Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV: Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trả lời chất vấn
Sáng 6/6, dưới sự chủ trì và điều hành của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiếp tục chương trình phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 7. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà thay mặt Chính phủ làm rõ các vấn đề thuộc 4 nhóm nội dung chất vấn và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu.
Phát biểu một số nội dung liên quan đến các nhóm vấn đề chất vấn, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng cho biết, tình hình kinh tế xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2024 đạt nhiều kết quả tích cực, lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng bình quân tăng 4,03%, nằm trong ngưỡng Quốc hội giao cho Chính phủ. Kinh tế duy trì đà phục hồi tốt ở cả 3 khu vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ. Kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 16,6%, thu ngân sách nhà nước tăng 14,8%, tổng vốn đầu tư nước ngoài tăng 27,5% so với cùng kỳ.
Về các nhiệm vụ, giải pháp trong điều hành kinh tế vĩ mô, Chính phủ sẽ tập trung tiếp tục hoàn thiện thể chế, khơi thông các nguồn lực, lành mạnh hóa các thị trường, đẩy mạnh cải cách hành chính, phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi, tăng cường kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực. Khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, có cơ chế đánh giá cán bộ dựa trên kết quả, sản phẩm cụ thể, gắn với đánh giá thực chất, với đào tạo, quy hoạch bổ nhiệm và thực hiện các chính sách khác đối với cán bộ. Ban hành kịp thời, đồng bộ các văn bản quy định chi tiết thi hành, báo cáo Quốc hội cho phép có hiệu lực sớm đối với các luật liên quan nhiều đến những tắc nghẽn trong huy động nguồn lực.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trả lời chất vấn. Ảnh: quochoi.vn |
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vì lợi ích chung, bảo đảm chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả hơn; ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Phát huy tiềm năng, củng cố và làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống qua thúc đẩy đầu tư công, các dự án hạ tầng, dự án động lực thu hút đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài, mở rộng thị trường xuất khẩu, thúc đẩy tiêu dùng trong nước, nắm chắc tình hình để cân đối cung cầu, nhất là các mặt hàng liên quan đến hàng hóa thiết yếu.
Phó Thủ tướng Chính phủ cũng cho biết, Chính phủ kiến tạo, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới thông qua đẩy mạnh liên kết, phát triển vùng, có chính sách ưu tiên đẩy mạnh chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế cacbon thấp, chuyển đổi năng lượng công bằng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, là nguồn lực quan trọng, động lực mới cho tăng trưởng.
Chính phủ cũng đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ để tạo sự ủng hộ, hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp, khôi phục niềm tin, đẩy mạnh đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân, hỗ trợ hình thành các lĩnh vực kinh tế mới, các hoạt động nghiên cứu đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học kỹ thuật…
Trả lời chất vấn liên quan tới tự chủ đại học, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho biết, trong thời gian tới sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế tự chủ đối với các trường đại học, trong đó tiếp tục phân cấp hơn nữa cho các trường nhưng cũng tăng cường vai trò, trách nhiệm của quản lý nhà nước thông qua việc xác định để thẩm định, đánh giá các chương trình đào tạo...
Phó Thủ tướng cũng nêu rõ, không vì tự chủ mà làm ảnh hưởng đến việc đầu tư cơ sở vật chất cần thiết. Đối với một số lĩnh vực, Nhà nước sẽ lựa chọn để có đầu tư công, đặc biệt là đối với các trung tâm, phòng thì nghiệm trọng điểm quốc gia; xác định đầu tư để đặt hàng đối với lĩnh vực khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo... Nhà nước sẽ quản lý thông qua các tiêu chí để đánh giá kết quả đầu ra; thu hút sự tham gia đánh giá của những cơ sở sử dụng nguồn nhân lực này để đánh giá và công bố uy tín các trường.
Đại biểu tham dự phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn |
Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu về kiểm soát lạm phát trong bối cảnh tình hình hiện nay sẽ tăng lương, biến động chuỗi cung ứng, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, Việt Nam có nền kinh tế mở nên chúng ta nhập khẩu khá nhiều vật tư, nguyên liệu, điều này phụ thuộc vào thị trường thế giới. Trong khi chúng ta đang thực hiện các gói kích cầu và thực hiện tăng lương, điều này là nguyên nhân dẫn đến biến động và ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô, đặc biệt là kiểm soát được tỉ số lạm phát mà Quốc hội cho phép.
Phó Thủ tướng nêu rõ, thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành triển khai quyết liệt các giải pháp đồng bộ, thông suốt trong đảm bảo sản xuất, cung ứng, lưu thông và phân phối để đảm bảo các mặt hàng mà Chính phủ kiểm soát và quản lý về giá được điều chỉnh với lộ trình phù hợp.
