lòng biết ơn sâu sắc các Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước cũng như cầu mong cho đất nước luôn hòa bình, toàn dân tộc muôn đời ấm no, hạnh phúc.
Mạnh Hùng
Ý kiến bạn đọc