Multimedia Đọc Báo in

Tháng Bảy về Lưu Xá

08:26, 28/07/2024

Khu di tích Thanh niên xung phong (TNXP) Đại đội 915 hy sinh ở Lưu Xá thuộc phường Gia Sàng, nằm cách đường tròn trung tâm TP. Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên) 4 km về phía Nam.

Nơi đây chính là vị trí của nhà ga Lưu Xá xưa, nơi hy sinh anh dũng của 61 đoàn viên TNXP và 2 nhân viên thủ kho lương thực Lưu Xá.

Theo lời giới thiệu của cán bộ khu di tích và dòng tư liệu lịch sử ghi trong “Lý lịch di tích lịch sử quốc gia Đại đội thanh niên xung phong 915”, để giữ vững mạch máu giao thông vận tải ở tỉnh Bắc Thái, địa bàn chiến lược về quốc phòng, an ninh, kinh tế ở vùng Việt Bắc, vào cuối năm 1965, Đội 91 TNXP Bắc Thái được thành lập với hơn 600 cán bộ, đoàn viên bao gồm 4 đại đội trực thuộc Đại đội 911, 912, 913, 914. Các đại đội thực hiện các nhiệm vụ như: san lấp hố bom, làm đường giao thông, xây dựng nhà cửa, bốc dỡ hàng hóa, xây dựng hầm hào, trận địa.

Khu lưu niệm Đại đội 915 là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ Việt Nam.

Do yêu cầu, nhiệm vụ, tháng 6/1972, Đội 91 sắp xếp, kiện toàn lại, thành lập thêm Đại đội 915, gồm 102 cán bộ, chiến sĩ do Đại đội trưởng Triệu Đức Việt chỉ huy. Đại đội TNXP 915 có 102 cán bộ, chiến sĩ biên chế thành 7 tiểu đội, lập 1 chi bộ có 7 đảng viên do đồng chí Minh làm Bí thư. Các chiến sĩ nam, nữ TNXP, tuổi đời 17 - 18, là người dân tộc thiểu số đến từ các huyện vùng cao, vùng sâu của Thái Nguyên, Bắc Kạn, phục vụ chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ, làm nhiệm vụ duy tu, san lấp hố bom, sửa chữa các tuyến đường cầu Đa Phúc, cầu Gia Bẩy, ngầm Sơn Cẩm, nhà Bến Oánh, Quốc lộ 1B, Lạng Sơn - Thái Nguyên và 16A.

Đại đội 915 đã dũng cảm bám đường, cầu, phà, bến bãi, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiến đấu, phục vụ chiến đấu, kịp thời thông đường, bảo đảm cho những chuyến xe chở hàng ra tiền tuyến. Theo lời kể của các nhân chứng, vào đêm 24/12/1972, 34 chiếc máy bay (chiến lược) B52 và 40 chiếc máy bay (chiến thuật) ồ ạt lao vào ném hơn 700 quả bom, bắn tên lửa vào khu Nam TP. Thái Nguyên, một loạt bom rải thảm B52 đánh trúng vị trí hầm trú ẩn. Bom rơi trúng hầm, 61 đoàn viên TNXP và 2 nhân viên thủ kho lương thực Lưu Xá hy sinh ngay trong hầm trú ẩn.

Nhà bia tưởng niệm Khu di tích 915 được xây dựng năm 1996, với sự chung tay góp sức của đoàn viên thanh niên TP. Thái Nguyên, các cựu TNXP và nhân dân địa phương để ghi nhớ sự hy sinh của Đội TNXP 915, công trình được xây dựng đúng nơi 61 chiến sĩ TNXP ngã xuống. Đến nay, Khu di tích Đội TNXP 915 đã được xây dựng khang trang trên khuôn viên rộng 4,75 ha; với các hạng mục như: cổng tam quan Di tích lịch sử quốc gia Đại đội 915, nhà khách và nhà điều hành của khu di tích, 3 trụ cột đá vững chắc biểu tượng cho sức mạnh chiến đấu của chiến sĩ Đại đội 915, lầu khánh, lầu chuông được thiết kế trang trọng ở hai bên nhà lưu niệm. Nhà lưu niệm tọa lạc ở vị trí trên cao, với mái vòm được tạo tác tinh xảo và những trụ cột vững chãi, có ban thờ các anh hùng liệt sĩ TNXP Đại đội 915.

Đầu tàu, đường ray ga Lưu Xá trở thành di tích trong khu lưu niệm.

Phía dưới là tầng ngầm của nhà lưu niệm, nơi trưng bày tài liệu, hiện vật có giá trị lịch sử về Đại đội TNXP 915, hình ảnh các TNXP còn sống sau trận ném bom của đế quốc Mỹ tối 24/12/1972 được đặt trang trọng ở một góc trong không gian, những tấm bằng "Tổ quốc ghi công" khắc ghi sự hy sinh anh dũng của các chiến sĩ Đại đội TNXP 915, chiếc xe đạp, máy điện thoại và hình ảnh những TNXP Đại đội 915 được lưu giữ như những câu chuyện kể chân thực về những năm tháng họ sống, làm việc và chiến đấu dũng cảm. Phía trước cửa không gian trưng bày tài liệu, hiện vật là đầu tàu chở hàng trên đường ray được lưu giữ, nơi các chiến sĩ TNXP ngày đêm bốc xếp hàng để phục vụ tiền tuyến, bảo đảm thông các tuyến đường huyết mạch.

Đại đội đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Di tích lịch sử khu lưu niệm các TNXP Đại đội 915 được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử quốc gia vào năm 2009, trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ Việt Nam.

Nguyễn Thế Lượng


Ý kiến bạn đọc