Liên quan đến chính sách tài khóa, Phó Thủ tướng cho biết, chính sách tài khóa phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ. Tương tự thời gian qua xử lý biến động giá vàng, với những giải pháp của Chính phủ đưa ra nhằm ổn định giá trị của đồng tiền, đảm bảo các tỉ giá đi đôi với chính sách tài khóa.
Cùng với đó, Chính phủ đã thúc đẩy và đưa ra các chính sách để hỗ trợ kích cầu tiêu dùng như du lịch, mua sắm. Đồng thời có nhiều chính sách tăng đầu tư khu vực công, các cơ sở hạ tầng thiết yếu để đảm bảo cho sản xuất và kinh tế phát triển.
Với các giải pháp này mà Chính phủ đã làm, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định, với sự điều chỉnh nhịp nhàng giữa tăng trưởng kinh tế và phòng chống lạm phát, điều chỉnh, kết hợp một cách hoàn hảo giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa thì hoàn toàn có thể điều chỉnh giá cả.
Toàn cảnh phiên chất vấn. Ảnh: quochoi.vn |
Trả lời câu hỏi liên quan đến kinh tế số, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ, Việt Nam có thế mạnh, tiềm năng tự nhiên về con người, do vậy Chính phủ cần dẫn dắt, kiến tạo chuyển đổi số từ sử dụng, khai thác tài nguyên tự nhiên sang tài nguyên số. Đây là kho báu lớn, đây là xu thế cần phải tận dụng hiệu quả. Giải pháp thời gian tới các ngành, doanh nghiệp cần quan tâm tới xây dựng cơ sở dữ liệu - đây chính là tài nguyên. Chính phủ sẽ ban hành các cơ chế chính sách đảm bảo vận hành an toàn, an ninh mạng, đầu tư cơ sở hạ tầng để chuyển đổi số.
Về vấn đề kích cầu du lịch, Phó Thủ tướng Chính phủ cho rằng, chúng ta cần đảm bảo liên kết chuỗi giá trị, đặc biệt gắn du lịch với kết hợp các công ty du lịch lữ hành, nơi cứ trú, thương mại, vận chuyển, kết nối giữ các địa phương để tạo ra những con đường di sản hay tạo ra những điểm đến hấp dẫn; đồng thời có sự hợp tác, phối hợp chung giữa các khu vực có sản phẩm tốt.
Bên cạnh đó, chúng ta cần cải thiện các sản phẩm du lịch, công tác quảng bá các sản phẩm du lịch cần làm tốt. Trên thực tế chúng ta chưa có một định hướng rõ ràng về các sản phẩm mang thương hiệu riêng biệt Việt Nam. Nếu chúng ta xây dựng được thương hiệu, đưa ra tiêu chuẩn về chất lượng thì sẽ đạt được hiệu quả. Cần đầu tư cơ sở hạ tầng cho du lịch, có nhiều nơi khách du lịch đến khá đông nhưng chưa đảm bảo được cơ sở hạ tầng, môi trường, thực phẩm…
Kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, sau 2,5 ngày làm việc nghiêm túc và trách nhiệm, Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ chương trình phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV với 4 nhóm vấn đề thuộc trách nhiệm chính của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng và Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: quochoi.vn |
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, các nội dung chất vấn đã đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, “đúng” và “trúng” những vấn đề cử tri, Nhân dân cả nước và các vị đại biểu Quốc hội quan tâm; tiếp tục khẳng định đây là hình thức giám sát tối cao trực tiếp, hiệu quả của Quốc hội.
Phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, dân chủ, thẳng thắn, trên tinh thần xây dựng. Các vị đại biểu Quốc hội qua thực tiễn hoạt động của mình đã nắm chắc tình hình, nghiên cứu kỹ các báo cáo, nêu câu hỏi, cũng như tranh luận ngắn gọn, rõ ràng, thiết thực, đi thẳng vào các vấn đề.
Qua quá trình chất vấn, các đại biểu Quốc hội đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế, phân tích rõ nguyên nhân và đề xuất giải pháp, với mong muốn Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục có các giải pháp phù hợp, quyết liệt, hiệu quả hơn, vì sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước, đáp ứng niềm tin và sự mong mỏi của cử tri và Nhân dân cả nước.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ, các Bộ trưởng, Trưởng ngành tiếp thu tối đa ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, phát huy những kết quả đạt được, tập trung khắc phục kịp thời, đầy đủ, hiệu quả những tồn tại, hạn chế trong từng lĩnh vực, tiếp tục thực hiện quyết liệt hơn, đồng bộ hơn, toàn diện hơn, hiệu quả hơn các nhiệm vụ đã đề ra trong thời gian tới…
Lan Anh (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc