Multimedia Đọc Báo in

Trả lời kiến nghị của cử tri trước và sau Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV (4)

08:41, 08/05/2024

II. UBND các địa phương trong tỉnh trả lời

1. Cử tri xã Hòa Khánh, TP. Buôn Ma Thuột phản ánh: Hiện nay có 186 hộ dân ảnh hưởng trong dự án đường tránh Đông đi qua xã Hòa Khánh, qua hai lần vận động có 79 hộ dân đã tự nguyện bàn giao mặt bằng để thi công, có 42 hộ được duyệt phương án bồi thường, còn 37 hộ chưa được duyệt phương án bồi thường. Đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, hỗ trợ cho 37 hộ này vì quá trình chờ thi công gần hai năm ảnh hưởng đến kinh tế của các hộ dân.

UBND TP. Buôn Ma Thuột trả lời: Trên địa bàn xã Hòa Khánh còn 37 hộ dân chưa được phê duyệt phương án. Hiện nay, Ban Quản lý dự án (QLDA) tỉnh đã thực hiện công khai 18/37 hộ, đang hoàn thiện hồ sơ và tổng hợp, xử lý các ý kiến của hộ dân để trình thẩm định phương án.

Đối với 19 hộ dân còn lại: có 7 hộ dân đang chờ Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh chỉnh lý và xuất trích lục địa chính, 3 hộ có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chồng lấn, 1 hộ chuyển nhượng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau khi có thông báo thu hồi đất dẫn đến không thể lập phương án bồi thường, hỗ trợ (Ban QLDA tỉnh đã có Báo cáo số 85/BC-BQLDAGTNN, ngày 19/3/2024 gửi UBND TP. Buôn Ma Thuột về kết quả thực hiện và khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng Dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông TP. Buôn Ma Thuột).

Đối với những hộ còn lại, Ban QLDA tỉnh đang khẩn trương xử lý các vướng mắc về tài sản trên thửa đất.

Một tiết học của cô và trò Trường THCS Ngô Gia Tự (xã Cư Pơng, huyện Krông Búk). Ảnh: Như Quỳnh

2. Cử tri xã Đắk Phơi, huyện Lắk đề nghị có chính sách đặc thù cho xã an toàn khu (ATK), vì các xã này có địa hình hiểm trở, trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đã hy sinh rất nhiều cho việc che chở, bảo vệ cách mạng để giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Nay các xã này đời sống vẫn còn rất nhiều khó khăn, tỷ lệ người dân tộc thiểu số (DTTS) trên 80% dân số, tỷ lệ hộ nghèo còn cao.

UBND huyện Lắk trả lời: Hiện nay, trên địa bàn huyện có 9/10 xã là xã khu vực III, trong đó có 4 xã là xã ATK, điều kiện kinh tế - xã hội (KT-XH) còn khó khăn. Các chương trình, chính sách và nguồn lực bố trí cho các xã ATK hiện nay đã và đang được quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, an sinh xã hội nhằm nâng cao về vật chất và tinh thần, sức khỏe, giáo dục, văn hóa của người dân.

Cụ thể như: Dự án 2, Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết (thuộc chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn I: 2021 – 2025) bố trí kinh phí cho 3 xã ATK và 1 xã phấn đấu về đích nông thôn mới với tổng kinh phí 219,4 tỷ đồng.

Các nguồn vốn thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn vốn ngân sách tỉnh, ngân sách huyện cũng đang được quan tâm đầu tư cho các xã ATK; một số chương trình, đề án về phát triển KT-XH hiện nay đang được các sở, ngành đề xuất xây dựng trong giai đoạn, dự kiến trong thời gian tới sẽ bố trí nguồn kinh phí để triển khai.

Bên cạnh đó, nhằm xóa đói giảm nghèo, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa XV cũng đã ban hành Nghị quyết số 14-NQ/HU, ngày 6/9/2023 về phân công đảng viên giúp đỡ các hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo trong giai đoạn 2023 – 2025, định hướng thoát nghèo bền vững đến năm 2030.

Để đạt được mục tiêu xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế trên địa bàn các xã ATK, không chỉ từ các chương trình, đề án, nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ, mà là sự chung sức, phấn đấu của các cấp, ngành, địa phương, nhân dân trên cả địa bàn.

3. Cử tri xã Cư Pơng, huyện Krông Búk kiến nghị tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

UBND huyện Krông Búk trả lời: Thời gian qua, mặc dù ngân sách huyện gặp nhiều khó khăn nhưng luôn quan tâm, dành nguồn kinh phí lớn của ngân sách để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho các trường học trên địa bàn huyện. Cụ thể:

UBND huyện đầu tư cho các trường học trên địa bàn huyện để sửa chữa, nâng cấp, xây mới cơ sở vật chất, số tiền là 31,463 tỷ đồng; năm 2024 đã thực hiện phân bổ dự toán đầu năm đầu tư cho các trường học để sửa chữa, nâng cấp, xây mới cơ sở vật chất, số tiền 22,3 tỷ đồng.

UBND huyện đã cấp kinh phí cho các trường học để mua sắm thiết bị dạy học, số tiền 5,97 tỷ đồng. Bổ sung cho Phòng GD-ĐT huyện theo chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023 để mua sắm trang thiết bị cho các trường trên địa bàn huyện 1,7 tỷ đồng; năm 2024 đã phân bổ dự toán đầu năm cho các trường học trên địa bàn huyện để mua sắm thiết bị dạy học, số tiền 4,5 tỷ đồng.

Nhu cầu đầu tư lớn, trong khi nguồn ngân sách còn khó khăn không thể đảm bảo cùng một lúc, phải phân kỳ đầu tư. Trong thời gian đến, trong khả năng cân đối của ngân sách huyện và hỗ trợ từ ngân sách cấp trên, UBND huyện tiếp tục đầu tư dần hoàn thiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu dạy học của các trường học trên địa bàn huyện.

Lan Anh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc


(Video) Quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động
Tại Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo UBND tỉnh với cán bộ công đoàn, đoàn viên và người lao động tỉnh năm 2024 diễn ra sáng 3/7, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà khẳng định, quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của Đảng và Nhà nước.