Multimedia Đọc Báo in

Người thương binh nêu cao trách nhiệm “đảng viên đi trước"

14:14, 23/08/2024

Năm nay 84 tuổi đời, 60 năm tuổi Đảng, ông Phạm Văn Khôi, đảng viên Chi bộ thôn 12, xã Hòa Lễ (huyện Krông Bông) luôn nêu cao vai trò trách nhiệm “đảng viên đi trước”.

Quê ở huyện Duy Tiên (tỉnh Hà Nam), năm 1960, ông Khôi lập gia đình và tham gia công tác ở địa phương. Ngày 10/4/1964, khi đang là đội trưởng sản xuất kiêm Phó Bí thư Chi đoàn thôn, ông Khôi vinh dự được kết nạp vào Đảng. Đến tháng 6/1966, ông nhận lệnh nhập ngũ vào binh chủng đặc công; đến cuối năm 1968, ông Khôi lên đường vào Nam chiến đấu, thuộc đơn vị đặc công K3, Trung đoàn 6, Quân khu Trị Thiên, Huế.

Suốt 6 năm ở chiến trường Trị Thiên, ông Khôi cùng đồng đội đã tham gia hàng chục trận đánh lớn, nhỏ, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, thu được nhiều vũ khí, khí tài của địch về phục vụ cho quân đội ta.

Có những trận đánh “ngàn cân treo sợi tóc” nhưng chưa bao giờ làm ông lung lay ý chí. Trong đó, có hai trận đáng nhớ nhất là trận đánh vào cao điểm K Cô Pa - Phong Điền (tháng 3/1969) và trận đánh sân bay Tà Cơn (tháng 6/1972).

Ông Khôi nhớ lại, tháng 3/1969, sau nhiều ngày trinh sát địa hình, những người lính đặc công như ông đều hóa trang bằng cỏ, lá cây rừng mai phục tại chỗ, theo dõi từng cử chỉ hành động của địch đóng trên chốt, chờ thời cơ tiến quân bám sát mục tiêu. Khi chỉ huy có lệnh được nổ súng, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và chủ động đánh địch nên sau nhiều giờ giao tranh với địch, quân ta làm chủ cao điểm K Cô Pa.

Trong trận này, ông Khôi bị chấn thương sọ não và trúng nhiều mảnh đạn ở tay, chân… phải nằm điều trị hơn 2 tháng tại bệnh xá của đơn vị. Xuất viện, ông lại cùng đơn vị tiếp tục lên đường hành quân đến những vùng trọng yếu.

Ông Pham Văn Khôi cùng những danh hiệu cao quý.

Tháng 6/1972, trên cương vị Trung đội trưởng, ông Khôi được phân công chỉ huy mũi 1 gồm 20 chiến sĩ đặc công tiến công vào sân bay Tà Cơn (Quảng Trị), thực hiện quyết tâm của Bộ Chỉ huy Mặt trận phải tiêu diệt địch, chiếm được sân bay, tạo thế và lực có lợi cho ta…

Nhận định đây là trận đánh quan trọng, mọi người đều đặt trong tình trạng “chiến đấu đến hơi thở đến cùng”. Ngay từ khi tiếng súng mở màn trận đánh, đạn pháo của địch bắn phá dữ dội, cứ mỗi đợt kéo dài 30 phút. Để bảo toàn lực lượng và giành được thắng lợi, khi địch bắn phá thì quân ta dựa vào địa hình tìm cách di chuyển chậm, khi địch ngừng pháo thì quân ta hành quân “thần tốc”.

Đến khoảng 1 giờ sáng hôm sau, ta đã tiếp cận được mục tiêu, với phương châm phân tán lực lượng địch, đánh “xáp lá cà”, các mũi tiến công chủ động tìm địch mà đánh. Nhờ cách đánh linh hoạt của ta, địch thất bại thảm hại và tháo chạy, ta làm chủ chiến trường.

Với những chiến công trong các trận đánh lớn, ông Khôi được hai lần phong tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ cấp 2 và cấp 3.

Sau khi Hiệp định Paris ký kết, ông chuyển ra Bắc an dưỡng ở Đoàn 253 Quân khu Tả ngạn cho đến ngày 30/4/1974 thì phục viên. Ông Khôi là thương binh 4/4, phơi nhiễm chất độc da cam tỷ lệ 35%.

Trở về cuộc sống đời thường, với trách nhiệm của một người lính Cụ Hồ, một đảng viên, ông Phạm Văn Khôi lại tiếp tục kinh qua nhiều công việc ở địa phương, từ kế toán hợp tác xã, cho đến đội trưởng sản xuất, ở vị trí công tác nào ông cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Năm 1986, hưởng ứng chủ trương của Đảng xây dựng vùng kinh tế mới, ông đưa gia đình vào thôn 12, xã Hòa Lễ lập nghiệp. Nơi quê hương mới, từ năm 1986 đến cuối năm 1995, ông được bầu làm Bí thư Chi bộ kiêm Chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp. Những năm đầu xây dựng kinh tế mới, cuộc sống của bà con trong hợp tác xã vô cùng khó khăn, thiếu thốn, nhiều người không chịu nổi phải bỏ về quê cũ hoặc đi nơi khác. Trước tình hình trên, một mặt ông đi đến từng nhà vận động bà con bám trụ, mặt khác ông vận động bà con chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi (thời gian này bà con chỉ trồng cây lúa và cây hoa màu). Nhờ có kế hoạch bài bản và kiên trì thuyết phục, đến năm 1995, hợp tác xã đã chuyển đổi nhiều diện tích trồng hoa màu sang trồng cây cà phê, điều có hiệu quả, đời sống của bà con dần được cải thiện đáng kể…

Giờ đây, dù tuổi cao, sức yếu nhưng thương binh Phạm Văn Khôi luôn kiên định lập trường tư tưởng, nêu cao tinh thần đoàn kết trong tổ chức đảng. Ông giáo dục con cháu và tích cực vận động nhân dân tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, tuân thủ pháp luật của Nhà nước, đặc biệt luôn thực hiện nghiêm nguyên tắc sinh hoạt đảng. Ngày 19/5/2024 vừa qua, ông Phạm Văn Khôi đã vinh dự được nhận Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng.

Mai Viết Tăng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.