Kỳ họp thứ Tám, HĐND tỉnh khóa X
Phiên thảo luận tổ: Nêu rõ hạn chế, tồn tại và đề xuất giải pháp trong phát triển kinh tế - xã hội
Sáng 11/7, tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ Tám, HĐND tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026, các đại biểu HĐND tỉnh tiến hành thảo luận tại tổ với các nội dung quan trọng.
Các đại biểu đã tiến hành chia 3 tổ thảo luận, tập trung vào các nhóm vấn đề về kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), đảm bảo quốc phòng - an ninh 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ trong những tháng cuối năm 2024; các nội dung trình tại kỳ họp và những vấn đề đại biểu, cử tri quan tâm.
Theo đó, các đại biểu cơ bản thống nhất với báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2023, đồng thời chỉ rõ một số chỉ tiêu về KT-XH không đạt, nhất là thu biện pháp tài chính chưa đạt trong hai năm qua. Vì vậy, đề nghị đánh giá cụ thể nguyên nhân thu biện pháp tài chính chậm, đề ra giải pháp cụ thể thu đạt 6 tháng cuối năm và các năm tiếp theo, đặc biệt thu tiền sử dụng đất cấp tỉnh.
Đại biểu tham dự phiên thảo luận tại Tổ 3. Ảnh: Vạn Tiếp. |
Liên quan đến đầu tư công, điều chỉnh chủ trương đầu tư, đại biểu cho rằng cần tăng cường đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ giải ngân các chương trình, dự án thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn; rà soát, điều chuyển vốn kịp thời và phù hợp quy định, để đảm bảo đạt chỉ tiêu về giải ngân các chương trình, dự án trong 6 tháng cuối năm.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần đánh giá việc thực hiện đầu tư các dự án trên địa bàn tỉnh, nhất là các dự án chậm tiến độ, chất lượng kém; xác định nguyên nhân cụ thể để có giải pháp phù hợp; khẩn trương triển khai các dự án ổn định dân cư cho đồng bào dân tộc thiểu số; chỉ đạo các sở, ngành có liên quan tham mưu điều chuyển nguồn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 17/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ từ địa phương này sang địa phương khác thực hiện cho phù hợp.
Đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng, tăng độ che phủ rừng, đại biểu đề nghị cần xem xét, đề xuất ưu tiên thêm nguồn lực ngoài quy định của Trung ương đối với những vùng có điều kiện thuận lợi trong công tác quản lý, bảo vệ rừng; tham mưu HĐND tỉnh nghiên cứu chi thêm từ nguồn địa phương đối với một số địa phương cần ưu tiên.
Đại biểu đóng góp ý kiến thảo luận tại Tổ 2. Ảnh: Vạn Tiếp |
Về mức độ che phủ rừng, đại biểu nêu rõ, Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra độ che phủ rừng đến năm 2025 đạt từ 40-42%. Hiện nay, mức độ che phủ rừng tăng thêm từ đầu nhiệm kỳ đến nay là bao nhiêu và từ nay đến cuối nhiệm kỳ cần đạt bao nhiêu để đạt mục tiêu Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra?
Liên quan đến ngành nông nghiệp, đại biểu nhận định, hiện nay có nhiều chủ trương chính sách nhưng về quản lý, phát triển vùng trồng còn nhỏ lẻ, chưa có sự quản lý chặt chẽ về quy hoạch; đề nghị quản lý chặt chẽ đầu vào của sản xuất nông nghiệp; cũng như công tác bảo vệ môi trường khi người dân sử dụng các thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng. Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị cần quan tâm đến công tác chế biến sâu đối với phản phẩm nông nghiệp; liên kết với các doanh nghiệp lớn để hỗ trợ người dân thực hiện việc này; tạo thương hiệu về phát triển nông nghiệp cho tỉnh.
Một số đại biểu nêu ý kiến, hiện nay, quy định chống phá rừng của Châu Âu (EUDR) được Nghị viện và Hội đồng Châu Âu thông qua ngày 29/6/2023; quy định này ảnh hưởng đến ba mặt hàng xuất khẩu vào châu Âu gồm: cà phê, cao su và gỗ được áp dụng từ ngày 30/12/2024.
Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn tỉnh ngoài Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2/9 Đắk Lắk tổ chức lễ công bố là đơn vị đầu tiên tại Đắk Lắk có vùng trồng nguyên liệu tuân thủ quy định về chống mất rừng và suy thoái rừng (EUDR). Đại biểu đặt vấn đề: Đối với các doanh nghiệp khác đã được thực hiện như thế nào? Trách nhiệm của UBND tỉnh và các ngành chức năng đã và phải làm gì để sắp tới cà phê của người nông dân sản xuất ra được tiêu thụ suôn sẻ, không bị ngưng trệ hoặc ép giá?
Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh Lê Văn Cường điều hành nội dung thảo luận tại Tổ 1. Ảnh: Vạn Tiếp |
Đối với cây sầu riêng, đại biểu cho rằng, đây là loại cây trồng đem lại thu nhập cao cho người dân, hiện nay diện tích trồng trên địa bàn tỉnh lớn. Đại biểu đề nghị UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo liên quan đến hoạt động sản xuất sầu riêng như: an ninh trật tự, chống thất thu thuế, quản lý công tác đầu tư xây dựng cơ sở thu mua, sản xuất, chế biến sầu riêng…
Liên quan đến GD-ĐT, nhiều đại biểu cho rằng, vấn đề giáo dục hiện nay người dân rất quan tâm, trong đó có công tác tuyển sinh vào lớp 10 vừa qua; việc phân luồng tuyển sinh vào lớp 10 chưa đạt, số học sinh không trúng tuyển vào lớp 10 chưa có trường để học tập. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất trường học, biên chế giáo viên còn khó khăn; chất lượng đào tạo nghề chưa thực sự thu hút được học sinh. Do đó, việc phân luồng tuyển sinh chưa đạt yêu cầu.
Đại biểu đề nghị cần có giải pháp cụ thể để khắc phục, trong đó cần xem xét tăng số lượng học sinh/lớp, quan tâm mở các lớp bán công trong các trường THPT công lập để giải quyết một phần số học sinh này. Cùng với đó, cần đánh giá lại chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục tại các phòng giáo dục và trường học để từ đó thực hiện công tác tuyển dụng cho ngành giáo dục phù hợp với giai đoạn hiện nay; tăng cường kiểm tra công tác thu, chi của ngành giáo dục; quan tâm, có cơ chế chính sách thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực giáo dục trên địa bàn tỉnh để giảm bớt khó khăn cho giáo dục tại địa phương…
Tại phiên thảo luận tổ, các đại biểu cũng nêu nhiều ý kiến liên quan đến công tác đấu thầu thuốc, vật tư y tế phục vụ khám chữa bệnh cho người dân; giải pháp nâng cao tỷ lệ tham gia BHYT; vấn đề khai thác cát ảnh hưởng đến môi trường; phê duyệt đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường đối với các địa phương đã hoàn thành để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân; quan tâm xây dựng các khu công nghiệp công nghệ cao, sử dụng năng lượng sạch trên địa bàn tỉnh; đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp để sớm hoạt động có hiệu quả tạo nguồn lực cho xã hội…
Lan Anh
Ý kiến bạn đọc