Trọng trách những người giữ “thanh bảo kiếm”
Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 - 2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán phải được tiến hành thường xuyên, toàn diện và công khai, có trọng tâm, trọng điểm; tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, có nhiều dư luận về tham nhũng, tiêu cực, về suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.
Trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng được xem như “thanh bảo kiếm”, góp phần làm thanh sạch bộ máy, tiếp tục củng cố niềm tin của nhân dân.
Không để “trên nóng, dưới lạnh”
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định: “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng và kiểm soát chặt chẽ quyền lực. Đẩy mạnh đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí”. Xác định vai trò quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát, trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, các cấp ủy, tổ chức đảng và ủy ban kiểm tra (UBKT) các cấp đã triển khai công tác kiểm tra, giám sát có trọng tâm, trọng điểm, mở rộng, quyết tâm không để “trên nóng, dưới lạnh”.
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Lê Văn Nghĩa phát biểu tại Kỳ họp thứ 27 của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020 - 2025. Ảnh: Duy Tiến |
Ngay sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung chỉ đạo UBKT Tỉnh ủy tham mưu xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát có trọng tâm, trọng điểm, nội dung tập trung vào những “điểm nghẽn” còn tồn tại, lấy phòng ngừa, xây là chính.
UBKT Tỉnh ủy và UBKT các cấp đã đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát theo thẩm quyền và kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với các tổ chức đảng, đảng viên, đặc biệt là việc thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; thực hiện quy chế làm việc; công tác cán bộ; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kê khai tài sản không trung thực; việc thu, chi ngân sách; sai phạm về kinh tế; tham nhũng, chiếm đoạt tài sản; nhận hối lộ, nhận tiền chạy án; vi phạm quy định về đầu tư công, vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản... Qua đó, làm rõ các sai phạm, kiến nghị, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có liên quan, thu hồi nhiều tài sản cho Nhà nước.
Trong nửa nhiệm kỳ (2020 - 2023), cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy các cấp đã thi hành kỷ luật 14 tổ chức đảng và 689 đảng viên bằng các hình thức: khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ. |
UBKT các cấp đã chủ động nắm tình hình, đẩy mạnh khâu phát hiện dấu hiệu vi phạm thông qua các kênh thông tin, các kết luận thanh tra, kiểm toán để tập trung kiểm tra, giải quyết dứt điểm, xử lý nghiêm minh theo đúng quy định và kịp thời công khai kết quả xử lý trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trong nửa nhiệm kỳ qua, UBKT các cấp đã phát hiện và kiểm tra đối với 37 tổ chức đảng và 937 đảng viên, kết luận đều có vi phạm, phải thi hành kỷ luật 16 tổ chức đảng và 288 đảng viên.
Siết chặt kỷ luật, kỷ cương
Theo đánh giá của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng đã được tiến hành đúng nội dung, đối tượng, có trọng tâm, trọng điểm, tiến hành đúng quy trình, quy định của Đảng, góp phần giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật của Đảng, ngăn ngừa vi phạm, củng cố niềm tin của nhân dân.
Tuy nhiên, theo nhận định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vẫn còn tồn tại ở một số địa phương, đơn vị của tỉnh. Vẫn còn một số UBKT các cấp chưa chủ động kiểm tra, giám sát các địa bàn, lĩnh vực dễ phát sinh vi phạm… Phương pháp công tác, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của một số cán bộ kiểm tra, giám sát các cấp còn hạn chế, chưa ngang tầm, chưa theo kịp yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Lê Văn Nghĩa phát biểu tại Kỳ họp thứ 28 của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020 - 2025. Ảnh: Duy Tiến |
Theo Phó Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh Trần Quang Tân, công tác kiểm tra, giám sát và đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra, giám sát đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Vì vậy, để siết chặt kỷ luật, kỷ cương, cấp ủy các cấp quan tâm và tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác kiểm tra, giám sát. Các cấp ủy, nhất là người đứng đầu không chỉ tổ chức thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng theo chức năng, nhiệm vụ, mà còn tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn cấp ủy, tổ chức Đảng cấp dưới thực hiện công tác kiểm tra, giám sát.
Trong đó, việc lựa chọn cán bộ làm công tác kiểm tra, giám sát cũng giống như “chọn mặt gửi vàng” bởi đội ngũ này cần có lập trường, bản lĩnh chính trị vững vàng, am hiểu chuyên môn, nghiệp vụ, pháp luật, công tâm, khách quan, trách nhiệm với công việc.
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc