Multimedia Đọc Báo in

Đoàn kết xây dựng buôn làng

05:25, 27/10/2024

Nhờ chủ trương đúng đắn của Đảng, chính sách đầu tư hợp lý của Nhà nước cùng với sự đổi thay trong nhận thức, sự nỗ lực của đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS), diện mạo các buôn làng trên địa bàn huyện Cư Kuin đã có nhiều khởi sắc.

Từ những ngày gian khó…

Buôn Tiêu (xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin) được thành lập từ năm 1972. Sau khi đất nước thống nhất năm 1975, FULRO được sự hậu thuẫn của các tổ chức phản động lưu vong tiếp tục hoạt động ráo riết với âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân và đòi ly khai. Những ngày khốn khó, thiếu thốn đủ đường ấy, do nhận thức hạn hẹp, nhiều người đã lầm đường lạc lối, nghe theo lời kích động, dụ dỗ của các đối tượng FULRO gây nên các vụ biểu tình và gây rối an ninh trật tự.

Theo lời kể của nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Y Luyện Niê Kdăm, năm 1977 ông được phân công về huyện Cư Kuin với nhiệm vụ dân vận, cùng đồng bào xây dựng cuộc sống mới. Nhiệm vụ được đặt ra lúc đó là nhanh chóng củng cố và xây dựng lực lượng dân quân tự vệ để đối phó với thế lực FULRO. Đỉnh điểm là vào những năm 2001, 2004 do thế lực này giật dây kích động, không ít người dân đã bị dụ dỗ đi biểu tình, gây bạo loạn, mất an ninh trật tự, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phá hoại thành quả của cách mạng.

Đồng bào các dân tộc anh em sinh sống trên địa bàn huyện Cư Kuin chung vui trong Ngày hội đại đoàn kết các dân tộc.

“Xét về nguyên nhân thì một phần là do các thế lực thù địch xúi giục đồng bào, nhưng ở thời điểm ấy về chủ quan là do một số chính sách của chúng ta đầu tư cho vùng đồng bào DTTS ở Tây Nguyên chưa phù hợp. FULRO lợi dụng những thiếu sót trong quá trình thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo, giải quyết vấn đề đất đai… để xuyên tạc đường lối, chính sách dân tộc đúng đắn của Đảng, Nhà nước, gây hoài nghi, chia rẽ trong đồng bào, kích động tư tưởng dân tộc hẹp hòi, chia rẽ người Kinh với người DTTS” - ông Y Luyện Niê Kdăm chiêm nghiệm.

Buôn làng đổi mới

Được các thế lực thù địch “hà hơi, tiếp sức”, ngày 11/6/2023, một lần nữa “bóng ma” FULRO lại trỗi dậy. Chúng gây ra vụ khủng bố chống chính quyền nhân dân tại xã Ea Tiêu và Ea Ktur.

Với sự chỉ đạo toàn diện, quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền; sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các cấp, các ngành và các lực lượng chức năng, sự đồng sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là tinh thần đoàn kết, cảnh giác của đồng bào các dân tộc trên địa bàn, các đối tượng đã nhận bản án nghiêm khắc của pháp luật.

Bà con người dân tộc Êđê (xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin) tham gia Ngày hội đại đoàn kết các dân tộc trên địa bàn xã.

Hơn 60 năm gắn bó với buôn làng, ông Y Thiu Knul (62 tuổi, người có uy tín tại xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin) khẳng định, “bóng ma” FULRO có lớn mạnh ở đâu nhưng bà con nhận thức rất cao trong việc cảnh giác, bảo vệ bình yên cho buôn làng. “Năm 2004, tụi nó (FULRO) xúi giục đồng bào mình bỏ nương rẫy, bỏ nhà cửa đi biểu tình, bao nhiêu người khóc hết nước mắt vì bị lừa rồi đó. Bà con mình giờ cảnh giác lắm, nghe cán bộ, nghe già làng, người có uy tín chứ không nghe lời kẻ xấu”- ông Y Thiu Knul quả quyết.

Lời ông Y Thiu quả không sai, về thăm các buôn làng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Cư Kuin những ngày này, diện mạo buôn làng đã có nhiều khởi sắc. Từ năm 2004 đến nay, nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương, đời sống kinh tế xã hội cũng như đời sống văn hóa tinh thần của người dân đã có nhiều chuyển biến rõ nét. Các công trình phúc lợi được đầu tư ngày càng nhiều, hệ thống điện, đường, trường, trạm… được nâng cấp và mở rộng, tạo thuận lợi cho việc giao thương, buôn bán. Bà con trong buôn sống hòa thuận, giúp đỡ lẫn nhau và cùng chung tay xây dựng buôn làng ngày một giàu đẹp, văn minh.

Ngắm nhìn diện mạo mới của buôn làng, Bí thư Chi bộ buôn Tiêu Y Biôl Knul tâm tình: “Toàn buôn hiện có 598 hộ, trong đó hơn 98% là đồng bào DTTS, thu nhập bình quân đầu người khoảng 58 triệu đồng/năm. So với ngày xưa, cuộc sống bà con trong buôn phát triển nhiều rồi, nhà ván nhà gỗ còn ít, đa phần nhà xây kiên cố hết rồi, chỉ còn vài hộ khó khăn thôi. Ngày trước làm gì có ai có xe máy hay nhà xây, bây giờ nhà ai cũng có xe, vợ chồng trẻ mới cưới đã xây dựng căn nhà kiên cố làm tổ ấm. Đảng, Nhà nước như bố mẹ, các dân tộc Êđê, J'rai, Tày, Nùng, Kinh… là anh em trong một gia đình, đều được quan tâm hỗ trợ cho cuộc sống ngày càng phát triển”.

Hồng Chuyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.