Multimedia Đọc Báo in

Xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ

08:47, 11/04/2024

Thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19/5/2018 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định ba khâu đột phá, trong đó có nội dung về tập trung phát triển nguồn nhân lực.

Thường xuyên củng cố, kiện toàn

Cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 14-NQ/TU, ngày 27/7/2022 về phát triển nguồn nhân lực tỉnh Đắk Lắk đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.

Công tác quy hoạch cán bộ được triển khai thực hiện theo đúng phương châm “động” và “mở”, bảo đảm dân chủ, chặt chẽ. Tỉnh đã hoàn thành công tác quy hoạch Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các chức danh lãnh đạo chủ chốt của tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030, 2026 - 2031; phê duyệt quy hoạch đối với 20/20 đảng bộ thực thuộc tỉnh và 20/20 sở, ban, ngành. Đồng thời, thường xuyên rà soát, bổ sung vào quy hoạch những nhân tố mới đủ tiêu chuẩn, điều kiện, có triển vọng phát triển, đã khắc phục tình trạng hụt hẫng trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung cùng đoàn công tác thăm mô hình trồng cây thuốc lá ở xã Ea Lê (huyện Ea Súp), tháng 3/2024. Ảnh minh họa: Nguyễn Gia

Trên cơ sở quy hoạch, tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho đội ngũ cán bộ. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, cấp tỉnh đã đào tạo chuyên môn và lý luận chính trị cho 3.707 người và 6.702 người ở cấp huyện và tương đương.

Điểm mới trong công tác bố trí, sử dụng, điều động, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ là tỉnh đã thực hiện đề án “Thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng”. Theo đó, tỉnh đã tổ chức thi tuyển để bổ nhiệm 6 lãnh đạo, quản lý các cấp; thí điểm tuyển chọn Bí thư Huyện ủy Lắk và Buôn Đôn thông qua bảo vệ chương trình hành động. Bên cạnh đó, Tỉnh ủy thực hiện tốt việc bố trí chức danh bí thư cấp ủy không phải là người địa phương, đến nay đã thực hiện ở 15/15 huyện, thị xã, thành phố.

 

Đội ngũ cán bộ, công chức cần đề cao trách nhiệm thực thi công vụ, phát huy vai trò nêu gương; đồng thời, chấn chỉnh, khắc phục ngay những biểu hiện đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chừng, sợ sai không dám làm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp” .

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung

Đội ngũ cán bộ, công chức của tỉnh ngày càng hoàn thiện về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và lý luận chính trị, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Toàn tỉnh hiện có 7.474 cán bộ, công chức, trong đó có 1.166 cán bộ là người dân tộc thiểu số (chiếm 15,6%). Cán bộ có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ có 710 người (chiếm 9,4%), đại học và cao đẳng có 5.812 người (chiếm 77,7%); cao cấp, cử nhân lý luận chính trị có 1.466 người (chiếm 19,6%) và trung cấp có 3.420 người (chiếm 45,7%).

Tăng cường kiểm tra, giám sát

Công tác đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý được đổi mới, có nhiều chuyển biến về nội dung, phương pháp; quy trình đánh giá được thực hiện chặt chẽ, dân chủ, khách quan, đúng quy định, thực chất, giúp cán bộ “tự soi, tự sửa”.

Việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ được coi là khâu quan trọng trong xây dựng đội ngũ cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên”, ngang tầm nhiệm vụ. Vì vậy, Tỉnh ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền thực hiện tốt Quy định số 205-QĐ/TW, ngày 23/9/2019 của Bộ Chính trị về “Kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền”, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, bố trí công tác đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp sau khi bị kỷ luật… tạo hành lang pháp lý quan trọng để công tác cán bộ được thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch. Từ năm 2020 đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện việc miễn nhiệm đối với 11 trường hợp và từ chức 6 trường hợp. Một số cán bộ hạn chế về năng lực hoặc vi phạm kỷ luật thì không thực hiện việc bổ nhiệm lại hoặc điều động, thay thế, bố trí công tác khác phù hợp với trình độ chuyên môn và năng lực, sở trường công tác.

Chế độ kiểm tra, giám sát công tác cán bộ cũng được tỉnh thực hiện nghiêm theo Quy định số 179-QĐ/TW, ngày 25/2/2019 của Bộ Chính trị. Việc kiểm tra, giám sát bắt đầu từ quy trình, trách nhiệm đối với từng khâu, từng bước trong công tác cán bộ, từ trách nhiệm giới thiệu quy hoạch, giới thiệu ứng cử, đề cử và bổ nhiệm. Đồng thời, chú trọng các lĩnh vực dễ phát sinh sai phạm, như: quản lý tài nguyên đất đai, sử dụng ngân sách, tài sản công, đầu tư ngân sách, công tác tổ chức cán bộ, trách nhiệm nêu gương…

Sâu sát cơ sở, nắm bắt thực tiễn địa bàn giúp cán bộ được rèn luyện, nâng cao chất lượng công việc. Trong ảnh: Lãnh đạo HĐND tỉnh và huyện Ea Kar kiểm tra tiến độ thi công Dự án Hồ chứa nước Krông Pách thượng.

Qua đó, tỉnh đã xử lý kịp thời, nghiêm minh những tổ chức, cá nhân vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, lợi dụng chức vụ được giao để thực hiện những hành vi sai trái trong công tác cán bộ hoặc tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền, kể cả đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.