Multimedia Đọc Báo in

Lan tỏa tình yêu biển, đảo

07:28, 07/04/2024

Biển, đảo là một phần lãnh thổ thiêng liêng, không thể tách rời của Tổ quốc Việt Nam, được lớp lớp cha anh bảo vệ và xác lập, thực thi chủ quyền.

Phát huy truyền thống đó, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh luôn có những hoạt động thiết thực, ý nghĩa để góp phần dựng xây và bảo vệ chủ quyền biển, đảo máu thịt.

Thông điệp ý nghĩa từ những chương trình tuyên truyền

Những ngày vừa qua, công tác tuyên truyền, nói chuyện về biển, đảo diễn ra sôi nổi khắp toàn tỉnh. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã phối hợp với Học viện Hải quân tổ chức các buổi tuyên truyền tại 15 đơn vị, địa phương, thu hút hàng nghìn cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên, học sinh, sinh viên tham gia. Chủ điểm của những buổi tuyên truyền giúp cán bộ, nhân dân Đắk Lắk có cái nhìn cụ thể, toàn diện về công cuộc xây dựng và bảo vệ biển, đảo Tổ quốc.

Học sinh trên địa bàn huyện Cư Kuin xem tư liệu về Hoàng Sa, Trường Sa.

Em Tô Thị Ánh Nhàn, sinh viên năm 3, ngành Công nghệ thông tin, Trường Đại học Tây Nguyên bày tỏ: “Qua buổi tuyên truyền tại trường, bản thân em càng hiểu sâu sắc hơn rằng, biển, đảo gắn liền với quá trình xây dựng và phát triển của đất nước, con người Việt Nam. Hơn ai hết, tuổi trẻ phải có trách nhiệm gìn giữ, bảo vệ biển, đảo quê hương, chủ quyền quốc gia trên biển”.

Tại huyện biên giới Ea Súp, những thông tin, trao đổi từ báo cáo viên Học viện Hải quân đã đem đến nhiều kiến thức quý giá cho cán bộ các cấp về biển, đảo. Bà Phạm Thị Anh Minh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện cho biết, buổi tuyên truyền không chỉ giúp mỗi người thấu rõ vị trí, tầm quan trọng và tình hình thực tiễn trên các vùng biển, đảo nước ta, mà còn trân trọng những gian lao, vất vả, hy sinh của người lính hải quân.

Theo Đại tá Nguyễn Văn Tôn, Phó Chủ nhiệm Chính trị Học viện Hải quân, quán triệt những định hướng lớn của cấp trên về công tác tuyên truyền, đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong giai đoạn mới, Đảng ủy, Ban giám đốc Học viện Hải quân và Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đắk Lắk đã chủ động phối hợp, tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng nội dung, hình thức, phương pháp, phương tiện tuyên truyền.

Đưa thông tin biển, đảo đến gần hơn với mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn Đắk Lắk, năm 2023, Học viện Hải quân phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức tuyên truyền về biển, đảo được 7 buổi, thu hút 4.850 lượt người tham gia.

Các đơn vị cũng đã kết hợp tổ chức tuyên truyền biển, đảo, kết hợp thu hút nguồn nhân lực xây dựng Quân chủng, Học viện Hải quân tại 5 trường THPT trên địa bàn, thu hút hơn 5.000 lượt học sinh, giáo viên tham dự.

Nhiều hoạt động “thắp lửa”

Hướng về biển, đảo quê hương, Đắk Lắk đã và đang tổ chức nhiều hoạt động, chương trình thiết thực.

Những năm qua, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức triển lãm lưu động "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý". Chuỗi tư liệu thu nhập được qua các thời kỳ trở thành minh chứng sắc bén khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Cũng từ các triển lãm đã góp phần vun đắp lòng tự hào, tình yêu quê hương tổ quốc cho đông đảo cán bộ, nhân dân trong tỉnh.

Cán bộ Học viện Hải quân tuyên truyền biển, đảo, giao lưu văn nghệ cùng học sinh trên địa bàn huyện M'Drắk. Ảnh: Anh Đông

Tiếp tục "thắp lửa" tình yêu biển, đảo cho thế hệ trẻ, năm 2022, Tỉnh Đoàn đã tổ chức chương trình Hành trình tuổi trẻ với biển, đảo quê hương, qua đó đã tổ chức đoàn công tác đến thăm, trao tặng công trình "Nghĩa tình biên giới - biển đảo" và nhiều phần quà giá trị cho thiếu nhi huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi). Năm 2023, UBND huyện Cư Kuin cũng đã tổ chức cuộc thi “Em yêu biển, đảo Việt Nam”, thu hút hơn 3.000 bài dự thi của học sinh các trường THCS và THPT trên địa bàn.

Mới đây, Huyện ủy Ea Súp đã phối hợp với tác giả Nguyễn Quốc Hưng tổ chức triễn lãm ảnh và chiếu phim phóng sự, tài liệu "Trường Sa - Nơi đầu sóng”. Với 97 hình ảnh, tư liệu, hiện vật và mô hình 21 đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, triển lãm đã đưa đến người xem những hình ảnh đẹp, phong phú về các hoạt động huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, cuộc sống sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên quần đảo Trường Sa. Trong khuôn khổ triển lãm còn trình chiếu 5 phim phóng sự, tài liệu về Trường Sa.

Cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Ea Súp tham quan triển lãm Trường Sa - Nơi đầu sóng.
Cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Ea Súp tham quan triển lãm "Trường Sa - Nơi đầu sóng".

Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Ea Súp Nguyễn Thanh Tuấn chia sẻ: Triển lãm đưa người xem vượt hành trình qua hàng trăm hải lý trên biển Đông, đến với Trường Sa - mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc. Từ đó, nhân lên tình yêu đối với Trường Sa, nơi đầu sóng luôn có các đồng chí, đồng đội và cả đồng bào ngày đêm gìn giữ một phần máu thịt của quê hương...

Quỳnh Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.