Multimedia Đọc Báo in

Công chúa Lê Ngọc Hân và cuộc hôn nhân ngắn ngủi với vua Quang Trung

19:31, 25/04/2024

Công chúa Lê Ngọc Hân sinh năm 1770 ở kinh thành Thăng Long, là con gái thứ 21 của vua Lê Hiển Tông và Chiêu nghi Nguyễn Thị Huyền.

Tháng 5 năm Cảnh Hưng 47 (1786), tướng nhà Tây Sơn là Nguyễn Huệ diệt xong họ Trịnh vào yết kiến vua Lê Hiển Tông. Do được mai mối trước nên Ngọc Hân vâng mệnh theo chồng về Phú Xuân khi tròn 16 tuổi. Năm 1788, Nguyễn Huệ tiến quân ra Bắc để diệt quân Thanh, lên ngôi Hoàng đế lấy niên hiệu Quang Trung và phong cho Ngọc Hân làm Hữu cung Hoàng hậu. Sau khi đại thắng quân Thanh Tết Kỷ Dậu 1789 trở về, Hoàng đế Quang Trung phong bà làm Bắc cung Hoàng hậu.

Mối lương duyên ngắn ngủi

Cuộc hôn nhân giữa Hoàng đế Quang Trung và công chúa Ngọc Hân ban đầu từ ý đồ chính trị nhưng sau một thời gian chung sống cùng nhau, bà đã chiếm trọn tình yêu của chồng. Họ có với nhau hai người con là công chúa Nguyễn Thị Ngọc Bảo và hoàng tử Nguyễn Quang Đức.

Thế nhưng, cuộc hôn nhân êm đềm viên mãn chỉ được một thời gian ngắn. Năm 1792, vua Quang Trung đột ngột băng hà, Hoàng tử Nguyễn Quang Đức còn nhỏ tuổi không được chọn làm người kế nối vương triều. Triều đình tôn Nguyễn Quang Toản, con của bà Phạm Thị Liên, Chính cung Hoàng hậu lên nối ngôi, niên hiệu Cảnh Thịnh. Trong tác phẩm Danh nhân Lê Ngọc Hân của Nguyễn Chu Trứ ghi: “Sau khi Nguyễn Huệ qua đời thì bà Lê Ngọc Hân mất hết quyền lực, và bà đưa con ra khỏi cung điện ở Phú Xuân, ở trong chùa Kim Tiền (làng Dương Xuân - Huế) cạnh Đan Dương điện với danh nghĩa thờ chồng nuôi con. Bà gượng sống đến ngày 8 tháng 11 Kỷ Mùi (4/12/1799) thì mất, lúc đó mới 29 tuổi”.

Tam quan đền Ghềnh bên bờ sông Hồng. Ảnh: Báo QĐND

Khi triều Tây Sơn thất thế, Nguyễn Phúc Ánh chiếm Phú Xuân, tiến hành cuộc trừng phạt dòng tộc Tây Sơn. Không ai dám che dấu và cưu mang những đứa bé con của vua Quang Trung, lần lượt Hoàng tử Nguyễn Quang Đức mất ngày 18/11 năm Tân Dậu (23/12/1801) khi mới 10 tuổi, Công chúa Ngọc Bảo cũng mất ngày 17/4 năm Nhâm Tuất (18/5/1802) khi mới 12 tuổi.

Di tích Đền Ghềnh

Đền Ghềnh ngày nay ở phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội, còn có tên chữ là “Thiên quang linh từ” là nơi thờ công chúa Lê Ngọc Hân.  Theo “Biệt lục” của tộc phả Nguyễn Đình (Hà Tĩnh), năm 1804, bà Nguyễn Thị Huyền vì thương con gái và hai cháu ngoại chết ở nơi xa nên đã thuê người vào Phú Xuân lấy hài cốt ba mẹ con Ngọc Hân đưa về bản dinh. Sau đó hài cốt Ngọc Hân cùng hoàng tử bên trái, hoàng nữ bên phải táng tại Bãi Đầu Voi, làng Nành, xã Phù Ninh (nay là xã Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội).

Sự việc này được GS. Chu Quang Trứ trích dẫn theo Các triều đại Việt Nam, Đại Nam thực lục: “Khoảng đầu năm Gia Long, ngụy đô đốc tên là Hài ngầm đem hài cốt mẹ con Ngọc Hân từ Phú Xuân về táng trộm tại xã Phù Ninh. Thị Huyền ngầm xây mộ, dựng đền, khắc bia giả, đổi lại họ tên để làm mất dấu tích. Gần 50 năm sau, dưới thời vua Thiệu Trị, miếu bị đổ nát. Một ông tú người làng Nành đã quyên tiền tu sửa ngôi miếu. Không ngờ, có viên phó tổng cùng làng có thù riêng với ông tú, đã lên quan tố giác về việc thờ “ngụy Huệ”. Triều đình Huế liền hạ lệnh triệt phá ngôi miếu, quật ba ngôi mộ, vứt hài cốt xuống sông”. Thương xót Bắc cung Hoàng hậu tài hoa bạc mệnh, nhân dân làng Ái Mộ ven sông đã vớt hài cốt chôn cất và lập miếu thờ ở đây…

Binh lửa can qua trong thời kỳ Pháp tấn công Hà Nội lần thứ nhất (1873), đền Ghềnh cũng bị xóa bỏ, nhưng sau đó người dân dốc lòng việc tín nghĩa đã tôn tạo lại ngôi đền, trông nom, gìn giữ đến ngày nay.

Võ Hữu Lộc


Ý kiến bạn đọc